Dân “biểu tình” lấp mương nhà máy sắn

ThienNhien.Net – Chiều 1/11, gần 100 hộ dân của Đội 3 thuộc HTX Thượng An (xã Phong An, huyện Phong Điền, TT- Huế) đã dùng cuốc xẻng, ồ ạt tràn lên khu vực Khe Mây nơi có hệ thống mương nước thải của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn TT-Huế để dùng bao cát, cây cối, đất đá lấp mương nước thải chảy qua địa bàn.

Tình trạng ô nhiễm kéo dài, chây ì trong việc đền bù thiệt hại lúa, thủy sản của nhà máy đã đẩy người dân đến chỗ bức xúc.

Nhiều hộ dân bị thiệt hại không được đến bù đã dùng cuốc xẻng để đập phá hệ thống mương.

Gần 100 hộ dân kéo nhau đi lấp mương nhà máy vì gây ô nhiễm (Ảnh: Duy Phiên/Nông nghiệp Việt Nam)
Gần 100 hộ dân kéo nhau đi lấp mương nhà máy vì gây ô nhiễm (Ảnh: Duy Phiên/Nông nghiệp Việt Nam)

Đường mương nước thải chảy từ Nhà máy Chế biến tinh bột sắn TT-Huế đến trạm bơm Bàu Sen dài hơn 3km, trong đó, chỉ 1km khởi điểm từ khu vực Khe Mây có hệ thống mương bê tông, còn lại để chảy tràn ra trảng cát đã làm ô nhiễm nguồn nước, khiến 12ha lúa ở xứ đồng Bành và Vận cùng nhiều hồ sen, diện tích nuôi trồng thủy sản của gần 100 hộ dân ở HTX Thượng An bị “đứng đọt”, chết hàng loạt.

Tại tuyến mương ở khu vực Khe Mây, chất thải nhà máy thải ra màu nước đen ngòm, bốc mùi hôi khó chịu. Để chặn nước ô nhiễm từ tuyến mương này, bà con dùng bao cát, cây cối, đất đá san lấp, không cho nước chảy.

 Người dân dùng bao cát, cây cối để lấp mương (Ảnh: Duy Phiên/Nông nghiệp Việt Nam)
Người dân dùng bao cát, cây cối để lấp mương (Ảnh: Duy Phiên/Nông nghiệp Việt Nam)

Ông Lê Dàng, một hộ dân cho biết: “Gia đình tui trồng 7 sào lúa, mấy vụ nay vì nhà máy sắn xả thải nên mất trắng hoàn toàn, phải đi mua gạo mà ăn. Nếu cứ tiếp tục như thế này thì bà con vụ sạ năm nay sẽ không làm, bỏ ruộng chứ làm công cốc cũng như không”.

Nhiều hộ dân bức xúc cho biết, sau thời gian kiến nghị lên chính quyền, nhà máy sắn đã đưa ra phương án đền bù 1 sào lúa từ 90-270 nghìn đồng/sào, bà con nơi đây không đồng ý. Bởi, theo họ, bình quân mỗi sào lúa tính tất thảy họ đầu tư hơn 1 triệu đồng, 1 sào thu được 3 tạ lúa, giá khoảng 1,8 triệu đồng. Nếu đền bù theo giá đó thì bà con nông dân quá thua thiệt.

Chây ì trong việc đền bù diện tích lúa đã khiến hàng trăm hộ dân bức xúc (Ảnh: Duy Phiên/Nông nghiệp Việt Nam)
Chây ì trong việc đền bù diện tích lúa đã khiến hàng trăm hộ dân bức xúc (Ảnh: Duy Phiên/Nông nghiệp Việt Nam)

Ông Trần Mạnh – Đội trưởng sản xuất đội 3 (HTX Thượng An) bức xúc: “Vụ đông xuân 2012-2013 do chất thải của nhà máy đã làm thiệt hại gần như 100% diện tích lúa của bà con ở HTX Thượng An. Nếu như nhà máy tiếp tục xả thải thì vụ tới bà con không biết tính sao nữa bởi thiệt hại vụ trước vẫn chưa được đền bù. Hiện bà con đang thiếu vốn, thiếu giống nghiêm trọng. Ngoài ra chất thải của nhà máy cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong khu vực”.

Ông Nguyễn Quang Thông, Chủ nhiệm HTXNN Thượng An cho biết: “Tình trạng ô nhiễm của Nhà máy diễn ra trong một thời gian khá dài, chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần, phía nhà máy cũng đã đưa ra phương án hỗ trợ nhưng quá thấp nên bà con không thống nhất được. Bây giờ đang chuẩn bị bước vào vụ đông xuân, nếu tính trạng nhà máy cứ tiếp tục gây ô nhiễm thì nông dân chúng tôi sẽ bỏ ruộng”.

Chất thải từ Nhà máy Chế biến tinh bột sắn TT-Huế còn gây ô nhiễm nguồn nước trên sông Bồ khi nước thải từ khu vực trạm bơm Bàu Sen chảy qua hói làng Cao Bang (thôn Hiền Lương, xã Phong Hiền) rồi đổ thẳng ra sông Bồ.

Nhà máy nước Tứ Hạ dùng nước từ con sông này.

Trong khi đó, những diện tích cỏ Vetiver được Nhà máy Chế biến tinh bột sắn TT-Huế trồng để xử lý nước thải, cải tạo môi trường đều bị chết hàng loạt do chất thải.

Đến chiều cùng ngày, Công an huyện Phong Điền đã đến ghi nhận hiện trường, xử lý vụ việc và giải tán người dân.