Xuất lậu khoáng sản: Đụng vào là lợi ích nhóm!

ThienNhien.Net – Nói về việc xuất lậu khoáng sản nhiều mà không ai xử lý, TS. Nguyễn Văn Ban cho rằng đúng là tình hình kinh tế – xã hội có nhiều vấn đề liên quan tới quyền lực, quyền lợi, rồi ngành này, ngành kia, thành ra nhiều khi khó để mà dẹp được tình trạng này.

Mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam bằng thu thập của mình có báo cáo Chính phủ và Bộ Công Thương về việc xuất lậu quặng sắt sang Trung Quốc, đặc biệt có sự chênh lệch về số lượng và giá quặng sắt của Hải quan Trung Quốc đều cao gấp đôi so với thống kê của Hải quan Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về tình trạng xuất lậu khoáng sản thô của Việt Nam sang Trung Quốc hiện nay, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Nhôm – Titan, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam – Vinacomin).

Xuất lậu tránh được bộ thì đi đường thủy

PV: Hiệp hội Thép Việt Nam vừa có văn bản gửi Chính phủ và Bộ Công Thương báo cáo về việc có sự chênh lệch giữa số liệu Hải quan Việt Nam và Trung Quốc, cả về giá và sản lượng Trung Quốc thống kê cao gấp đôi Việt Nam, như năm 2012, Hải quan Việt Nam báo chỉ xuất hơn 23.000 tấn quặng sắt với giá 46 USD/tấn sang Trung Quốc, trong khi số liệu này của Hải quan Trung Quốc là nhập hơn 1,7 triệu tấn quặng sắt với giá trung bình 92 USD/tấn từ Việt Nam. Ông nghĩ gì về điều này?

TS. Nguyễn Văn Ban (Ảnh: VNE)
TS. Nguyễn Văn Ban (Ảnh: VNE)

TS. Nguyễn Văn Ban: Tôi không đi sâu vào lĩnh vực luyện kim đen nên cũng không rõ chi tiết. Tuy nhiên, việc xuất lậu quặng sang đúng là vấn đề trầm trọng, gây nhức nhối, tuy không có số liệu cụ thể nhưng chắc chắn có.

Tôi dám chắc con số của Hải quan Việt Nam một đằng, còn Hải quan Trung Quốc một nẻo là chuyện tất nhiên. Tình trạng xuất lậu xảy ra qua nhiều tuyến khác nhau, không chỉ có đường bộ, còn đường sông, xuất lậu qua các tuyến đường tiểu ngạch rất nhiều.

Trong ngành luyện kim màu thuộc chuyên môn của tôi, cũng diễn ra tình trạng tương tự. Tôi từng nghe những người làm việc ở các mỏ nói là nhiều trường hợp các đối tượng xuất lậu chở ra phao số 0 hoặc cho đi đường sông ra biển rồi sang Trung Quốc.

Với quặng sắt, hôm tôi lên Cao Bằng, các đồng nghiệp và một số lái xe tải nói lại là trước họ lái xe chở quặng qua các cửa khẩu, sau đó chủ trương thay đổi, việc xuất lậu đường bộ khó khăn, thì các đối tượng xuất lậu cho quặng đi đường sông ra biển rồi sang Trung Quốc.

PV: Với nhiều năm làm trong ngành khai khoáng, theo ông, việc xuất lậu các loại quặng với số lượng lớn sang Trung Quốc và với cách thức khai khống số lượng và giá cả để trốn thuế như trên đã có từ bao giờ, thưa ông? 

TS. Nguyễn Văn Ban: Việc này (xuất lậu khoáng sản – PV) xảy ra thường xuyên, từ ngày xưa, trước đổi mới là bắt đầu có nhưng chưa nhiều, nhưng tới lúc bắt đầu mở cửa đã bùng nổ (giai đoạn những năm cuối 80 của thế kỷ trước – PV), lúc bấy giờ chủ yếu xuất lậu những quặng có giá trị như thiếc, kẽm, chì, đồng, titan, mangan…

PV: Theo Hiệp hội Thép, việc xử lý khó vì các đối tượng khai thác và buôn lậu quặng sắt thường là “con ông, cháu cha”, có quan hệ quen biết, hình thành các đường dây buôn lậu, nên nếu có xử lý được thì đã xử lý từ lâu chứ không để kéo dài đến như hôm nay, lâu lâu chỉ bắt được một vài vụ gọi là để báo cáo, ông nghĩ sao về điều này? 

TS. Nguyễn Văn Ban: Cũng có nhiều vấn đề lắm. Như chúng ta thấy, ngày xưa ở TKV (Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, nay là Vinacomin – PV) có tình trạng buôn lậu than mỗi năm lên tới hàng chục triệu tấn.

Đánh giá thì cũng khó, nhưng thực tế là từ xưa tới nay trong lĩnh vực khoáng sản, ai cũng cho rằng tình hình thất thoát, thẩm lậu khoáng sản qua biên giới rất trầm trọng, nhưng đánh giá chính xác mức nào thì vẫn rất khó biết.

Tôi cũng rất ngạc nhiên về con số quặng sắt xuất khẩu sang Trung Quốc có chênh lệch lớn như vậy, vì Trung Quốc nêu gấp đôi mình cả về số lượng và giá cả. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam khó xử lý vì liên quan tới quyền lợi ở những lĩnh vực khác nhau, các đối tượng khác nhau.

