Tham vấn cộng đồng khi lập dự án: Đừng làm hình thức, khổ dân!

Theo giới chuyên gia môi trường, dự luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cần quy định rõ hơn về vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác tham vấn, quyền được biết và giám sát môi trường…

Bàn về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đại diện Hội đồng Nhân dân một số tỉnh và giới chuyên gia môi trường cho rằng hiện vẫn còn tình trạng doanh nghiệp khi thực hiện quan trắc tự động, tất cả các chỉ số quan trắc đều trong ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thế nhưng thực tế thì “mùi rất ô nhiễm, người dân sinh sống xung quanh… khổ quá!”

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Thành Đạt/TTXVN)

Vì thế, dự luật lần này cần quy định rõ hơn về vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác tham vấn, quyền được biết thông tin và giám sát chất lượng môi trường.

Dân kêu ảnh hưởng, cơ quan quản lý bảo an toàn?

Tại hội thảo Thúc đẩy vai trò tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi trong công tác bảo vệ môi trường diễn ra mới đây, bà Nguyễn Ngọc Trâm, chuyên viên Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang, cho biết hiện nay chế tài bảo vệ môi trường đã có nhưng quá trình thực hiện chưa thực sự nghiêm túc.

Đơn cử như các dự án thủy điện lớn, nhìn chung đều bài bản, tuy nhiên có một số tác động môi trường chưa lường tới. “Ví dụ mực nước dâng nay đang phải đánh giá để bồi thường bổ sung. Rất mong luật sửa đổi các chế tài và thực hiện đúng như đã xây dựng,” bà Trâm nêu quan điểm.

Liên quan đến đối tượng chịu tác động của dự án, bà Trâm cho rằng đây là quy định rất quan trọng. Ví dụ dân ở ngay chân thủy điện nhưng không có điện, điều đó cho thấy quyền lợi của đối tượng chịu tác động cần được tính đến.

Ngoài ra, việc triển khai các vấn đề môi trường như xử lý rác thải, nghĩa trang, nhất là nghĩa trang do tư nhân đầu tư rất khó khăn vì bà con luôn cho rằng các dự án đó gây tác động không tốt đến sức khỏe… “Mặc dù chúng ta có đầy đủ các thứ, có ĐTM (báo cáo đánh gía tác động môi trường), tham vấn đầy đủ các quy trình nhưng bà con vẫn có đối tượng không đồng tình,” bà Trâm chia sẻ.

Nhắc tới quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật trong dự luật, bà Trâm cho biết Tuyên Quang có nhà máy giấy An Hòa là đơn vị quan trắc tự động, tất cả các chỉ số đều trong ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Thế nhưng, người dân thành phố cách đó hơn chục cây số nhưng thấy không khí ô nhiễm, mùi kinh khủng. Nếu đi qua Nhà máy supe phốt phát Lâm Thao sẽ thấy dân ở đó khổ quá, nếu là tôi thì tôi đã chuyển đi nơi khác,” bà Trâm nói thêm.

Với những trăn trở trên, bà Trâm đề nghị trong các quy định của luật sau này cần đảm bảo hơn. Lý do bởi quy định hiện tại là đảm bảo sự sống, phát triển bình thường của con người, sinh vật, thế nhưng “hiểu như thế rất là rộng, bởi sống nghĩa là không chết, đúng là sống nhưng sống như thế nào mới là vấn đề.”

Có cùng quan điểm, bà Vi Thị Chung, Trưởng ban Dân tộc Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, cho rằng vấn đề tiếp cận về quyền cũng như nghĩa vụ của đồng bào dân tộc thiểu số trong bảo vệ môi trường là điều rất đáng quan tâm.

Vì thế, luật lần này cần đưa ý kiến cộng đồng dân cư vào là bởi đây là một trong các yếu tố quyết định của việc tham vấn là căn cứ, chứ không phải chỉ để tham khảo. “Nếu chỉ để tham khảo thì ngay cán bộ làm cũng chỉ là hình thức,” bà Chung nhấn mạnh.

Một thực trạng buồn được bà Chung đề cập tới là khi đi giám sát thực địa, người dân sinh sống xung quanh khu vực mỏ, nhà máy muốn chuyển ra ngoài do các tác động trực tiếp. Ví dụ Gang thép Thái Nguyên gây nứt nhà, mất nước nhưng đến thời điểm này không có cách nào đền bù cho người dân mặc dù Bộ Tài nguyên Môi trường đã tham gia để đánh giá. Vậy nguyên nhân từ đâu?

