Chưa chốt phương án tăng thuế tài nguyên

ThienNhien.Net – Sáng 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dự kiến sẽ xem xét thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH12 ngày 19/4/2010 của UBTVQH về ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên. Tuy nhiên, để thận trọng làm rõ hơn trong cân đối lợi ích giữa việc tăng thuế và công tác đối ngoại, UBTVQH đã chưa thông qua Nghị quyết này.

Tại Phiên họp thứ 20 ngày của UBTVQH, các thành viên UBTVQH đã trao đổi, thảo luận và đều thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết và cơ bản thống nhất với các mức thuế suất thuế tài nguyên dự kiến điều chỉnh theo Tờ trình số 289/TTr-CP. Riêng thuế suất của một số loại tài nguyên là khoáng sản kim loại thì còn có ý kiến khác nhau.

Ngay sau đó, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của QH cũng đã tiến hành khảo sát thực tế tại một số mỏ khoáng sản khai thác tập trung (đồng, sắt tại Lào Cai; vàng tại Quảng Nam).

Một điểm khai thác khoáng sản (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)
Một điểm khai thác khoáng sản (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Theo tính toán, với các mức thuế suất dự tính điều chỉnh như nêu trên thì số thu thuế tài nguyên tăng lên khoảng 2.138 tỷ đồng (với giả thiết số thu thuế của các loại tài nguyên khác không thay đổi), giảm 141 tỷ đồng so với phương án đã trình UBTVQH tại Tờ trình số 289/TTr-CP.

Để đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, cũng như đảm bảo môi trường đầu tư, Bộ Tài chính đã điều chỉnh thuế suất đối với một số loại tài nguyên, cụ thể:

Đối với vàng, khung thuế suất 9-25%, thuế suất hiện hành là 15%. Trước đó Chính phủ đề xuất tăng mức thuế suất đối với vàng lên 22%. Tuy nhiên, sau đó, tiếp thu các ý kiến của UBTVQH và của DN, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thuế suất đối với mặt hàng này là 17%.

Theo tính toán, với mức thuế suất hiện hành là 15%, lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác là 113.008.830 đồng/kg; Với mức thuế suất dự kiến tăng lên (17%), lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác giảm còn 101.861.371 đồng/kg, tổng số thuế tài nguyên phải nộp chiếm 14,8% giá bán.

Tuy nhiên, trong Thường trực UB Tài chính- Ngân sách cũng có ý kiến chưa đồng tình với quan điểm này vì cho rằng, mức 17% là quá thấp so với Tờ trình của Chính phủ và ý kiến của Ủy ban TCNS thể hiện tại Báo cáo thẩm tra số 1387/BC-UBTCNS13 ngày 19/8/2013.

Đối với đồng, khung thuế suất 7-25%, thuế suất hiện hành là 10%. Trước đó, Chính phủ đề xuất tăng mức thuế suất đối với đồng là 15%. Tuy nhiên, để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, tránh gia tăng chi phí cũng như tạo thêm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp, Chính phủ xin trình UBTVQH tiếp thu việc điều chỉnh mức thuế suất đối với đồng từ 10% lên 13%.

Niken, sau khi được đề nghị tăng từ 10% lên 12%, nay Chính phủ trình phương án giữ mức thuế suất đối với niken như hiện hành (10%).

Sắt cũng được giảm xuống mức 12% (hiện là 10%), thấp hơn mức 13% đề nghị trước đó.

Đối với các loại tài nguyên khác (Titan, Vonfram, Antimoan, Đất làm gạch, Đá, Sỏi, Apatit, Than, Nước thiên nhiê ), Chính phủ trình UBTVQH giữ như nội dung Tờ trình số 289/TTr-CP tại phiên họp thứ 20 của UBTVQH.

Trước khi UBTVQH thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có 3 đại sứ Canada, Australia và New Zealand gửi thư đề nghị QH Việt Nam thận trọng tăng thuế suất tài nguyên.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Kso’Phước cho rằng, Thường vụ QH nếu quyết định tăng thuế thì tính toán giữa lợi ích và những ảnh hưởng đến niềm tin của quốc tế đối với môi trường sản xuất kinh doanh của Việt Nam.

Giải trình làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự kiến nếu tăng thuế tài nguyên, ngân sách sẽ tăng khoảng 2.279 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Tài chính là trong điều kiện hội nhập quốc tế, cần có chính sách điều chỉnh thuế suất trong nước phù hợp với các cam kết cũng như để đảm bảo cân đối NSNN.

“Với mức thuế 15% như hiện nay mỏ Phước Sơn có số thu tương ứng là 22 tỷ đồng. Nếu tăng thêm 2% (15% thành 17%) sẽ tăng thêm hơn 2 tỷ đồng, lãi thu nhập của Phước Sơn là 20,7 tỷ đồng, vẫn đảm bảo lãi hợp lý. Chúng ta cân nhắc điều chỉnh tăng thuế nhưng không để DN nào lỗ và ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, chúng ta nên thận trọng trong công tác đối ngoại và cân đối giữa lợi ích về nguồn thu với các lợi ích khác trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực đàm phán các hiệp định thương mại. Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ nên trao đổi lại với đại sứ các nước có liên quan và có phân tích cụ thể trước khi QH có quyết định cuối cùng.