Loại một số tiêu chí để được hưởng thuế XK ưu đãi đối với than gỗ rừng trồng

ThienNhien.Net – Việc dựa vào các tiêu chí ngoại quan và độ cứng để áp thuế xuất khẩu đối với than gỗ rừng trồng đã và đang gặp phải vướng mắc. Để giải quyết triệt để cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang dự kiến bỏ một số tiêu chí kỹ thuật.

Sắp tới, than gỗ rừng trồng chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được hưởng thuế XK ưu đãi (Ảnh: internet/Hải Quan)
Sắp tới, than gỗ rừng trồng chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được hưởng thuế XK ưu đãi (Ảnh: internet/Hải Quan)

Theo Thông tư số 56/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng than gỗ rừng trồng thuộc nhóm 44.02 trong Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, mặt hàng “than gỗ rừng trồng” mã số 4402.90.90 được áp dụng mức thuế xuất khẩu 5%.

Để được hưởng mức thuế ưu đãi này, hàng xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật như: Về ngoại quan phải đen, bóng láng, không nứt nẻ; về độ cứng phải cứng, rắn chắc; hàm lượng tro ≤ 3%,… Việc quy định các tiêu chí này nhằm phân biệt than gỗ rừng trồng sản xuất theo quy mô công nghiệp với than gỗ truyền thống trong dân (than gỗ truyền thống thì có màu đen xám, xù xì, nứt nẻ, mềm và dễ vỡ).

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xuất khẩu có phản ánh, khi kiểm hoá, do than không lau chùi nên không đáp ứng được tiêu chí ngoại quan (nếu được lau chùi than sẽ bóng, đen và cứng, rắn chắc đúng theo yêu cầu) và có một vài vết rạn không đáng kể do xác suất trong quá trình sản xuất. Những đặc điểm này hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Khảo sát thực tế sản xuất cũng như xuất khẩu mặt hàng này, Bộ Tài chính nhận thấy than vẫn có các vết rạn nứt nhỏ và màu sắc không hoàn toàn được đen bóng láng mà có thể là màu đen, hoặc xám.

Qua trao đổi với các doanh nghiệp, trong quá trình sản xuất không thể không có các vết rạn nứt ở một tỷ lệ nhất định (khoảng 20-30% tuỳ thuộc vào kỹ thuật công nhân đốt lò). Song, các vết rạn nứt này không ảnh hưởng đến chất lượng của than mà các tiêu chí về hàm lượng carbon, nhiệt lượng, độ bốc… mới quyết định chính chất lượng than. Các đối tác nhập khẩu cũng vẫn chấp nhận các loại than có các vết rạn nứt này.

Do vậy, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và cơ quan Hải quan trong khâu kiểm tra hàng hoá, Bộ Tài chính dự kiến bỏ tiêu chí về ngoại quan và độ cứng đồng thời chỉ yêu cầu bắt buộc đáp ứng các tiêu chí về mặt kỹ thuật (hàm lượng tro, hàm lượng carbon, nhiệt lượng, hàm lượng lưu huỳnh, độ bốc) để than gỗ rừng trồng có thể được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi.

Cũng liên quan đến mặt hàng này, các doanh nghiệp sản xuất- xuất khẩu nhận định, phần lớn than củi của Việt Nam được các hộ dân hầm từ nguồn gỗ khai thác tận dụng từ các vườn cây ăn trái, cà phê, cao su, cam, bưởi… mà đã hết tuổi thu hoạch. Mặt hàng than củi gỗ vườn này được các công ty thu mua từ các hộ cá thể và được chính quyền sở tại xác nhận trong các bảng kê thu mua để làm nguồn gốc hàng hoá. Mã HS kê khai cũng là 4402.90.90. Vì vậy, một số doanh nghiệp cũng đề nghị mở rộng mở rộng diện áp dụng chịu thuế đối với mặt hàng than gỗ vườn, góp phần tiêu thụ sản phẩm của nông dân, tạo việc làm tại chỗ…

Bộ Tài chính không đồng thuận với kiến nghị này. Theo lý giải của Bộ Tài chính, than gỗ truyền thống được hầm nung ngắn ngày, đốt trong hầm ngoài trời, từ 3-4 ngày, phát sinh nhiều khói khi đốt lò, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

Việc quy định tiêu chí kỹ thuật đối với than gỗ rừng trồng xuất khẩu nhằm khuyến khích việc đầu tư công nghệ nung than theo quy mô công nghiệp từ nguồn gỗ rừng trồng (bạch đàn, keo…), sử dụng công nghệ cao, lượng khói phát sinh ít, đảm bảo môi trường sản xuất. Do đó, thuế suất ưu đãi chỉ nên áp dụng đối với than gỗ rừng trồng.

Những dự kiến sửa đổi nêu trên đều đang được Bộ Tài chính cân nhắc đưa vào Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2014 ban hành vào cuối năm nay.