Nhiều dấu hiệu bất thường

ThienNhien.Net – Phát hiện nhiều vi phạm trong việc nạo vét, tận thu khoáng sản trên sông Đồng Nai; Bộ Giao thông Vận tải bất nhất.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trương Tấn Viên vừa ký kết luận thanh tra, xác minh các nội dung kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương và rà soát, kiểm tra dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Đồng Nai.

Chỉ gây sạt lở 1 vị trí (?)

Theo kết luận thanh tra, tháng 7-2011, Công ty CP Xây dựng – Đầu tư và Phát triển cảng biển Tân Phú Thịnh có văn bản xin chủ trương nạo vét duy tu luồng lạch kết hợp tận thu vật liệu trên sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Sau đó, Cục Đường thủy nội địa Bộ GTVT đã chấp thuận.

Trong quá trình thực hiện, đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế – Công ty CP Tư vấn xây dựng Việt Hà – đã có một số sai sót nên khối lượng thiết kế nạo vét không đúng. Tuy nhiên, báo cáo của Công ty Việt Hà cho biết hiện số liệu đo khảo sát gốc và nhật ký khảo sát đã bị mất (?!).

Công ty CP Tư vấn xây dựng Liên Hiệp được chọn là đơn vị thực hiện tư vấn giám sát độc lập nạo vét luồng. Tuy nhiên, Công ty Tân Phú Thịnh chỉ ký hợp đồng kinh tế mà không thông báo để Công ty Liên Hiệp thực hiện việc giám sát theo hợp đồng đã ký.

Căn cứ hồ sơ thiết kế do Công ty Việt Hà lập tháng 11-2011 (trước khi Tân Phú Thịnh thi công) và hồ sơ đo đạc khối lượng nạo vét do Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam lập tháng 5-2013 (khi đã thi công), đoàn thanh tra phát hiện khối lượng chênh lệch trước và sau nạo vét rất lớn.

Qua kết quả kiểm tra hiện trường đoạn cạn số 1 và 2, hầu hết diện tích, khối lượng nạo vét đã hết, độ cao địa hình đáy sông cao hơn độ sâu chạy tàu được phê duyệt. Ngoài ra, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Dương cũng cho thấy khối lượng khai thác vượt hồ sơ thiết kế. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty Tân Phú Thịnh, khối lượng nạo vét thấp hơn nhiều so với khối lượng tạm tính của Sở TN-MT tỉnh Bình Dương.

Tuy vậy, kết luận thanh tra lại cho rằng do hồ sơ thiết kế lập trước khi thi công có sai sót, lòng dẫn khu vực thi công luôn bị xói do tác động của dòng chảy với tốc độ lớn vì đập thủy điện Trị An xả lũ, việc khai thác cát trái phép… nên không có căn cứ để xác định khối lượng chênh lệch do Công ty Tân Phú Thịnh thực hiện!

Đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện có tới 6 vị trí sạt lở mới (ngoài phạm vi dự án) và 5 vị trí sạt lở cũ (thuộc dự án). Tuy nhiên, Công ty Tân Phú Thịnh chỉ nhận trách nhiệm về việc nạo vét sai dẫn đến sạt lở 1 vị trí. Ngoài ra, công ty này chưa khảo sát địa hình đáy sông trước khi thi công, không thả phao khoanh định khu vực nạo vét, chưa thực hiện đúng quy định về việc tập kết sản phẩm tận thu…

Dự án nạo vét sông Đồng Nai của Công ty Hiệp Phước khiến người dân địa phương lo lắng về nguy cơ sạt lở Ảnh: MINH KHANH
Dự án nạo vét sông Đồng Nai của Công ty Hiệp Phước khiến người dân địa phương lo lắng về nguy cơ sạt lở Ảnh: MINH KHANH

