Tiếp cận vùng sạt lở núi tại bãi vàng xã Minh Lương

ThienNhien.Net – Hơn 1 ngày sau khi vụ sạt lở núi kinh hoàng xảy ra tại khu vực bãi vàng rừng Vầu, rừng Xanh xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, chúng tôi đã đến tận nơi, tiếp cận khu vực nguy hiểm này.

Toàn cảnh hiện trường vụ sạt lở núi ở khu vực bãi vàng rừng Vầu (Ảnh: Báo Lào Cai)
Toàn cảnh hiện trường vụ sạt lở núi ở khu vực bãi vàng rừng Vầu (Ảnh: Báo Lào Cai)

Đến Trung tâm xã Minh Lương (Văn Bàn) khác với những gì chúng tôi hình dung về không khí tang thương đang bao trùm thị tứ nhỏ này, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, có lẽ người dân nơi đây đã quá quen với việc các phu vàng tử nạn, và cũng một phần là hầu hết những người bị nạn không phải dân địa phương.

Theo dư luận nhân dân thì đây là vụ sạt lở núi lớn và số người thương vong không phải là ít nên đi đâu cũng thấy người dân tụm năm, tụm ba bàn tán về vụ sạt lở núi này, mọi thông tin đều xoay quanh câu hỏi số người chết là bao nhiêu (?)

Theo những người chứng kiến có một số người không may mắn đã bị vùi lấp trong những đống đất đá (Ảnh: Báo Lào Cai)
Theo những người chứng kiến có một số người không may mắn đã bị vùi lấp trong những đống đất đá (Ảnh: Báo Lào Cai)

Bà Ma Thị Phến, thôn Minh Thượng I cho hay: “Những lần trước có người chết người ta vẫn khiêng qua đường mòn trước cửa nhà tôi, sáng qua (5/9) có 2 người chết được khiêng qua đây. Sau đó, lối này núi vẫn sạt lở mạnh lấp hết đường đi nên người ta chuyển người chết qua lối khác, có nhiều lối lên rừng Vầu lắm !”.

Tại trụ sở tổ công tác của Công an huyện Văn Bàn đóng tại xã Minh Lương, một thanh niên đang được cơ quan chức năng mời lên làm rõ về thông tin mà anh ta đưa lên trang mạng cá nhân Facebook với số người chết tại rừng Vầu là 58 người.

Chúng tôi nhận thấy sự bối rối của thanh niên này khi được cán bộ công an hỏi: “Anh căn cứ vào tài liệu nào để đưa ra con số như vậy?”. Và câu trả lời là “em nghe nhiều người trong xã nói thế” ?!

Trước những thông tin mà người dân Minh Lương bàn tán, nhóm phóng viên đã quyết định tiếp cận điểm sạt lở núi ở rừng Vầu, rừng Xanh.

Để chuẩn bị cho chuyến leo núi, chúng tôi buộc phải sắm thêm đôi ủng cao su, thay cho đôi giày leo núi bởi được nhiều người dân nơi đây khuyến cáo đường đi có điểm bùn ngập ngang gối.

Đường lên điểm khai thác vàng rừng Vầu từ thôn Minh Thượng I hẹp và dốc đứng. Anh Hoàng Văn Đêm, Phó Trưởng Công an xã Minh Lương, người dẫn đường đưa cho chúng tôi tiếp cận hiện trường bảo chúng tôi mỗi người chuẩn bị một cây gậy để giảm bớt những lần trượt chân, sa xẩy.

Được nhiều người thông tin là từ Quốc lộ 279 tới rừng Vầu cần đến hơn 1 tiếng đồng hồ leo núi, với những người không chuyên như chúng tôi cần đến 2 giờ đồng hồ. Tuy vậy, đồng chí Phó Công an xã vẫn khăng khăng với chúng tôi rằng cần đến 6 tiếng đồng hồ.

Trong khi đó, dọc đường đi đồng chí Phó Công an xã liên tục trả lời điện thoại của ai đó rằng chúng tôi đã đi tới điểm nào, đang nghỉ giải lao hay đi tiếp.

Thắc mắc của chúng tôi được giải đáp khi hai phụ nữ đang gánh quặng từ rừng Vầu xuống núi cho hay: “Ở trên đó mọi người đang nghỉ rồi, cả việc đào bới, tìm kiếm người bị vùi lấp cũng đang dừng lại vì có thông tin đoàn nhà báo đang lên”.

Những người tiếp phẩm ở bãi vàng rừng Vầu đang xuống núi sau vụ sạt lở đất  (Ảnh: Báo Lào Cai)
Những người tiếp phẩm ở bãi vàng rừng Vầu đang xuống núi sau vụ sạt lở đất (Ảnh: Báo Lào Cai)

Qua 30 phút leo núi, chúng tôi bắt đầu tiếp cận với vùng sạt lở, khá khó khăn khi phải vượt qua rất nhiều khối bùn đất, đá và cây rừng chặn ngang lối đi. Qua mấy tiếng không có mưa nhưng trên đường đi, chúng tôi vẫn thấy đất đá trên núi đang cựa mình. Thi thoảng tại những điểm mới sạt lở đất đá chặn ngang lối đi.