“Tôi đi tiếp xúc cử tri ở mỏ quặng thì người dân địa phương và xã đều khẳng định là có vi phạm và đời sống bị tác động rất nhiều nhưng huyện và tỉnh, đặc biệt đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương đều bảo là an toàn, trong khi dân thì không thể trồng, cấy,” bà Chung chia sẻ.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN)

Chính vì vậy, bà Chung mong muốn luật lần này cần quy về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, kể cả đối với địa phương. Luật cũng cần phải bao trùm, làm thế nào để người dân có ý kiến chính xác để các cơ quan quản lý nhà nước thấy rằng đó là các ý kiến có cơ sở. “Còn nếu phản biện xã hội mà không có khả năng thì không thể thực hiện. Giống như trước đây chúng tôi làm Hội phụ nữ, bảo phản biện nhưng không biết thì làm sao mà phản biện được,” bà Chung nói thêm.

Sàng lọc dự án, công khai thông tin

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng dự luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đang vào giai đoạn “nước rút” sắp trình Quốc hội. Do đó các ý kiến kiến nghị đều tốt, bởi “trong luật mà sai một câu sẽ rất mệt cho sau này.” Vì thế, ông Nhân đưa ra hai phương án cần quy định cụ thể trong luật.

“Thứ nhất là tham vấn cộng đồng. Tôi thấy đây là vấn đề rất quan trọng cho nội dung ĐTM. Trước đây, luật đã có tham vấn cộng đồng rồi nhưng làm còn hình thức, tôi cho cái này mà làm hình thức sẽ không thiết thực. Do đó dùng từ tham khảo ở đây là chưa đủ sức nặng,” ông Nhân chia sẻ.

Ông Nhân cũng khẳng định tham vấn cộng đồng là thông tin quan trọng để hoàn thiện dự án ĐTM và phải có trong nội dung báo cáo ĐTM. Lý do là: “Hiện nay trong báo cáo ĐTM đã có một mục lớn là tham vấn ở đâu, tham vấn như thế nào, kết quả tham vấn như thế nào, chủ đầu tư tiếp thu cái gì và cái gì chủ đầu tư không tiếp thu đều có báo cáo hết, nhưng nó chưa sâu sắc.”

Thứ hai là công khai thông tin. Theo ông Nhân, việc công khai này vừa tiếp thu vừa giải trình. Vì thế, lần này quan điểm xây dựng luật cũng công khai thông tin.

Một điểm mới trong dự luật được ông Nhân đề cập tới là ĐTM lần này rất khoa học ở chỗ phân loại, sàng lọc dự án. Ví dụ luật đầu tư công ghi là tất cả các dự án có quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh là đều phải ĐTM. Tuy nhiên, dự luật lần này đề xuất những dự án lớn tác động xấu đến môi trường thuộc danh mục 17 nhóm ngành nghề (như dệt, nhuộm, xi măng,…) thì “ĐTM sơ bộ thôi để tập trung vào 3 nội dung lớn.”

Thứ nhất là để xác định địa điểm đúng hay không? Có phù hợp quy hoạch, có tác động xấu đến nguồn nước, đến sinh vật cảnh hay không? Thứ hai là công nghệ sản xuất của doanh nghiệp như thế nào? Công nghệ lạc hậu hay công nghệ tiên tiến? Thứ 3 là tác động chính của dự án đó đến đời sống của người dân thế nào?

“Vì thế, dự án mấy chục nghìn tỷ đồng thì khi làm ĐTM cũng cần sàng lọc, dự án nhóm trung bình thì làm mức độ trung bình, dự án nhỏ thì làm nhỏ, dự án không tác động gì lớn đến môi trường thì có thể đưa ra khỏi danh mục,” ông Nhân nói.

Góp thêm tiếng nói, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người Thiên nhiên, nêu quan điểm: “Dự luật lần này cần có quy định ‘ràng buộc’ về việc tham vấn cộng đồng. Ràng buộc ở đây không phải là bắt buộc nhưng ít nhất người dân cũng sẽ tiếp cận được thông tin để giám sát, cũng như có ‘sức ép’ về luật để thông tin được công khai trên các báo cáo bởi có thể người dân phản ánh ô nhiễm nhưng khi lên văn bản cơ quan quản lý lại không còn ô nhiễm nữa”.