Bức tranh cô đọng về PFES sau 5 năm thực hiện

ThienNhien.Net – Bức tranh được phác họa cơ bản thông qua Bản tóm lược chính sách dài 8 trang mang tiêu đề “Chi trả các dịch vụ môi trường ở Việt Nam: Từ chính sách tới thực tiễn” do Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) vừa biên soạn và xuất bản.

Dựa trên những nghiên cứu cụ thể kết hợp với thông tin thu thập được tại các dự án thí điểm Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES), nhóm tác giả ấn phẩm đã đưa ra những đánh giá, phân tích về tính hiệu quả, hiệu ích và công bằng của PFES trong quá trình triển khai tại Việt Nam từ năm 2008, tương ứng với ba khía cạnh của PFES bao gồm: xây dựng các cơ sở pháp lý, cơ chế chia sẻ lợi ích, giám sát và đánh giá.

PFES
Trang bìa ấn phẩm

Nhận định về các thành tựu chính của PFES tại Việt Nam từ năm 2008 – 2012, nhóm tác giả khẳng định: PFES nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành. Tổng cộng có 20 văn bản pháp lý đã được ban hành dưới dạng Nghị định, Quyết định của Thủ tướng và Thông tư, Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tạo nên một cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai PFES.

Việc triển khai PFES đã tạo điều kiện cho việc nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý, nâng cao nhận thức xã hội và thu được 1.782 tỉ đồng, trong đó tiền chi trả từ các cơ sở sản xuất thủy điện chiếm khoảng 98%, từ các công ty cung cấp nước 2% và từ các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành 0,1%. Tổng nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng ước tính chiếm 0.8% ngân sách đầu tư lâm nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện PFES cũng tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, do thiếu các cơ sở pháp lý và các hướng dẫn chi tiết nên trong số các loại dịch vụ môi trường rừng quy định tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP hiện mới có 2 dịch vụ được thực hiện là dịch vụ phòng hộ đầu nguồn và dịch vụ du lịch sinh thái.

Việc giải ngân từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tới những người cung cấp dịch vụ môi trường cũng đạt tỷ lệ khá khiêm tốn (46%) trong tổng số tiền thu được tới nay. Nguyên nhân là do công tác kiểm kê rừng chưa hoàn thiện, cộng thêm sự chậm chạp trong việc giao đất, giao rừng; số lượng lớn người cung cấp dịch vụ lại sống rải rác tại các khu vực hẻo lánh; năng lực kỹ thuật và tài chính ở cả cấp trung ương và địa phương còn hạn chế…

Điểm thứ ba cũng đáng lưu ý là nhóm đối tượng cộng đồng vẫn chưa có sự rõ ràng về tư cách pháp nhân để tham gia vào những thỏa thuận về PFES, điều này làm giảm sự quan tâm của các cộng đồng địa phương tới việc bảo vệ và phát triển rừng.

Ngoài những bất cập trên, việc thực hiện PFES cũng còn thiếu các hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng tiền chi trả cũng như các quy định liên quan tới hệ thống giám sát và đánh giá. Việc chưa có các hướng dẫn cụ thể dẫn tới tình trạng hiểu và thực thi khác nhau tại các địa phương cũng như sự e dè trong công tác triển khai PFES do e ngại làm sai định hướng.

Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện PFES, nghiên cứu đề xuất cần minh bạch hóa việc phân bổ nguồn tiền từ cấp trung ương tới địa phương thông qua việc phát triển một hệ thống giám sát và đánh giá với một cơ chế ghi nhận và phản hồi ý kiến rõ ràng. Bên cạnh đó, PFES cũng cần được hỗ trợ và kết hợp với các chương trình bảo tồn đất, nguồn nước ở lưu vực và phát triển kinh tế xã hội khác để mang đến một chương trình toàn diện hơn.

Từ năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập cơ sở pháp lý nhằm thực hiện PFES thông qua Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi. Năm 2008, Quyết định số 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm PFES tại hai tỉnh Sơn La và Lâm Đồng. Năm 2010, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP tiếp tục được ban hành nhằm triển khai Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên phạm vi toàn quốc từ 1/1/2011 – Theo CIFOR