Quặng sắt bị khai thác lậu chưa kịp chuyển đi tại xã Hương Lung, Cẩm Khê, Phú Thọ (Ảnh: GĐ&XH)

Khó dẹp vì vướng lợi ích nhóm

PV: Với tài nguyên xuất lậu là thế, ngân sách không được gì, còn với của Nhà nước khai thác, điển hình là bauxite, lại giảm thuế tối đa, hỗ trợ vốn đề khai thác và cuối cùng là sản phẩm xuất khẩu một vài năm đầu ngân sách cũng không thu được là bao ngoài vài loại phí nhỏ lẻ. Ông nghĩ gì về sự trái ngược nhưng cùng có điểm chung đó? Và về chính sách với khoáng sản hiện nay? 

TS. Nguyễn Văn Ban: Đấy là vấn đề phức tạp. Với bauxite thì cũng khó nói, vì câu chuyện lỗ đã được nói từ năm 2009, nguy cơ lỗ vốn của hai dự án là rất lớn, hồi đấy Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có cảnh báo về những dự án ấy nhưng cuối cùng quyết định vẫn được đưa ra.

Trong tình thế hiện nay, nguy cơ lỗ vốn rất lớn, tuy nhiên, rõ ràng người ta đã quyết rồi, nên không thể thay đổi. Hiện nay, theo tôi biết, tình hình cũng căng thẳng lắm.Vì khó khăn nên mới sinh ra xin giảm thuế này, thuế kia, giảm phí này, phí kia. Điều đó càng chứng tỏ nguy cơ rất trầm trọng.

Trong khi đó, TKV không công khai minh bạch việc chi tiêu, ví dụ giá thành sản xuất bao nhiêu, bán bao nhiêu, chi phí các thứ ra sao… Người Việt Nam cũng có cái phức tạp là không thẳng thắn. Nên phải nói là “tương lai sẽ có lãi”, còn tương lai là gì đó không xác định, nên cũng đành phải chờ xem tương lai thế nào thôi.

Buôn lậu thì Nhà nước không thu được gì cả, mất mát rất là nhiều, còn lợi nhuận lại đi vào túi người này, người kia.

PV: Nhưng với các khoáng sản khác mình vẫn khai thác đang hoàng như bauxite, xuất khẩu với thuế suất 0%, vậy cái lợi của dự án đó theo ông thuộc về ai?

TS. Nguyễn Văn Ban: Cái lợi của ngành khoáng sản sẽ vào các doanh nghiệp hoạt động, hoặc các nhóm lợi ích để có được giấy phép khai thác khoáng sản, lãi đâu doanh nghiệp hưởng.

PV: Ai cũng nói là xuất lậu khoáng sản đã rất trầm trọng, kinh khủng, nhưng chẳng ai làm gì cả, tình trạng đó vẫn tiếp diễn, vậy phải giải thích điều này thế nào? 

TS. Nguyễn Văn Ban: Đúng là tình hình kinh tế – xã hội của mình có nhiều điều liên quan tới quyền lực, quyền lợi, rồi ngành này, ngành kia, thành ra nhiều khi khó để mà dẹp được tình trạng này.

PV: Đất nước ta giờ không còn được xem là giàu có tài nguyên nữa, trong khi đang cố gắng xuất khẩu thật nhiều đề rồi đã phải lên phương án vài năm nữa nhập khẩu, như với than là một điển hình, việc này đẩy gánh nặng cho thế hệ sau. Ông nghĩ gì về điều này và trách nhiệm thuộc về ai? 

TS. Nguyễn Văn Ban: Chắc chắn xảy ra như thế. Còn trách nhiệm, trước tiên là về mặt lý của các cơ quan Nhà nước, vì đấy là cơ quan đầu não nắm giữ mọi việc, rồi từ cơ quan nhà nước cấp cao tới các cơ quan cấp tỉnh, địa phương.

Đụng vào thì lợi ích của nhóm nọ, nhóm kia, chỗ này vướng tý, chỗ kia vướng tý. Cả vấn đề phức tạp ở chỗ đó.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nói về báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam và số liệu thống kê chênh lệch giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết:

“Cái đó (thống kê – PV) thì thường xuyên, từ vài năm trước tôi đã phát hiện số chênh lệch giữa Hải quan Trung Quốc và Hải quan Việt Nam nhiều lần rồi. Như trong xuất khẩu thủy sản, Hải quan Việt Nam thường thống kê có số xuất khẩu cao hơn số nhập về của Hải quan Trung Quốc.

Còn với quặng sắt thì Hải quan Trung Quốc lại nói nhập quặng từ Việt Nam cao gấp đôi số liệu của Hải quan Việt Nam, điều đó chứng tỏ có sự không rõ ràng và không chính xác trong các báo cáo về Hải quan, qua đó cũng cho thấy rằng con số thống kê của Hải quan Việt Nam cũng cần phải xem xét lại. Trong trường hợp báo cáo này, tôi tin số của Hải quan Trung Quốc hơn, vì họ không có lý do gì để phải bịa ra con số nhập khẩu khoáng sản của Việt Nam cao thế, nên con số của họ có lý hơn.

Như vậy con số của của Hải quan Việt Nam chứng tỏ, họ không nắm được hết các vụ buôn lậu và có thể có nhiều cái buôn lậu qua mặt họ”.