Quản lý đa dạng sinh học “như mớ bòng bong”

ThienNhien.Net – Là một quốc gia được thừa nhận là có độ đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong bảo tồn ĐDSH, tuy nhiên công tác bảo tồn ĐDSH vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và bất cập. Những bất cập và hạn chế trong bảo tồn ĐDSH đã được bàn luận tại Hội thảo tham vấn xây dựng Báo cáo các vấn đề trọng tâm trong quản lý ĐDSH tại Việt Nam do Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học tổ chức ngày 13/12/2013 vừa qua.

Tại Hội thảo, trong bài phát biểu định hướng xây dựng Báo cáo, bà Hoàng Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học đã xác định ba vấn đề nổi cộm trong bảo tồn ĐDSH hiện nay ở Việt Nam là Thể chế – chính sách; Tài chính cho bảo tồn ĐDSH và Buôn bán, tiêu thụ động thực vật hoang dã.

Cơ chế quản lý chồng chéo

Nói về lý do xác định thể chế, chính sách là một trong những vấn đề nổi cộm, Bà Nhàn lý giải: “Luật ĐDSH ra đời là một bước tiến lớn vì giúp hệ thống hóa vấn đề bảo vệ ĐDSH vốn trước đó còn phân tán trong các luật khác. Tuy nhiên, bất cập khi ban hành Luật là sự phân định giữa Luật với các luật khác chưa rạch ròi dẫn đến sự chồng chéo và bất cập trong quá trình thực thi.”

Các đại biểu tại Hội thảo cũng đồng tình cho rằng cơ chế quản lý ĐDSH hiện nay “như mớ bòng bong” vì sự chồng chéo, phân định không rõ ràng giữa các hệ thống luật liên quan đến bảo vệ ĐDSH như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ Môi trường và Luật ĐDSH.

Cũng từ đó, trong hệ thống quản lý ĐDSH hiện còn có sự “dẫm chân lên nhau” và phân tán trong quản lý giữa các Bộ chủ quản. Cụ thể, Bộ NN & PTNT hiện đang chịu trách nhiệm quản lý rừng, biển, thủy vực nội địa, đất ngập nước còn Bộ TN&MT lại chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ĐDSH, trong khi ĐDSH lại nằm trong rừng, trong biển, trong đất ngập nước, sông ngòi…

Đặc biệt, bất cập nảy sinh khi sự phân định trách nhiệm giữa hai Bộ quản lý chủ yếu về ĐDSH chưa rõ ràng và thiếu sự phối hợp liên ngành trong quản lý. Đơn cử một ví dụ gần đây là trong khi Bộ TNMT đã xây dựng Chiến lược quốc gia về ĐDSH trong đó có quy định quản lý KBT, thì Bộ NN & PTNN lại đang xây dựng Chiến lược quản lý KBT, rừng đặc dụng, KBT biển; Bộ TN và MT đã xây dựng Nghị định 160 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, trong khi Bộ NN & PTNN cũng đang sửa đổi Nghị định 32 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm… Điều này dẫn đến sự khó khăn, bất cấp trong thực thi ở cấp địa phương, theo bà Nhàn.

Đồng tình với những bất cập được nêu, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh thuộc VUSTA còn cho rằng một trong những thách thức về chính sách còn nằm ở sự thiếu nhất quán trong nhiệm vụ lập quy hoạch ĐDSH. Theo đó mỗi Bộ có nhiệm vụ riêng của mình trong việc lập quy hoạch ĐDSH đối với từng ngành, dẫn đến chồng chéo hoặc khoảng trống trong lập quy hoạch quản lý hệ sinh thái. Cụ thể, theo Luật ĐDSH, Bộ TN&MT chủ trì lập quy hoạch ĐDSH cho toàn quốc, nhưng theo luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật Thủy sản, thì Bộ NN&PTNT lại chủ trì lập quy hoạch KBT biển. Theo luật ĐDSH, UBND tỉnh chịu trách nhiệm lập, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch ĐDSH của tỉnh, nhưng theo luật Bảo vệ phát triển rừng thì “phải có sự đồng thuận của Bộ NN&PTNT trước khi tỉnh phê duyệt”.

Ảnh: Tin môi trường
Ảnh: Tin môi trường

Tài chính cho bảo tồn lệ thuộc vào ngân sách nhà nước

Tài chính cũng được xác định là một vấn đề trọng tâm cần tháo gỡ trong bối cảnh bảo tồn ĐDSH hiện nay. Theo bà Nhàn, hiện nay đầu tư cho bảo tồn chủ yếu là nguồn tài chính truyền thống từ ngân sách nhà nước, nguồn viện trợ; thiếu các cơ chế tài chính mới cho bảo tồn. Nguồn lực tài chính hiện không đủ, đầu tư trực tiếp cho bảo tồn ĐDSH còn ít, chủ yếu tập trung cho đầu tư xây dựng cơ bản.

Ông Nguyễn Sỹ Hà thuộc Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cũng cho biết ngân sách nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn tài chính dành cho bảo tồn. Cụ thể, theo thống kê, ngân sách nhà nước hàng năm chiếm 34% tổng đầu tư cho bảo tồn, các đầu tư khác của nhà nước chiếm 34%, đầu tư cho chương trình 661 là 22%, trong khi các khoản đầu tư không thường xuyên chỉ chiếm 9% và nguồn tài chính do chính khu bảo tồn (KBT) tạo ra chỉ chiếm 1%.

