18 nhà máy thủy điện nhỏ ở Sơn La nợ đọng phí dịch vụ môi trường rừng

ThienNhien.Net – Thực hiện Nghị định số 99/2010/NÐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay trên địa bàn tỉnh Sơn La còn 18 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ chưa nộp tiền theo quy định này, đang gây khó khăn trong việc chi trả tiền bảo vệ rừng cho người dân.

Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 57 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, với tổng công suất khoảng 3.800 MW (trong đó Thủy điện Sơn La có công suất lớn nhất với 2.400 MW). Ðến nay, đã có 24 nhà máy đi vào hoạt động, hằng năm mang lại nguồn thu lớn, góp phần ổn định việc điều tiết tiêu thụ điện và phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Nhằm duy trì bảo vệ môi trường rừng, phát triển thủy điện gắn với bảo vệ rừng một cách bền vững, ngày 10-4-2008, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 380/QÐ-TTg thí điểm thực hiện chính sách chi trả môi trường rừng đối với các thủy điện vừa và nhỏ. Theo đó, hằng năm các doanh nghiệp thủy điện này có nghĩa vụ ký hợp đồng ủy thác với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh, nộp tiền chi trả môi trường rừng để chi trả cho các chủ rừng và người dân thực hiện bảo vệ rừng. Số tiền phụ thu được tính trên cơ sở sản lượng điện từng nhà máy, với mức bình quân 20 đồng/kW giờ.

Nhiều vạt rừng bị phá để xây dựng thủy điện (Ảnh: ThienNhien.Net)
Nhiều vạt rừng bị phá để xây dựng thủy điện nhưng nhiều nhà máy thủy điện lại chậm trễ trong việc chi trả dịch vụ môi trường rừng (Ảnh: ThienNhien.Net)

Sau khi quyết định của Chính phủ có hiệu lực, trong hai năm 2009-2010 các Nhà máy Thủy điện Sơn La, Hòa Bình đã nghiêm túc thực hiện thí điểm nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Riêng Nhà máy Thủy điện Suối Sập (do Công ty TNHH xây dựng Trường Thành làm chủ đầu tư) mới nộp 200 triệu đồng/1,7 tỷ đồng. Ngày 24/9/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2010/NÐ-CP quy định chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền Nhà máy Thủy điện Suối Sập phải thực hiện nghĩa vụ trong ba năm từ 2011 đến 2013 tăng lên 2,672 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp này chỉ nộp thêm 200 triệu đồng. Như vậy, từ khi thực hiện chính sách chi trả môi trường rừng, số tiền doanh nghiệp này nợ đọng lên đến 4,172 tỷ đồng.

Như vậy, cùng với Nhà máy Thủy điện Suối Sập, hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La còn 17 nhà máy thủy điện chưa thực hiện quy định của Chính phủ. Trong đó, có sáu đơn vị đã ký hợp đồng ủy thác với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La, nhưng chưa nộp tiền, gồm: Thủy điện Suối Sập 2, Nậm Pia, Nậm Công 1, Nậm Công 2, Nậm Công 3 và Nậm Hồng 1. Ðồng thời, còn 12 nhà máy thủy điện nữa chưa thực hiện ký hợp đồng ủy thác và chưa nộp tiền, với tổng số tiền các đơn vị này phải nộp đang nợ đọng lên đến con số hơn 35,626 tỷ đồng. Ngày 30-9-2013, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Công văn số 2526/UBND-KTN yêu cầu các đơn vị này thực hiện nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đó các đơn vị này phải có nghĩa vụ ký hợp đồng ủy thác và nộp tiền trước ngày 10-10-2013, nhưng đến nay các đơn vị nêu trên vẫn chưa có động tĩnh gì!

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên một phần do trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chưa tốt. Mặt khác, do công tác quy định, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 99/2010/NÐ-CP của Chính phủ giữa liên Bộ Tài chính và Công thương chưa cụ thể, chưa áp dụng các chế tài đủ mạnh buộc các doanh nghiệp này phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định của Nhà nước. Ðể thực hiện nghiêm quy định trên, trách nhiệm của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) cần có hướng dẫn, tính toán cụ thể vào giá thành mức thu tiền mua bán điện, quy định với các doanh nghiệp thủy điện cung ứng điện có nghĩa vụ nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng như thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Nếu đơn vị nào không thực hiện, có thể phải thực hiện ngừng việc mua điện.

Thực hiện tốt việc ký hợp đồng ủy thác và nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là một biện pháp bảo vệ rừng một cách bền vững. Phát triển thủy điện gắn liền với cam kết thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật của Nhà nước.