Giảm cầu sừng tê giác qua “Cuộc chiến tranh săn bắt”

ThienNhien.Net – Theo nghiên cứu của các tổ chức bảo tồn quốc tế, trong năm 2012, 668 con tê giác đã bị săn bắn ở Nam Phi-ngôi nhà của phần lớn số tê giác hoang dã còn lại trên thế giới.

Tiếp đó, năm 2013, con số này ước tính tăng lên gần 1.000 con. Sự săn bắn với tốc độ báo động này đã khiến loài tê giác trong tự nhiên đang phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng.

Nỗ lực bảo tồn loài tê giác ở Nam Phi (Ảnh: BTC/VietnamPlus)
Nỗ lực bảo tồn loài tê giác ở Nam Phi (Ảnh: BTC/VietnamPlus)

Trước mối lo trên, ngày 18/9, Đại Sứ quán hai nước Hoa Kỳ và Anh tại Hà Nội đã tổ chức một buổi chiếu phim tư liệu để nâng cao nhận thức về bảo vệ loài tê giác và voi trên thế giới, với chủ đề “Cuộc chiến tranh săn bắt,” nhân Ngày Tê giác Thế giới (22/9).

Bộ phim “Cuộc chiến tranh săn bắt,” do ITV sản xuất, theo dấu chân của Tom Hardy-ngôi sao của bộ phim “Người Dơi” gần đây, hay “Hiệp sỹ Bóng Đêm trỗi dậy”, đi qua Nam Phi, Botswana, Mozambique, và Tanzania. Tại đó, Hardy đã phát hiện ra những chiến thuật tàn bạo của những kẻ tội phạm trong việc giết chết tê giác và voi, lấy sừng và ngà. Trong số này, không ít đối tượng đến từ Việt Nam.

Thông qua bộ phim, ông Joakim Parker, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID), cho biết: “Sự tấn công vào những con tê giác trên thế giới đã gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với châu Phi mà cả với châu Á, trong đó có Việt Nam-nơi con tê giác Javan cuối cùng đã bị săn bắn vào năm 2010.”

Ở góc độ khác, tiến sỹ Antony Stokes, Đại sứ quán Anh khẳng định: “Việt Nam thực sự có cơ hội gây ảnh hưởng tới sự tồn tại lâu dài của loài tê giác. Tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ nắm bắt cơ hội để kéo dài sự tồn tại của loài vật tuyệt vời này”.

Về phía Việt Nam, bà Nguyễn Minh Thương, chuyên viên Hợp tác quốc tế của Cơ quan Quản lý Công ước buôn bán các loài động thực vật hoang dã (CITES) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khẳng định Việt Nam cam kết thực hiện Công ước CITES theo một cách thức có trách nhiệm và sẵn lòng hợp tác với tất cả các nước thành viên CITES, cũng như các tổ chức trong và ngoài nước để chống lại việc buôn bán động thực vật hoang dã, bao gồm cả tê giác.

“Cùng với đó, Việt Nam cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế, các tổ chức trong nước và tất cả các công dân Việt Nam nâng cao nhận thức về bảo vệ động thực vật hoang dã, dừng sử dụng sừng tê giác dưới mọi hình thức”.