Đến gần điểm xảy ra vụ sạt núi, chúng tôi gặp Lò Văn Ón, một thanh niên quê ở xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu từ bãi vàng rừng Vầu ra đang ngồi nghỉ bên vệ đường. Với gương mặt thất thần, anh Ón kể bằng giọng đứt đoạn: “Đêm khuya hôm đó (5/9), chúng tôi giật mình bởi nghe hoàng loạt tiếng động như sấm sét, sau đó là tiếng gọi nhau, tiếng kêu la, gào thét ở hai lán bên cạnh. Tưởng các nhóm thanh toán nhau bằng mìn, nhưng hóa ra là đất lở. Đêm tối, cộng với mưa to nên cả lán của em không ai dám ra ngoài.

Từ hôm qua đến sáng nay, chúng em đào bới 1 điểm để tìm 8 hay 9 người đang bị vùi lấp nhưng sâu quá, vẫn chưa thấy người. Mọi người đang dùng máy bơm cao áp để xối bùn tìm người cho nhanh”.

Chỉ tay vào mấy lán dựng trên một mom núi, Lò Văn Ón nói tiếp: “Mọi người ở những lán này sơ tán hết rồi, vì trên bãi rừng Vầu đi chỗ nào cũng không an toàn, đất vẫn liên tục sạt mạnh lắm. Em sợ quá nên phải trốn về quê thôi”.

Lò Văn Ón rưng rưng nước mắt kể lại vụ sạt núi cho phóng viên  (Ảnh: Báo Lào Cai)
Lò Văn Ón rưng rưng nước mắt kể lại vụ sạt núi cho phóng viên (Ảnh: Báo Lào Cai)

Sau gần 2 giờ đi bộ, chúng tôi đã bám sát bãi vàng rừng Vầu, từ đây đã có thể thấy toàn cảnh bãi vàng thổ phỉ rừng Vầu với những lán trại, với cảnh tượng đất đá đổ ra từ các hang, hốc, với cảnh sạt núi nham nhở kéo thành những vết trượt dài.

Lúc này trời đã về chiều, từng đoàn người có cả phụ nữ, cả đàn ông kẻ vác, người gánh quặng đã bắt đầu rút khỏi bãi vàng. Đang thu dọn lại lán và mấy dụng cụ đào đãi vàng, chủ lò vàng Hoàng Văn Phụi, cho biết: Anh đang thu đồ nghề để quân cán mang về tạm nghỉ mấy hôm chờ đợt mưa này dứt hẳn mới quay lại làm tiếp. Chỉ tay xuống đám đất bị sạt dưới chân núi, anh Phụi, cho biết: hai giàn máy nổ và máy nghiền đã bị đất đá vùi lấp thiệt hại đến cả mấy chục triệu đồng; tuy thiệt hại về máy móc nhưng đội của anh còn may mắn không mất người nào, còn đội của “bưởng Chuyên” quê Thái Nguyên thì bị mất gần chục người, hiện mới tìm thấy thi thể 3 người, số còn lại vẫn đang bị vùi lấp trong đống sạt lở. Qua trao đổi với “bưởng Phụi”, chúng tôi được biết, các đội quân khai thác vàng trái phép ở rừng Vầu, rừng Xanh đều đã cho người đến hỗ trợ “bưởng Chuyên” tìm kiếm người bị mất tích, nhưng do lượng đất đá sạt xuống quá lớn nên việc tìm kiếm gặp khó khăn.

Anh Hoàng Văn Phụi chỉ cho phóng viên điểm sạt lở đã vùi lấp hai giàn máy đào vàng của anh  (Ảnh: Báo Lào Cai)
Anh Hoàng Văn Phụi chỉ cho phóng viên điểm sạt lở đã vùi lấp hai giàn máy đào vàng của anh (Ảnh: Báo Lào Cai)

Dạo qua khu bãi vàng rừng Vầu, chúng tôi thấy tất cả các lán đều đã nghỉ tìm kiếm nhưng cảnh tượng thật tang thương, đâu đó vẫn còn mùi khói hương của ai đó vừa đốt cho những người đã bị thần đất lấy đi, thấp thoáng bên hố đào vàng vẫn còn một số người đang lởn vởn để tìm kiếm. Thấy chúng tôi họ ném cái nhìn không mấy thiện cảm như nói rằng “này về đi để bọn này còn tiếp tục tìm người đang bị vùi lấp dưới kia”.

Khi phóng viên có mặt tại hiện trường thì nhiều người nhà nạn nhân cũng đang có mặt để tìm kiếm người thân  (Ảnh: Báo Lào Cai)
Khi phóng viên có mặt tại hiện trường thì nhiều người nhà nạn nhân cũng đang có mặt để tìm kiếm người thân (Ảnh: Báo Lào Cai)

Trở về trung tâm huyện Văn Bàn, sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi đã gặp được người phát ngôn của UBND huyện để tìm hiểu thêm thông tin về số người thiệt mạng trong trận lở núi ở rừng Vầu, rừng Xanh. Và ông Đỗ Đăng Hảo, Chánh Văn phòng UBND huyện vẫn khẳng định một cách dứt khoát là: “lãnh đạo huyện cùng với chính quyền xã Minh Lương, Nậm Xé đã kiểm tra thông tin và đã báo cáo với tỉnh: “Chỉ có 2 người chết và một số người bị thương”.

Rồi đây, mọi chuyện sẽ qua đi, việc sập hầm lò, sạt lở đất vẫn xảy ra như sự tất yếu bởi điểm khai thác vàng trái phép treo ngang lưng núi này vẫn hoạt động từ hàng chục năm về trước. Hàng nghìn hang hốc chằng chịt trong lòng khiến cho lưng núi giống như quả cam đã rỗng ruột, có thể vỡ vở bất kỳ lúc nào và những người do kém hiểu biết, do lòng tham sẽ lại phải trả giá bằng tính mạng của mình.