Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp

ThienNhien.Net – Hội thảo “Quản lý tổng hợp nước thải tại các khu công nghiệp vùng ĐBSCL” diễn ra ngày 11/10/2013 tại TP.Cần Thơ đã một lần nữa lên tiếng báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đã và đang diễn ra hết sức nghiêm trọng tại vùng ĐBSCL cần đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp…

Ô nhiễm trầm trọng ở các KCN…

Thống kê trong hơn 20 năm qua, số lượng KCN trên cả nước được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã diễn ra rất nhanh từ 1 KCN (năm 1991) lên đến 289 KCN (năm 2012), trong đó có 179 KCN đã đi vào hoạt động. Các CCN cũng hình thành theo cấp số nhân, đến cuối năm 2012 cả nước đã có 878 CCN, trong đó 65 CCN đang hoạt động. Riêng vùng ĐBSCL, hiện có 120 KCN-CCN với tổng diện tích khoảng 25.000ha và định hướng đến năm 2020 toàn vùng sẽ có khoảng 240 KCN-CCN, tương đương với diện tích 50.000ha.

Sự phát triển không ngừng về số lượng các KCN-CCN giải quyết được bài toán về phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, hỗ trợ đắc lực phát triển các thế mạnh của từng địa phương… nhưng lại phát sinh nhiều vấn đề nan giải về môi trường. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong số 179 KCN đang hoạt động thì chỉ có 143 KCN đang vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ước tính số lượng nước thải phát sinh từ 179 KCN này là 622.773m3/ngày/đêm, trong đó các hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ xử lý được khoảng 362.450m3/ngày/ đêm, đạt khoảng 58% tổng lượng nước thải. Như vậy, trung bình mỗi ngày có tới 240.000m3 nước thải từ các KCN được xả thẳng ra môi trường chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, đặc biệt là tại các khu vực gần KCN…

Theo ông Phạm Đình Đôn, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Tây Nam Bộ, nguyên nhân dẫn đến công tác bảo vệ môi trường tại các KCN-CCN chưa thực hiện tốt là do các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL phát triển các KCN-CCN không theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng ĐBSCL; việc thẩm định báo cáo ĐTM ở một số dự án của các tỉnh, thành có trình độ công nghệ lạc hậu nhưng vẫn tiếp tục đưa vào sản xuất gây ô nhiễm môi trường kéo dài rất khó giải quyết; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các KCN-CCN chưa làm tốt theo quy định vì vậy ô nhiễm môi trường tại các KCN-CCN diễn ra khá phổ biến, một số nơi hết sức nghiêm trọng kéo dài bức xúc trong nhân dân.

“Một số chủ đầu tư dự án chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung của quyết định phê chuẩn của cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường, báo cáo ĐTM còn mang tính chất thủ tục chưa thật sự là căn cứ kỹ thuật, pháp lý và trách nhiệm để tổ chức thực hiện. Từ đó, hiện nay vẫn còn khoảng 75% KCN và 85% CCN ở khu vực ĐBSCL chưa có xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý nước thải chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định”- Ông Phạm Đình Đôn, nói.

Cũng theo ông Đôn, trong năm 2010, qua thanh tra 27 KCN trên địa bàn 12 tỉnh Tây Nam Bộ, thì có tới 25/27 KCN có các hành vi vi phạm như: Không có báo cáo ĐTM, không lập báo cáo ĐTM bổ sung, không xây dựng công trình xử lý môi trường, thực hiện không đầy đủ nội dung trong báo cáo ĐTM. Còn tại TP.Cần Thơ, trong năm 2012, qua phân tích 20 mẫu nước mặt trên sông Hậu lân cận với các KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2… cho thấy tất cả các mẫu nước này đều vượt Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08:2008/BTNMT).

KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải nên thường xuyên gây ô nhiễm môi trường cho khu vực dân cư (Ảnh: Lê Hùng/monre.gov.vn)
KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải nên thường xuyên gây ô nhiễm môi trường cho khu vực dân cư (Ảnh: Lê Hùng/monre.gov.vn)

Ưu tiên áp dụng công nghệ sạch trong công nghiệp

Trước thực trạng trên, ông Phạm Đình Đôn, Chi cục Trưởng Chi cục Môi trường Tây Nam Bộ đưa ra đề xuất: Tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển các KCN, CCN tại các tỉnh, thành phố gắn liền với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL trong mối quan hệ chiến lược bền vững phát triển kinh tế – xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường; tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường đối với các KCN-CCN, đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường trước khi đưa vào hoạt động; nâng cao năng lực thẩm định các dự án đầu tư và thẩm định ĐTM của các dự án đầu tư, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lập và thẩm định ĐTM theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường; tăng cường vai trò Nhà nước về bảo vệ môi trường của chính quyền các cấp, các ngành chức năng, Ban quản lý KCN, cộng đồng dân cư; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường…

Ông Trần Thanh Phong, cán bộ Cục công tác phía Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần xây dựng các tiêu chí chặt chẽ về các phân khu chức năng của sản xuất, kết cấu hạ tầng đầu tư cho bảo vệ môi trường các KCN-CCN được quy hoạch, bảo đảm ngay từ đầu nguồn vốn, nhân lực cho công tác bảo vệ môi trường, hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa vào hoạt động; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, ưu tiên công nghệ mới, quy trình sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sạch trong công nghiệp…