Lo lắng khi nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận

ThienNhien.Net – Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận khiến nhiều chuyên gia lo lắng về vấn đề môi trường và hệ sinh thái.

Bãi Tiên, một trong những điểm đến hoang sơ và đẹp của đảo Hòn Cau. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Ngày 23/6/2017, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN&MT) Nguyễn Linh Ngọc đã ký Giấy phép số 1517/GP-BTNMT, chấp thuận cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 918.533 m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận). Trong đó, có 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích… Giấy phép có hiệu lực kể từ ngày ký và hết hạn vào ngày 31/10/2017. Vấn đề này đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường.

Nếu có vấn đề phải ngừng ngay

Theo ông Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam, cần phải làm rõ đây không phải chất thải mà là chất nạo vét từ đáy biển, thuộc một phần của biển và việc nhận chìm nó là một quá trình tự nhiên và luật pháp quốc tế quy định rõ vấn đề này tại: Công ước ngăn ngừa ô nhiễm do đổ chất thải ở biển và Nghị định thư Luân Đôn 1996, sửa đổi năm 2006; Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và nhiều Nghị quyết Đại hội đồng Liên hợp quốc về đại dương và Luật biển của cũng quy định hoạt động nhận chìm.

“Trong cuốn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 do Nhà xuất bản chính trị quốc gia xuất bản năm 2012 có định nghĩa nhận chìm là nhấn chìm chất thải, phương tiện tàu bè, giàn khoan công trình ở biển xuống biển. Trong tiếng Anh, nhận chìm và đổ thải đôi khi dùng lẫn lộn với nhau nhưng có ý nghĩa như nhau”, ông Ca nhận định.

Còn ở Việt Nam, Luật bảo vệ môi trường 2005 nghiêm cấm mọi hình thức đổ chất thải xuống biển nhưng thực tế việc đổ chất thải nạo vét lên bờ khó khăn vì cần mặt bằng để đổ chất nạo vét, phải di dời dân, tốn chi phí; đồng thời gây ô nhiễm nước mặn, nhiều năm mới rửa sạch được.

Từ các lý do trên, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã sửa đổi và cho phép nhận chìm ở biển và Luật Tài nguyên, môi trường biển đảo 2015 đã quy định chi tiết việc nhận chìm biển và các văn bản dưới luật cũng quy định chi tiết thủ tục cấp phép nhận chìm.

“Với khu nhiệt điện Vĩnh Tân, tôi đã xem qua Báo cáo dự án nhận chìm ở biển. Theo báo cáo đó thì với một lỗ khoan tiêu chuẩn có độ dày khoảng 15m chỉ có một tầng đất có lẫn bùn sét với độ dày khoảng 1,5m và có hàm lượng bùn sét không quá 5% còn lại hầu hết là cát, trong cát không có chất độc hại”, ông Ca khẳng định.

Còn khu vực đổ thải chủ yếu là nền cát và đa dạng sinh học không cao và do vậy nếu nhận chìm thì việc hại môi trường sinh thái không lớn lắm, có thể làm một số sinh vật đáy bị chết nhưng cá tôm sẽ bơi đi khu vực khác, một số sinh vật khác có thể xuyên qua lớp bùn cát để phát triển.

Ông Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam.

Ông Ca cho biết thêm: “Trong dự án nhận chìm đã tính toán đến tất cả yếu tố khí tượng, gió, dòng chảy, mật độ. Nếu trong điều kiện lặng gió thì nước đục ở khu vực nhận chìm sẽ ảnh hưởng một phần đến bãi cạn Breda và một phần ranh giới phía Bắc khu bảo tồn biển Hòn Cau. Nếu như gió có hướng đông bắc thì nước đục chuyển đến phía nam và ảnh hưởng đến một phần bãi cạn Breda và ranh giới phía bắc khu bảo tồn biển Hòn Cau. Nếu như thời gian của gió dài, ví dụ 3- 4 ngày thì sẽ ảnh hưởng khá nhiều. Còn trong trường hợp gió mùa Tây Nam thì nước đục sẽ chuyển lên phía Bắc và không ảnh hưởng đến bãi cạn Breda cũng như khu bảo tồn biển Hòn Cau”.

Ông Ca nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi đã phát triển là phải có tác động đến môi trường nhưng vấn đề là phải quản lý thế nào để tác hại nằm trong giới hạn cho phép và khả năng tự phục hồi. Phải quản lý tốt để nếu như quan trắc giám sát quá trình đổ thải đảm bảo đổ đúng chỗ và nếu như nước đục ở ranh giới khu bảo tồn biển và vượt giới hạn cho phép thì lập tức dừng hoạt động nhận chìm để xem xét lại và chờ điều kiện tốt hơn ví dụ như gió mùa tây nam nổi lên, khi đó tiếp tục cho đổ chất nạo vét xuống biển”.

Theo ông Ca, bên cạnh giám sát đơn vị thực hiện theo đúng quy định nhận chìm thì cần thực hiện giám sát đo đạc các thông số môi trường ở khu vực có thể bị ảnh hưởng để đảm bảo nồng độ chất độc hại không vượt quá giới hạn cho phép và ảnh hưởng đến khu bảo tồn biển.


PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam.

Lo ngại hợp thức hóa nguồn thải trong tương lai

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam cho rằng, việc nhận chìm chất thải này còn nhiều vấn đề cần làm rõ. Theo thông lệ quốc tế, nếu nhận chìm thì chất thải phải thỏa mãn yêu cầu như xây bờ be, xây khung hoặc đóng gói, bao bì chất thải và kiểm duyệt chặt chẽ và độ sâu phải tính bằng độ cao cao nhất của đỉnh đổ thải chứ không phải độ sâu của đáy biển hiện tại để tránh phân tán ra toàn bộ vùng biển xung quanh. Bên cạnh đó phải trả lời các vấn đề là xả thải này chỉ một lần hay nhiều lần và mỗi lần bao nhiêu?

Nếu chọn thời gian biển lặng để nhận chìm, nhưng khi đống thải đã nằm dưới đáy biển, nằm ngoài sự kiểm soát rồi thì sang mùa biển động thì mới tác động nếu như không tính kỹ lưỡng, kỹ thuật nhận chìm không chuẩn sẽ gây hậu quả.

“Trong chương 6 của Luật Tài nguyên môi trường biển có quy định điều kiện nhận chìm nhưng chưa quy định rõ về điều kiện kỹ thuật. Việc áp dụng mập mờ nên hiểu như thế này thì sắp tới tất cả khái niệm chất thải được chuyển thành chất nhận chìm hết, tự nhiên không cẩn thận chúng ta hợp thức hóa cho tất cả các nguồn thải”, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi lo ngại.

PGS.TS Chu Hồi khẳng định, bất kỳ loại chất thải nào đổ ra biển dù ô nhiễm hay không cũng sẽ làm mất vĩnh viễn hệ sinh thái nền đáy. “Tôi cho rằng cái này cần xem xét kỹ, về khoa học tôi chỉ nói rằng biển đang bị ‘đầu độc’, không nên ‘đầu độc’ thêm nữa vì hậu quả đã thấy rõ, nguồn thủy hải sản đã bị suy giảm mạnh. Tuy nhiên, đã cấp phép rồi thì người cấp phép phải chịu trách nhiệm”, PGS.TS Hồi khẳng định.