Hiện thực hóa Chiến lược hợp tác công nghiệp Việt – Nhật

ThienNhien.Net – Trong cuộc họp ngày 12/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu sớm hoàn thiện Kế hoạch hành động, hiện thực hóa Chiến lược công nghiệp của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản.

Dự kiến đến cuối năm nay, Dự thảo Kế hoạch hành động sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan liên quan, doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam và Nhật Bản triển khai hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa 6 ngành được lãnh đạo hai nước thống nhất lựa chọn ưu tiên: Điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô và đóng tàu.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến nay, các Tổ công tác của Việt Nam và Nhật Bản đã tiến hành xây dựng đề cương chuyên ngành; tham vấn và lấy ý kiến của các doanh nghiệp hai bên.

Các cơ quan soạn thảo đã tiến hành phân tích từng nhóm ngành về thực trạng, xu thế đầu tư và xu thế thị trường Việt Nam cũng như xuất khẩu. Từ đó đề ra tầm nhìn, mục tiêu chiến lược đến năm 2020 của từng ngành cùng các nhóm biện pháp cần và đủ để đảm bảo mục tiêu đó (bao gồm thuế, tín dụng, thủ tục, cơ chế quản lý đầu tư, phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nhân lực) cũng như định hướng thu hút, hỗ trợ các DN, tập đoàn lớn trên thế giới.

Mục tiêu chung trong kế hoạch hợp tác Chiến lược công nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản đều hướng tới việc đổi mới mạnh mẽ công nghệ, tăng năng suất lao động và tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc tế, phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Cuộc họp về xây dựng Kế hoạch hành động, hiện thực hóa Chiến lược công nghiệp của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản (Ảnh: Nguyên Linh/Chinhphu.vn)
Cuộc họp về xây dựng Kế hoạch hành động, hiện thực hóa Chiến lược công nghiệp của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản (Ảnh: Nguyên Linh/Chinhphu.vn)

Tại cuộc họp, các Bộ, ngành nước ta và cơ quan phía Nhật Bản tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể, bảo đảm việc ưu tiên trong áp dụng công nghệ cao, hợp lý với điều kiện kinh tế của Việt Nam; các biện pháp giúp giá trị sản xuất các ngành ưu tiên tăng tối thiểu 20% hàng năm và đóng góp tối thiểu 35% vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cơ bản thống nhất với Dự thảo Kế hoạch hành động và đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện để cuối năm nay có thể trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, sớm đưa các thỏa thuận hợp tác cấp cao vào cuộc sống.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý vấn đề tham vấn ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội và nhà đầu tư để việc triển khai các mục tiêu được khả thi, hiệu quả, đồng thời, cho ý kiến về một số kiến nghị về việc bổ sung, điều chỉnh một số loại dự án; giao nhiệm vụ cụ thể cho một số Bộ, ngành nhằm hoàn thiện Dự thảo Chương trình hành động.