Tội phạm săn bắn, buôn bán động vật hoang dã cần được chú trọng ở tầm quốc tế

ThienNhien.Net – 25.000 cá thể voi châu Phi bị giết hại hàng năm. 2.000 cá thể tê giác bị đánh bắt tại 11 trong tổng số 12 nước có phân bố trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2011.

Đây thực sự là những con số nhức nhối đối với cộng đồng quốc tế khi cùng lúc các hoạt động buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã gia tăng hơn bao giờ hết.

Nhằm thúc đẩy sự tăng cường hợp tác, đặc biệt giữa các quốc gia châu Á và châu Phi, Liên minh phòng chống tội phạm về các loài hoang dã toàn cầu (ICCWC) với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Hoàng gia Thụy Điển đã tổ chức cuộc họp chuẩn bị Chương trình “Hành động Hổ mang” tại thủ đô Nairobi, Kenya vào đầu tháng 11.

Cuộc họp chuẩn bị Chương trình “Hành động Hổ mang” tại Kenya vào đầu tháng 11
Cuộc họp chuẩn bị Chương trình “Hành động Hổ mang” tại Kenya vào đầu tháng 11

Cuộc họp nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới thể hiện qua sự tham gia dự của 13 quốc gia châu Phi (Botswana, Burundi, Congo, Ethiopia, Ghana, Kenya, Liberia, Malawi, Mozambique, Nam Phi, Tanzania, Uganda, Zambia), sáu quốc gia châu Á (Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Nepal, Thái Lan và Việt Nam) và CH Séc.

Cùng chia sẻ và trao đổi các thông tin về hiện trạng săn bắt, buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã mà điểm đầu là các quốc gia châu Phi và điểm kết thúc là châu Á, các đại biểu đã thể hiện nỗ lực cũng như quyết tâm của quốc gia trong cuộc đấu tranh chống tội phạm các loài hoang dã.

Với đặc điểm giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là động vật hoang dã, nhiều quốc gia châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm nghiêm trọng các loài động vật hoang dã nguy cấp. Sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia tại lục địa đen luôn gắn liền với sự đi xuống của các quần thể tê giác, voi, sư tử, tê tê, các loài rùa…

Cơ quan bảo vệ các loài hoang dã Tanzania cho biết, chỉ trong vòng hai tháng qua, các cơ quan chức năng nước này đã thẩm vấn 952 đối tượng bị tình nghi liên quan đến săn bắt voi bất hợp pháp. Lực lượng quân đội, cảnh sát Tanzania cũng đã tịch thu 104 chiếc ngà, 631 khẩu súng (bao gồm cả súng quân đội chuyên dụng), 1.458 viên đạn. Điều này phản ánh một số liệu chưa chính thức: mỗi ngày có khoảng từ 30 đến 50 cá thể voi châu Phi ở Tanzania bị săn bắt, giết hại.

Xuyên suốt lục địa đen là những tuyến đường nối liền với châu Âu và châu Á luôn tiềm ẩn những hoạt động buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã đi kèm với hoạt động buôn bán vũ khí, ma túy với sự tham gia của nhiều tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, xuyên lục địa. Do đó, kiểm soát – ngăn chặn – triệt phá các hoạt động bất hợp pháp trên rất cần sự hợp tác của các quốc gia xuất xứ, quốc gia trung chuyển và quốc gia tiêu thụ.

Với vai trò điều phối, ICCWC (được sáng lập bởi các thành viên gồm Ban thư ký CITES quốc tế, Interpol, Hải quan toàn cầu, Cơ quan Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm và ma túy, Ngân hàng thế giới) khuyến khích Mạng lưới thực thi các loài hoang dã các nước Đông – Nam Á (ASEAN-WEN), Mạng lưới thực thi các loài hoang dã các nước Nam Á (SA-WEN), Lực lượng đặc nhiệm Lusaka, Trung Quốc, Nam Phi và Mỹ tiếp tục cùng phối hợp tổ chức chương trình đào tạo “Hành động Hổ mang” lần II. Đây thực sự là chương trình hành động toàn cầu cần thiết nhằm ngăn chặn tiến tới chấm dứt việc xâm hại các loài hoang dã không chỉ ở châu Phi.

Dự kiến chương trình đào tạo “Hành động Hổ mang” lần II sẽ được tổ chức đồng thời ở châu Á (Thái Lan) và châu Phi (Kenya) từ ngày 30-12-2013 đến 26-1-2014.