Siết chặt quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên

ThienNhien.Net – Quản lý chặt khai thác gỗ, bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên để đến năm 2020 sẽ tạo được những khu rừng sản xuất đủ điều kiện khai thác bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đó là nội dung chính của Đề án tăng cường quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2013-2020 được Bộ NNPTNT trình lên trong phiên họp sáng 25/7 của Ban Chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng chủ trì phiên họp.

Ảnh minh họa: Hoàng Chiên
(Ảnh minh họa: Hoàng Chiên)

Theo khảo sát mới nhất của Bộ NNPTNT, tổng diện tích rừng tự nhiên cả nước khoảng 10,28 triệu ha, trong đó rừng sản xuất khoảng 4,3 triệu ha, phân bố chủ yếu ở vùng Tây Nguyên, Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Tổng trữ lượng rừng tự nhiên sản xuất của cả nước là 350 triệu m3, trong đó rừng giàu 57 triệu m3 với diện tích 225.035 ha, chiếm 5% và trữ lượng bình quân 257 m3/ha, rừng trung bình 111 triệu m3 với diện tích 651.881 ha, chiếm 15%.

Theo các tài liệu điều tra lâm học, với lượng tăng trưởng của rừng tự nhiên khoảng 2%/năm thì hằng năm rừng tự nhiên là rừng sản xuất tăng trưởng đạt khoảng 3,5 triệu m3. Nếu khai thác ở 876.916 ha rừng sản xuất giàu và trung bình hiện có thì sản lượng đạt khoảng 700.000 m3 gỗ tròn/năm.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, tiến tới đóng cửa rừng tự nhiên, ngành Lâm nghiệp đã thực hiện lộ trình giảm dần sản lượng khai thác. Nếu như trước năm 2000, cả nước có 36 tỉnh khai thác khoảng 1 triệu m3 gỗ/năm, thì đến năm 2010, lượng khai thác còn khoảng 250.000 m3, năm 2012, sản lượng được phê duyệt là 200.000 m3.

Tuy nhiên, trước thực trạng rừng đang giảm sút nghiêm trọng cả về chất lượng và diện tích, Chính phủ yêu cầu siết chặt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và khai thác rừng.

Theo dự thảo Đề án đang được xây dựng, Bộ NNPTNT đề xuất phương án hoặc tạm đình chỉ khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước hoặc hạn chế và khai thác có điều kiện gỗ rừng tự nhiên.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã phân tích kỹ về thực trạng, ưu và nhược điểm của mỗi phương án.

Đối với việc đình chỉ khai thác, rừng sẽ không bị mất do mở đường vận xuất, vận chuyển và làm bãi gỗ trong khai thác, toàn bộ 10,28 triệu ha rừng sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt như đối với rừng phòng hộ và đặc dụng hiện nay, không tạo ra kẽ hở để các đối tượng lợi dụng khai thác ở ngoài khu vực, chỉ tiêu được phép. Tuy nhiên, việc này cũng kéo theo hạn chế là giảm nguồn thu địa phương, gây khó khăn cho sản xuất đời sống của các công ty lâm nghiệp và người lao động cũng như gần 1 triệu hộ gia đình, cá nhân đang được giao gần 2 triệu ha rừng tự nhiên để quản lý, bảo vệ và hưởng lợi. Ngoài ra, không có nguồn gỗ tự nhiên hợp pháp cho nhu cầu, dễ làm gia tăng tình trạng khai thác gỗ trái phép.

Phương án 2 hạn chế khai thác với hàng loạt các điều kiện ngặt nghèo về đối tượng và loại rừng khai thác, đi kèm với các yêu cầu quản lý bền vững. Phương án này cũng được đánh giá là có một số hạn chế do cần phải đầu tư ngân sách để chuyển đổi và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp, lâm trường hiện nay, cũng như gây ra xáo trộn đối với một số dự án, chính sách quản lý đã được triển khai.

Nhiều ý kiến cũng đề cập tới các giải pháp thực hiện, đặc biệt là yêu cầu chấn chỉnh lại công tác chế biến gỗ, ngăn chặn tình trạng tiêu thụ, sử dụng gỗ vi phạm hiện nay.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng cơ chế quản lý mới, siết lại công tác bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên cũng như các loại rừng hiện nay vốn đang bị giảm sút nghiêm trọng cả về chất lượng và diện tích.

Mục tiêu của cơ chế mới phải đảm bảo quản lý chặt chẽ việc khai thác gỗ, góp phần hạn chế tình trạng khai thác gỗ trái phép, bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên để đến năm 2020 sẽ tạo được những khu rừng sản xuất đủ điều kiện khai thác bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, từng bước thay thế gỗ nhập khẩu.

Phó Thủ tướng giao Bộ NNPTNT tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, xây dựng lại các phương án để sớm trình lên Chính phủ xem xét trong thời gian tới. Trong đó, phân tích rõ hơn về các phương án quyết định khai thác rừng tự nhiên, nêu rõ từng ưu, nhược điểm của mỗi phương án cũng như hệ lụy trên các mặt của đời sống KT-XH. Riêng đối với phương án 2, cần tính toán kỹ về cân đối tài chính, từ các nguồn thu cũng như nguồn hỗ trợ từ ngân sách cho việc chuyển đổi.

Cùng với đó, các cơ quan liên quan cũng sớm có báo cáo về các mô hình thí điểm, hoạt động của các doanh nghiệp, kết quả các dự án liên quan đến rừng tự nhiên để làm cơ sở xây dựng, lựa chọn giải pháp quản lý một cách hiệu quả và phù hợp thực tế.