Hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường Đồng Nai

ThienNhien.Net – “Quỹ bảo vệ môi trường hoạt động không vì mục đích lợi nhuận” – đó là khẳng định của ông Lê Viết Hưng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại phiên họp lần 1 năm 2009 của Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai (QBVMT). Ông Hưng cho biết, tuy mới đi vào hoạt động nhưng QBVMT đã phát huy hiệu quả và số vốn liên tục tăng, từ 15 tỷ năm 2007 lên gần 30 tỷ năm 2009 và dự kiến đạt 100 tỷ vào năm 2015. Việc xây dựng QBVMT là nhằm huy động nguồn tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp có dự án khắc phục ô nhiễm môi trường (ONMT) chứ không vì mục đích lợi nhuận.

Theo Hội đồng quản lý QBVMT Đồng Nai, tính đến tháng 04/2009, cơ quan điều hành nghiệp vụ quỹ đã tiếp nhận 11 hồ sơ dự án đăng ký vay vốn hỗ trợ từ QBVMT (tăng 6 lần so với năm 2007). Trong đó, 3 dự án thuộc danh mục dự kiến cho vay năm 2008 gồm: Công ty phát triển KCN Biên Hòa – Sonadezi (đầu tư Nhà máy xử lý nước thải KCN Xuân Lộc); Công ty Cổ phần Thống Nhất (đầu tư Nhà máy xử lý nước thải KCN Bàu Xéo); Công ty Cổ phần bao bì Biên Hòa (bổ sung vốn cho dự án xây dựng hệ thống xủ lý nước thải).

Ngoài ra, có 8 dự án phát sinh trong năm 2008 gồm: Công ty TNHH MTV Tín Nghĩa (đầu tư trạm xử lý nước thải KCN Tân Phú); HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Xuân Lộc; HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Khánh; HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát; HTX Suối Tre ( Long Khánh); HTX Hiệp Hòa (Nhơn Trạch); HTX Dịch vụ môi trường Trúc Xanh (Vĩnh Cửu); HTX Thương mai dịch vụ Tân phú (đầu tư xe ép rác chuyên dùng). Cũng theo Hội đồng quản lý QBVMT, từ tháng 01 đến 01/04/2009 có 4 dự án được duyệt với tổng số vốn cho vay là trên 9,3 tỷ đồng, trong đó: Công ty phát triển khu công nghiệp Biên Hòa – Sonadezi (7 tỷ 350 triệu); HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Xuân Lộc (455 triệu); HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Khánh (650 triệu) và HTX Dịch vụ môi trường Thành Phát (875 triệu).

Bên cạnh đó, cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ đã phối hợp với Quỹ đầu tư phát triển Đồng Nai cấp vốn vay theo tiến độ thực hiện dự án là 1 tỷ 217 triệu đồng (chiếm 5,1 % so với tổng nguồn vốn của quỹ). Cụ thể: Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa được chấp thuận duyệt cho vay với số vốn 902 triệu/1, 2 tỷ đồng (đạt 75 %), thời hạn 5 năm, mức lãi suất ưu đãi 5,4 %/ năm; Công ty TNHH giấy bao bì Bình Minh được vay 315 triệu đồng. Các dự án còn lại đang chờ thẩm định năng lực tài chính để Hội đồng quản lý xem xét. Bên cạnh một số kết quả đạt được, QBVMT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: chưa kịp thời tham mưu, đề xuất cấp trên xem xét, bổ sung điều chỉ các văn bản và hồ sơ thủ tục theo quy định của pháp luật và QBVMT Việt Nam hiện hành; các cơ chế, thủ tục vay vốn chưa thông thoáng gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vay.
Cũng theo Hưng, việc UBND tỉnh công bố các cở sở gây ÔNMT năm 2008 và phấn đấu đảm bảo 100% các KCN phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên QBVMT sẽ hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc xử lý ONMT, đặc biệt là các doanh nghiệp đã có số vốn gần đủ để xây dựng dự án môi trường. Để hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn vốn xây dựng hệ thống xử lý nước thải, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Ao Văn Thinh – chủ tịch hội đồng QBVMT Đồng Nai thì doanh nghiệp có thể tiếp cận nhiều nguồn vốn vay khác nhau. Nếu QBVMT Đồng Nai không đủ doanh nghiệp có thể kiến nghị vay vốn của QBVMT Trung ương đầu tư cho các dự án môi trường. Đồng thời có thể vận động các doanh nghiệp đóng góp vào QBVMT.