Hai nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng diện tích đất lúa

Thu hồi đất trồng lúa để xây dựng các khu công nghiệp và mực nước biển dâng cao là hai nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng diện tích đất trồng lúa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do nhu cầu công nghiệp hóa và đô thị hóa, những năm gần đây cả nước bình quân mất tới 50.000ha đất trồng lúa/năm. Bởi vậy, mặc dù năng suất lúa liên tục tăng tương đương 770.000 tấn/năm, song từ năm 2003 đến năm 2007 tổng sản lượng lương thực vẫn chỉ dao động ở mức 36 triệu tấn.

Trong khi đó, theo cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những nước phải chịu sự tác động tồi tệ nhất do sự biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra. Dự báo đến năm 2030, nếu Việt Nam không có những giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa mực nước biển dâng cao, thì có thể 4,4% diện tích đất đai bị ngập. Trong đó, ở Đồng bằng sông Cửu Long được coi là “vựa lúa“ lớn nhất, đất bị nhiễm mặn tới 45% diện tích.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với 74% dân số sống ở khu vực nông thôn, nhưng bình quân đất canh tác rất thấp (riêng khu vực Bắc bộ bình quân đầu người chỉ có 400m2). Nếu không được kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích khác thì diện tích đất lúa sẽ giảm nhanh, kéo theo số hộ nông dân nghèo gia tăng do mất đất sản xuất.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đề nghị Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2015-2020” do Bộ chủ trì và thành lập Ủy ban an ninh lương thực quốc gia do Phó Thủ tướng đứng đầu để chỉ đạo việc thực hiện dự án này.