Bộ GTVT cho phép nạo vét sai quy hoạch

Ngoài Công ty Tân Phú Thịnh, trên sông Đồng Nai hiện còn 2 dự án khác do Công ty CP Đầu tư – Khai thác Cảng và Công ty CP Hàng hải – Đầu tư phát triển Hiệp Phước thực hiện. Cả 2 dự án này đều đã được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương, Bộ TN-MT phê duyệt đánh giá tác động môi trường cùng các thủ tục cần thiết. Hiện 2 công ty vẫn đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục đăng ký tận thu sản phẩm với UBND các tỉnh, thành phố.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP HCM đề nghị ủng hộ chủ trương thực hiện dự án nạo vét luồng tuyến sông Đồng Nai của Công ty Hiệp Phước. Lý do là các cảng trên sông Đồng Nai, theo quy hoạch, sẽ tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 DWT nhưng một số đoạn không đủ chiều rộng và độ sâu, nhất là khu vực cù lao Basan. Vì vậy, việc nạo vét luồng tuyến bảo đảm cho phương tiện thủy trọng tải 5.000 DWT là cần thiết.

Bộ GTVT cũng đề nghị TP HCM giao cho nhà đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra thực trạng để xác định vị trí, khối lượng cần nạo vét của các đoạn cạn; rà soát, điều chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án; xác định hiện trạng những điểm sạt lở bờ sông mà cử tri kiến nghị.

Trong các văn bản chấp nhận đầu tư dự án do Bộ GTVT ký trước đây, Công ty Hiệp Phước được giao nhiệm vụ nạo vét luồng sông Đồng Nai nhằm bảo đảm cho việc tiếp nhận tàu trọng tải 10.000 DWT, độ sâu nạo vét âm (-) 10 m. Chính TP HCM và tỉnh Đồng Nai đã phát hiện rằng các cảng trên sông Đồng Nai theo quy hoạch đến năm 2030 chỉ tiếp nhận tàu có tải trọng đến 5.000 DWT, đồng thời nhiều lần kiến nghị Chính phủ về việc Bộ GTVT cho phép nạo vét sai quy hoạch. Thực tế, từ trước đến nay, các sở, ngành của TP HCM cũng chưa từng ghi nhận trường hợp tàu mắc cạn nào trên luồng Đồng Nai.

Trong văn bản gửi UBND TP HCM mới đây, Sở TN-MT TP cũng một lần nữa khẳng định độ sâu hiện tại của sông Đồng Nai đã bảo đảm cho lưu thông tàu với trọng tải 5.000 DWT và dự án này không phù hợp với quy hoạch cảng biển do chính Bộ GTVT quy hoạch. Do đó, Sở TN-MT kiến nghị TP HCM không chấp thuận chủ trương và đề nghị dừng thực hiện dự án nạo vét để tránh gây hậu quả xấu về sau. Ngoài ra, để bảo đảm tính chủ động, khách quan và tránh lệ thuộc vào chủ đầu tư, UBND TP HCM giao việc đo và xác định độ sâu hiện trạng cho Sở GTVT chủ trì. Trên kết quả thực trạng đo độ sâu, các sở, ngành sẽ đề xuất UBND TP HCM kết hợp với việc lấy ý kiến HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP nhằm bảo đảm tính khách quan và xác định rõ có cần thiết phải thực hiện dự án hay không.

Nhiều chuyên gia trong ngành hàng hải nhận xét để lưu thông tàu tải trọng 5.000 DWT chỉ cần độ sâu từ – 6 đến -7 m, trong khi sông Đồng Nai đã “dư sức” với độ sâu này.

Cấm tham gia dự án của Bộ GTVTBộ GTVT đề nghị các cơ quan chức năng xác định khối lượng nạo vét thực tế, yêu cầu Công ty Tân Phú Thịnh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên và phí môi trường, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do làm sạt lở theo đúng quy định.

“Không cho phép Công ty Tân Phú Thịnh tham gia dự án trong thời gian 6 tháng kể từ ngày ký kết luận này… Từ nay tới khi Bộ GTVT ban hành thông tư quy định về nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm, không cho phép Công ty Việt Hà tham gia tư vấn, giám sát các công trình do Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị thuộc bộ làm chủ đầu tư hoặc phê duyệt chủ trương chấp thuận dự án” – kết luận do Thứ trưởng Trương Tấn Viên ký nêu rõ.