Cần mạnh tay đối với tội phạm môi trường

ThienNhien.Net – Các loại tội phạm môi trường như tội phạm buôn bán động vật hoang dã, phá rừng trái phép, săn bắn voi lấy ngà, buôn bán sản phẩm từ hổ và các loài động vật quý hiếm khác ngày càng phổ biển. Tại hội nghị CITES đang diễn ra tại Hague, Cơ quan quốc tế về giám sát môi trường (EIA) đã kêu gọi các quốc gia cần coi đây là một hình thức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nguy hiểm.

Theo EIA, hoạt động trên phạm vi xuyên quốc gia, các nhóm tội phạm này đang lợi dụng nạn tham nhũng và việc thực thi pháp luật còn lỏng lẻo hòng kiếm lợi hàng tỷ đôla. Chúng là nguyên nhân làm gia tăng sự suy thoái các khu rừng nhiệt đới, giết chết hàng trăm loài động vật và đe doạ cuộc sống của các cộng đồng dân cư vùng ven.

EIA cũng đã nhấn mạnh rằng mức độ nguy hiểm đối với xã hội của tội phạm môi trường có tổ chức cũng không hề kém so với tội phạm ma tuý, buôn người, giết người hay rửa tiền. Nó có thể đem lại lợi nhuận rất cao cho những kẻ buôn bán trong khi rủi ro bị xử lý không lớn. Trong một trận thu giữ ngà voi lớn nhất trên thế giới vào năm 2002, Singapore đã tịch thu được trên 6 tấn ngà bị khai thác trộm. Những kẻ bị bắt khai báo họ được trả 1.650 bảng Anh để chuyên chở số hàng, nhưng theo các chuyên gia giám sát việc buôn bán động vật hoang dã trái phép, giá trị mà những kẻ cầm đầu giấu mặt có thể lên đến hàng triệu bảng.

Trong khuyến cáo của mình, EIA cho rằng các quy định quốc tế hiện nay chưa thực sự có hiệu lực. Rất nhiều nước đã không thể kiểm soát nổi tình trạng buôn bán bất hợp pháp này. Chỉ riêng thực trạng da báo tuyết và báo hoa mai – các loài thú họ mèo cỡ lớn của châu Á – vốn đang được bảo vệ bởi lệnh cấm buôn bán vẫn được bày bán tràn lan ở Trung Quốc và Tây Tạng trong thời gian qua đã cho thấy sự yếu kém trong việc thực thi luật pháp.

Debbie Banks, cán bộ quản lý chiến dịch của EIA, đồng thời là thành viên của nhóm tác giả bản báo cáo trình lên hội nghị đã nhấn mạnh rằng các bên tham gia CITES phải đầu tư các biện pháp thực thi pháp luật thích đáng nếu thực sự muốn chống lại việc buôn bán bất hợp pháp hổ và các loài thú họ mèo cỡ lớn khác. Bắt giữ những tang vật như da và xương chỉ là một phần, quan trọng là phải bắt được những kẻ cầm đầu những đường dây buôn bán đó”.

EIA đã đề xuất một số khuyến nghị đối với CITES:

1. Cần có những điều tra sâu hơn để phát hiện những mạng lưới tội phạm môi trường
2. Liên kết chặt chẽ hơn giữa các cơ quan thi hành luật và các văn phòng liên lạc do Hội nghị Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia thành lập.
3. Chuyên môn hoá các cơ quan thi hành luật ở mỗi quốc gia nhằm đấu tranh với tội phạm buôn bán động vật hoang dã.
4. Thiết lập hệ thống dữ liệu thống nhất trên phạm vi quốc tế về vấn đề buôn bán động vật hoang dã.