Thảm họa và thông điệp an dân

ThienNhien.Net- Những biến cố lũ quét và sạt lở đất vừa xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc đang cho thấy rõ hơn rằng kinh tế càng phát triển, hạ tầng càng rộng khắp thì môi trường càng dễ bị tổn thương. Phát triển thủy điện, khu công nghiệp, nhà máy hóa chất, khai khoáng, gia tăng lượng phân bón hóa chất cho nông nghiệp… đang làm cho môi trường sống của chúng ta phập phồng bất ổn.

Những thiệt hại nghiêm trọng do thảm họa thiên tai, nhân tai vừa gây ra cũng đã hé lộ lỗ hổng không nhỏ trong công tác chuẩn bị phòng tránh thiên tai, đồng thời cho thấy sự xao lãng đáng lo ngại đối với vấn đề môi trường trong phát triển, không chỉ tại khu vực miền núi phía Bắc. Rõ ràng phát triển thiếu bền vững đã là một phần của thảm họa thiên tai.

Trận mưa lớn gây lũ quét kinh hoàng và sạt lở đất xảy ra từ ngày 3-9 tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ và Tuyên Quang đã làm 21 người chết tính đến sáng qua 6-9 chưa kể số mất tích hoặc mất nhà cửa, phá hủy 37 nhà sập đổ, cuốn trôi và làm hư hại nhiều làng bản, đường sá và nhiều công trình kênh mương, đê kè, cống bị hư hỏng. Chỉ trong 3 ngày mưa to kéo dài tại đây mà hàng trăm hộ bị mất nhà cửa và phải di dời khẩn cấp. Thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng. Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương hiện gặp muôn vàn khó khăn do địa hình phức tạp, giao thông chia cắt.

Bản Can Hồ A, Lào Cai thuộc loại khá giả nhất xã, thế mà sau một đêm thành tan hoang... (Ảnh: Vietnamnet)
Bản Can Hồ A, Lào Cai thuộc loại khá giả nhất xã, thế mà sau một đêm thành tan hoang… (Ảnh: Vietnamnet)

Các chuyên gia Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định tháng 9 là thời kỳ bắt đầu mùa mưa ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, có khả năng xảy ra các đợt mưa lớn trong thời đoạn ngắn. Cần đề phòng lũ lên nhanh trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất đá, đặc biệt tại các khu vực vùng núi nơi có địa hình dốc. Tuy nhiên, hiện tượng này xét cho cùng chỉ là một dấu hiệu của thời tiết theo mùa và có thể coi là biểu hiện của kiểu thời tiết cực đoan được dự đoán sẽ xuất hiện ngày càng nhiều tại đây do tác động của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan nói trên, còn có một số nguyên nhân chủ quan mà nếu đã tiên liệu và quyết liệt xử lý sẽ tránh được, các địa phương đã không phải chịu mất mát nhiều đến thế.

Một vị thường trực Ban Chỉ huy phòng chống bão lũ tìm kiếm cứu nạn huyện Mường La, Sơn La cho rằng, cùng với việc cống thoát nước khu vực thị trấn Ít Ong của huyện ứ đọng do lượng sa bồi ứ đọng quá lớn khiến ngập lụt đã nằm ngoài kiểm soát của ngành chức năng, thì quá trình thi công nhà máy thủy điện Sơn La dường như đã lờ đi những nguy cơ về môi trường. Điều này khiến hồ Nà Kè – nơi thoát nước từ khu vực này bị vùi lấp. Đã 5 năm nay mùa mưa năm nào tại khu vực này cũng xảy ra vài lần ngập lụt. Riêng năm nay lần ngập lụt này đã là lần thứ 3. Trận mưa này nước ngập sâu 1,5 mét, trải dài hàng trăm mét đường. Người và xe máy phải qua lại bằng thuyền, xe ô tô con không thể đi qua.

