Mô hình vệ tinh giúp dự đoán lở đất ở vùng sâu, vùng xa

ThienNhien.Net – Dữ liệu vệ tinh có thể giúp xác định những điểm dễ xảy ra lở đất, góp phần vào việc dự báo thảm họa này, nhất là ở các khu vực miền núi vùng sâu, vùng xa. Đây là kết luận từ một nghiên cứu mới của nhóm nhà khoa học thuộc trường Đại học California (Mỹ).

Nhóm nghiên cứu đã phát triển một mô hình sử dụng dữ liệu vệ tinh liên quan tới lượng mưa, đặc điểm của các địa hình dốc và độ che phủ đất. Thử nghiệm mô hình mới trên bộ dữ liệu về các vụ lở đất trước đó cho thấy nó hoàn toàn có khả năng dự đoán chính xác các sự kiện này, thậm chí có thể làm cơ sở cho hệ thống dự báo lở đất toàn cầu.

Một vụ lở đất hồi tháng 4/2010 đã cắt đôi đường cao tốc từ Đài Bắc đi Cơ Long khiến giao thông trên tuyến đường này hoàn toàn bị ngưng trệ
Một vụ lở đất hồi tháng 4/2010 đã cắt đôi đường cao tốc từ Đài Bắc đi Cơ Long khiến giao thông trên tuyến đường này hoàn toàn bị ngưng trệ

Bàn về ưu điểm nổi trội của mô hình vệ tinh, ông Amir AghaKouchak, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Lở đất hay xảy ra ở khu vực miền núi, nơi các nguồn thiết bị giúp dự báo chưa tìm đến được. Ngay cả việc áp dụng phương pháp quan sát mặt đất ở các nước đang phát triển cũng bị hạn chế do thiếu vốn đầu tư. Vì thế, chúng tôi đã xây dựng mô hình này để dự đoán khả năng xảy ra lở đất ở những khu vực có địa hình phức tạp và ở vùng sâu, vùng xa”.

Tuy không thể coi là mô hình chung về dự đoán lở đất bởi nó không có chức năng dự đoán các vụ lở đất quy mô nhỏ và các thảm họa tương tự do động đất gây ra, song mô hình vệ tinh có thể kết hợp với mô hình vật lý địa phương củng cố thêm cho hoạt động dự báo lở đất bằng cách dùng mô hình vệ tinh xác định trước những điểm “nóng” về lở đất, sau đó áp dụng mô hình vật lý để tìm ra địa hình dốc nào đang rơi vào trạng thái mất ổn định, có nguy cơ sạt lở cao…

Hiện mô hình vẫn đang tiếp tục được cải tiến để tương lai có thể đạt hiệu quả cao hơn.