Trợ cấp cho ngành công nghiệp hại rừng cao gấp 100 lần trợ cấp bảo vệ rừng

ThienNhien.Net – Theo báo cáo của Viện Phát triển Quốc tế (ODI), trong khoảng 2009-2012, Brazil và Indonesia đã nhận 346 triệu USD cho các hoạt động bảo vệ rừng, trong khi chi ra gấp hơn 100 lần con số trên để trợ cấp cho các ngành công nghiệp gây tổn hại đến rừng nhiệt đới.

Xe ủi của một công ty đang phá rừng ở Indonesia (Ảnh: mongabay.com)
Xe ủi của một công ty đang phá rừng ở Indonesia (Ảnh: mongabay.com)

Theo đó, số tiền 40 tỷ USD được hai quốc gia này trợ cấp cho các ngành dầu cọ, khai thác gỗ, đậu nành, thịt bò và nhiên liệu sinh học, gấp 126 lần viện trợ bảo tồn rừng từ dự án REDD+ của Liên Hợp Quốc. Chính việc trợ cấp cho các ngành công nghiệp khiến lợi nhuận tăng và các mặt hàng trở nên hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Các ngành công nghiệp càng hấp dẫn thì càng bành trướng, mối đe dọa đối với rừng ngày càng lớn.

Asad Rehman, một cán bộ chương trình cấp cao của Tổ chức Friends of the Earth (Những người bạn Trái đất) đã ví hành động của Brazil và Indonesia giống như việc “vừa kêu gọi chống ung thư vừa trợ cấp sản xuất thuốc lá”.

Brazil và Indonesia đã mất đi lần lượt 2,7 triệu héc-ta và 1,2 triệu héc-ta diện tích rừng từ năm 1990 cho đến năm 2010, tương đương hơn một nửa diện tích rừng trên thế giới. Tỷ lệ phá rừng tại Indonesia tăng đột biến trong một thập kỷ qua, có thể vượt qua cả Brazil.

Trong khi đó, tình trạng phá rừng tại Brazil đã giảm so với mức đỉnh điểm vào năm 2004. Trong khoảng 2008 và 2012, chặt phá rừng sản sinh ra 61% lượng khí thải nhà kính tại Indonesia và 28% tại Brazil.

Nghịch lý nằm ở sự thiếu kết hợp giữa cơ quan môi trường với các ban ngành khác của chính phủ: một bên cố gắng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, trong khi các bên khác lại có nghĩa vụ đảm bảo hàng hoá xuất khẩu và xoá đói giảm nghèo. Để phối hợp đồng bộ, các khoản trợ cấp bảo vệ môi trường trong tương lai cần phải đảm bảo vừa bảo vệ rừng song đồng thời cũng xóa đói giảm nghèo.

Ví dụ, trong khoảng 2008-2011, vùng Amazon thuộc địa phận Brazil đã nhận vốn trợ cấp môi trường kèm theo vốn vay hỗ trợ nông dân. Khoản trợ cấp này đã giúp tiết kiệm 1,4 tỷ USD từ việc bảo vệ khoảng 346 km2 rừng.

“Giải pháp thực tế duy nhất là trao quyền để người dân bảo vệ những cánh rừng của họ”, Asad Rehman nói.