Cũng theo ông Hà, so với các nước khác nguồn tài chính đầu tư cho các KBT của Việt Nam ở mức trung bình, thậm chí còn cao hơn một số nước có điều kiện kinh tế hơn chúng ta như Thái Lan, Slovakia, Belarus… Tuy nhiên đầu tư cho các hoạt động bảo tồn trong KBT thường biến động giữa các năm, có quy mô khác nhau giữa các KBT và không đáp ứng đủ nhu cầu. Đặc biệt, nguồn đầu tư cho KBT thường không gắn chặt với đầu tư bảo tồn ĐDSH tại vùng đệm.

Phân tích về bất cập trong chính sách tài chính cho bảo tồn của Việt Nam, Gs. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, sai lầm của chúng ta chính là đã bỏ ra ngân sách quá lớn để bảo tồn thay vì huy động vốn từ cộng đồng địa phương, từ các doanh nghiệp, từ các tổ chức, cá nhân… khi cho họ thấy được giá trị và lợi ích từ bảo tồn nguồn gen.

Ông Vũ Văn Dũng, nguyên là cán bộ Viện Điều tra Quy hoạch rừng, cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng chúng ta không nên tự hào vì đầu tư của nhà nước cho bảo tồn cao hơn cả Thái Lan và một số nước khác: “Các KBT đang quản lý những tài sản quý giá nhất của quốc gia mà hàng năm vẫn đòi hỏi đầu tư từ ngân sách nhà nước là không hợp lý. KBT ngoài tự trang trải hoạt động của mình lẽ ra còn phải đóng góp cho ngân sách nhà nước và kinh tế địa phương. Ở nhiều nước khác là như vậy. VQG Khao Yai ở Thái Lan chẳng hạn, cũng thành lập cùng năm với VQG Cúc Phương và cũng quản lý diện tích trên 20 nghìn ha nhưng một năm họ có 2 triệu khách du lịch và họ không cần đến ngân sách đầu tư của nhà nước”.

Từ đó, các đại biểu thống nhất đề xuất cần có cơ chế thu hút đầu tư cho bảo tồn ĐDSH từ nhiều nguồn, đồng thời có cơ chế khuyến khích các KBT tự đảm bảo nguồn ngân sách hoạt động cho mình.

Các vấn đề khác cần ưu tiên 

Ngoài buôn bán và tiêu thụ ĐVHD đã được xác định là vấn đề nổi cộm cần ưu tiên giải quyết vì vấn nạn này không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến ĐDSH mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, một số vấn đề khác cũng được các đại biểu kiến nghị đưa vào trọng tâm bảo tồn ĐDSH.

Trước tiên, theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, bên cạnh đa dạng về thực vật và động vật, đa dạng vi sinh vật cần cần được dành vị trí ưu tiên đặc biệt. Bởi lẽ, theo giáo sư, các nguồn gen như gen chịu lạnh, chịu hạn, chịu mặn, chịu phèn… chuyển vào động vật và thực vật đa phần lấy từ vi sinh vật. Trong khi đó nguồn gen của Việt Nam vô cùng phong phú, cần phải được đẩy mạnh nghiên cứu và bảo tồn. Bên cạnh đó, theo GS, các nghiên cứu về nguồn gen cần đặc biệt ưu tiên tính ứng dụng trong thực tế để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, cho đất nước.

Giáo sư Trần Đình Long cũng đồng ý với nhận định này và cho rằng nguồn gen của chúng ta hiện chưa được nghiên cứu một cách xứng đáng, trong khi với một đất 70% dân số là nông dân như nước ta thì việc bảo tồn nguồn gen là vô cùng quan trọng trước khi chúng ta mất đi những nguồn gen quý hiếm mà thế giới không có.

Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn cũng được các đại biểu tại Hội thảo đặc biệt nhấn mạnh. PGS Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VACNE), kiến nghị bên cạnh nghiên cứu những vấn đề vĩ mô, cần có tổng kết thực tiễn về những thành công trong bảo tồn nguồn gen, động thực vật tại cộng đồng để nghiên cứu và nhân rộng.

Ủng hộ quan điểm này, ông Vũ Văn Dũng cũng đánh giá hiện nay vai trò của cộng đồng trong bảo tồn ĐDSH đang bị xem nhẹ trong khi rừng đặc dụng và ĐDSH của chúng ta còn lại ngày nay là nhờ rất lớn ở vai trò của cộng đồng. Một ví dụ là gần đây bà con người Tày ở Phúc Sen đã tìm ra loài cây phủ xanh núi đá và từ đó phục hồi rừng nghiến mà không chờ đến nguồn đầu tư ngân sách của nhà nước.

“Nếu tách quyền lợi của cộng đồng ra khỏi quyền lợi của ban quản lý các KBT và nhà nước thì quản lý của chúng ta không thể thành công được. Chúng ta cần nghiên cứu, khuyến khích, nhân rộng những gương sáng, những mô hình cộng đồng trong quản lý ĐDSH”, ông Dũng kết luận.

Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học ghi nhận để xây dựng Báo cáo tóm tắt chính sách và các báo cáo chuyên đề gửi đến các cấp ra quyết định trong cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và cấp tỉnh cùng các đại biểu quốc hội.