Đầu tư bền vững

ThienNhien.Net – Không thể phủ nhận, hậu quả thảm khốc của cơn bão Haiyan gây sức ép không nhỏ tới các đại biểu tham gia Hội nghị Thượng đỉnh chống Biến đổi Khí hậu (COP 19) đang diễn ra tại Ba Lan. Trong khi áp lực này được thế giới kỳ vọng sẽ buộc các đại biểu dự COP 19 đạt được bước tiến mới khi thảo luận về Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu nhằm thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020, thì xu hướng đầu tư vào ý thức toàn cầu đang được xem là giải pháp.

1 tỷ USD cho “cổ phiếu xanh”

Ngày 19/11, Công ty bảo hiểm toàn cầu Zurich cho biết vừa đầu tư 1 tỷ USD vào những dự án nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tập đoàn dịch vụ tài chính Thụy Sĩ này đã đầu tư 0,5% trong danh mục đầu tư trị giá 200 tỷ USD vào cái gọi là “trái phiếu xanh” trong danh mục đầu tư do Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và một số tổ chức phát triển khác phát hành nhằm ủng hộ sự tăng trưởng và phát triển bền vững mà không hy sinh lợi nhuận đầu tư.

Theo đó, Công ty bảo hiểm toàn cầu Zurich sẽ hỗ trợ hiệu quả những dự án phát triển kinh tế bền vững và những dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Với khoản đầu tư này, Công ty bảo hiểm toàn cầu Zurich trở thành cổ đông lớn nhất đối với loại trái phiếu màu xanh lá cây bằng đồng USD này, chiếm giữ khoảng 10% thị trường toàn cầu. Ngoài ra, trong một nỗ lực nhằm giảm hơn 1,4 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm, Công ty bảo hiểm toàn cầu Zurich còn đầu tư tiền mặt để tài trợ cho các sáng kiến sử dụng năng lượng Mặt trời, địa nhiệt và các nguồn năng lượng tái tạo ở nhiều nước…

Là một công ty bảo hiểm toàn cầu có tốc độ phát triển thần tốc tại các thị trường mới nổi, song Công ty này cũng đã không ít lần đối mặt trực tiếp với những thách thức liên quan đến tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu hoặc khai thác quá mức tài nguyên quý hiếm. Theo Công ty bảo hiểm Munich Re, thời tiết khắc nghiệt như bão và lũ lụt đã làm ngành bảo hiểm tổn thất 76 tỷ USD ở Đông Nam Á trong 3 thập kỷ qua. Đây là động lực thúc đẩy họ chuyển hướng đầu tư.

Cảnh Tacloban, Philippines hoang tàn sau siêu bão Haiyan (Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng)
Cảnh Tacloban, Philippines hoang tàn sau siêu bão Haiyan (Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng)

Nghịch lý

Đầu tư vào tác động môi trường đang ngày càng trở nên phổ biến. Theo nhận định của Tập đoàn Tài chính JP Morgan, trong năm nay, các nhà đầu tư có thể dồn 9 tỷ USD đầu tư vào các lĩnh vực môi trường. Đây là dấu hiệu cho thấy sự gia tăng nhu cầu đầu tư ý thức xã hội.

Tuy nhiên, trong khi nhận thức ngày càng tăng về sự bất bình đẳng và sụt giảm tài nguyên thiên nhiên là động lực thúc đẩy con người ý thức rằng cần phải kiếm tiền “tốt” hơn, có trách nhiệm hơn với xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ, thì tại Ba Lan, COP 19 dường như vẫn chưa đem lại kết quả nào sau khi Nhật Bản, nước từng được kỳ vọng sẽ đi đầu trong việc cắt giảm khí thải theo Nghị định thư mang tên một thành phố của mình – Nghị định thư Kyoto, đã “gây sốc cho toàn thể hội nghị” khi công bố tăng thêm 3,1% mức phát thải của mình so với năm 1990, đi ngược lại cam kết trước đó là giảm 25% khí thải vào năm 2020 (cũng so với năm 1990).

Australia cũng là một nỗi thất vọng lớn tại COP 19 khi Thủ tướng nước này vừa bãi bỏ luật đánh thuế các-bon, giải tán cơ quan tham mưu về cắt giảm phát thải, giảm hỗ trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, mở đường cho các dự án khai thác than khổng lồ…

Chỉ còn 2 ngày nữa COP 19 sẽ kết thúc nhưng khó có thể có được thỏa thuận quan trọng tại Warsaw, bất chấp cuộc chiến gây sức ép từ phía cộng đồng quốc tế đang dâng cao hơn bao giờ hết. Xu hướng đầu tư có trách nhiệm đã nhen nhóm lên niềm hy vọng trong bối cảnh các cường quốc tiếp tục né tránh trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ đối với biến đổi khí hậu hiện nay.