Huyện đã tham mưu cho tỉnh, tỉnh đã đề nghị với Trung ương xây dựng dự án hạ cấp xuống và đưa đường ống vào để tiêu nước cho khu tiểu khu 5 này sang bên khu thủy điện Sơn La. Giải pháp lâu dài như vậy mới giải quyết được. Chỉ nạo vét cống rãnh 2 bên thì không ăn thua nếu trời cứ tiếp tục mưa và không biết đến bao giờ mới hết ngập lụt? Người dân nơi đây đã chờ đợi câu trả lời từ 5 năm nay.

Rõ ràng trong nỗ lực phòng chống giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ gây ra, thông điệp để an dân phải là những hành động chủ động, căn cơ ứng phó lâu dài chứ không thể chỉ ứng cứu tình thế và “kịp thời” khi thiên tai đã tung hoành gây chết người trôi nhà, ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống và sản xuất các địa phương.

UBND tỉnh Lào Cai báo cáo tháng 7 vừa qua cho biết hiện toàn tỉnh đã cho phép gần 50 nhà đầu tư xây dựng khoảng 80 dự án thủy điện và đã tiến hành thu hồi đưa ra khỏi quy hoạch 53 dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn. Phải thu hồi vì một số dự án đã “nuốt gọn” không ít đất rừng, cả rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, ảnh hưởng đến tài nguyên nước và diện tích rừng che phủ, tác động đến đất đai, ruộng nước, nhà cửa, hoa màu của dân.

Đây chính là thảm họa môi trường do phát triển nóng ở nhiều địa phương. Các nhà máy này không có giải pháp cụ thể nào để tránh nguy cơ lũ quét, như trồng cây chống sạt lở, xói mòn đất tại khu vực giải tỏa quanh các nhà máy thủy điện…Trong khi đó, hoạt động kinh doanh, xây dựng vẫn hàng ngày xả thải trực tiếp xuống sông, các nhà máy vẫn liên tục mọc lên, đe dọa hệ sinh thái và độ ổn định của các sườn núi.

Nghiêm trọng là hàng loạt trận lũ quét sạt lở đất bão lũ liên tiếp, các đợt cháy rừng xảy ra liên miên, chất thải công nghiệp và sinh hoạt không qua xử lý đổ thẳng ra môi trường… tất cả đang tác động mạnh mẽ đến sức khoẻ người dân nước ta.

Trong một diễn biến liên quan đến hủy diệt môi trường, một thảm họa nhân tai khốc liệt không kém vừa xảy ra tại Thanh Hóa. Ngày 2-9 người dân đã khai quật ít nhất 9 điểm và tìm thấy khoảng 21 phuy hóa chất có dung tích chứa khoảng 220 lít được chôn dưới lòng đất trong khuôn viên Công ty Nicotex Thanh Thái.

Trên thực tế còn quá nhiều vấn đề quan trọng tiếp tục cho thấy những lỗ hổng trong việc phát hiện và cảnh báo sớm thiên tai, nhân tai, phòng chống ứng phó với thảm họa… Đó là vấn đề phát triển kinh tế ồ ạt, thiếu bền vững. Nó cũng thể hiện sự hạn chế trong hiểu biết khoa học và tuân thủ luật pháp về môi trường của các chủ doanh nghiệp, sự lực bất tòng tâm của người dân trong việc hạn chế thấp nhất các dự án vốn tác động xấu tới môi trường sống toàn diện. Người dân đóng vai trò quan trọng nhất trong hoạt động bảo vệ môi trường, còn các giải pháp, chính sách chỉ là hỗ trợ nhưng người dân đang phải trả một giá quá đắt cho sức khoẻ của chính mình và cho môi trường sống.

Trở lại với thông điệp an dân lâu dài, Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến khẳng định, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao. Cần sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị – xã hội.

Điều này phải được cụ thể hóa bằng luật định mới, chế tài và hơn thế, quyền giám sát thực sự của dân.