Lai Châu: Dân bức xúc bắt, nhốt cả cán bộ huyện

ThienNhien.Net – Các dự án tái định cư không có vốn để tiếp tục triển khai, dân bức xúc quy tội cho chính quyền huyện.

Một buổi kết nạp đảng viên mới của xã Tà Hừa cũng dưới gầm nhà sàn
Một buổi kết nạp đảng viên mới của xã Tà Hừa cũng dưới gầm nhà sàn

Câu chuyện cả xã Tà Hừa, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu phải làm việc dưới gầm nhà sàn do công trình thủy điện Bản Chát không đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Về vấn đề này, Ủy ban nhân dân huyện Than Uyên và tỉnh Lai Châu đã nhiều lần có văn bản đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sớm giải quyết việc nợ các dự án thành phần; đáp ứng nguồn vốn kịp thời cho các dự án đang thi công, nhưng chưa được giải quyết. Tình trạng này kéo dài khiến đồng bào di dân tái định cư bức xúc.

Con số 70 tỷ đồng mà Ban quản lý dự án di dân tái định cư huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu hiện còn nợ các dự án thành phần, nợ khối lượng đã, đang thực hiện không thanh toán được khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn.

Ông Vũ Văn Tiệm – Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khởi Nguyên, một trong số những đơn vị tham gia xây dựng nhiều công trình của dự án di dân tái định cư thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát cho biết: Hiện nay hai Ban quản lý dự án Than Uyên và Tân Uyên đang nợ Công ty khoảng 30 tỷ đồng, nếu đến quý IV tới các Ban không giải ngân, thì công ty sẽ bị phá sản.

Để thi công công trình thủy điện Huổi Quảng và Bản Chát, huyện Than Uyên và huyện Tân Uyên phải di chuyển gần 2.300 hộ dân.

Ngoài nợ khối lượng đã thi công, trên các vùng, điểm tái định cư thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát ở huyện Than Uyên còn đến 60% công trình trường học chưa được xây dựng hoặc đã xây nhưng chưa có nguồn thanh toán.

Các công trình hiện đang phải chờ nguồn vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và phải chờ Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể mới có cơ sở để tiếp tục triển khai.

Được biết, cũng do thiếu vốn để thực hiện chương trình tái định cư thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát, mà gần đây xuất hiện hiện tượng nhiều người dân cùng kéo nhau lên Ban quản lý dự án di dân tái định cư huyện Than Uyên để hỏi chính sách, khiếu nại.

Cũng đã có chuyện lãnh đạo huyện, lãnh đạo Ban quản lý dự án của huyện Than Uyên, huyện Tân Uyên xuống cơ sở bị một số người dân tái định cư quá khích, bức xúc bắt, nhốt vào nhà trường, nhà văn hóa xã.

Ông Bùi Văn Chính – Trưởng ban quản lý dự án di dân tái định cư huyện Than Uyên nói: “Có rất nhiều đơn vị có đề nghị bằng văn bản yêu cầu chúng tôi phải sớm có nguồn vốn để thanh toán. Chúng tôi cũng yêu cầu, đề nghị EVN có hướng giải quyết những khó khăn trước mắt cho nhân dân cũng như các dự án thành phần hiện nay”.

Ông Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: Hiện nay nhu cầu về vốn bồi thường, hỗ trợ tái định cư, vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu điểm tái định cư của EVN không bố trí được vốn để thanh toán. Những phương án bồi thường, hỗ trợ đã phê duyệt, đến kỳ giải ngân cho dân không thực hiện được đã dẫn đến bức xúc trong nhân dân.

Cũng theo ông Hải, thời gian qua, huyện đã nhận được nhiều đơn thư, khiếu nại của dân về giải quyết nợ tiền bồi thường di dân tái định cư thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát. Huyện phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án và đời sống, sản xuất của nhân dân.

Ông Hải cho biết: “Toàn bộ quy hoạch tổng thể, tỉnh đã thực hiện xong và đã chuyển đến các Bộ, ngành thẩm định để trình Thủ tướng. Trong khi chờ phê duyệt thì địa phương tiếp tục chờ để khi có vốn mới triển khai được các dự án còn lại”.

Ông Hải đề xuất, trong khi nguồn vốn đang khó khăn như vậy, hàng quý của năm, EVN có thể cân đối một phần nguồn vốn để tập trung hỗ trợ đời sống nhân dân, còn hạ tầng sẽ tiếp tục hoàn thiện.

Điện đã phát, nhưng cơ sở hạ tầng tại các khu điểm tái định cư vẫn dở dang, tiền bồi thường hỗ trợ cho người dân còn thiếu nợ- nghịch lý này đã gây khó khăn lớn cho địa phương nơi xây dựng công trình thủy điện Bản Chát.

Thiết nghĩ chủ đầu tư dự án này là EVN cần tích cực và trách nhiệm hơn nữa trong giải quyết những vướng mắc về vốn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào địa phương sớm ổn định cuộc sống.