Nhìn lại thất bại của COP15 từ khía cạnh kinh tế

ThienNhien.Net – Hơn một tháng đã trôi qua từ khi COP15 diễn ra. Trong suốt thời gian đó, các chính trị gia, các nhà hoạt động môi trường, các nhà báo… đã cố gắng chỉ ra những lí do dẫn đến việc các nhà lãnh đạo không đi đến được một thỏa thuận mang tính ràng buộc về mặt pháp lí. Các đàm phán và hứa hẹn đã không đưa thế giới tiến gần hơn với lời giải bài toán khí hậu. Liệu một năm nữa thế giới có thể thay đổi được gì không? Câu trả lời là có, nhưng khi và chỉ khi gốc gác của vấn đề, tức là nội dung đàm phán, nội dung của Nghị định thư Kyoto được điều chỉnh lại.

Trước khi đi sâu vào vấn đề, điều cần phải nhấn mạnh là nhận định rằng Kyoto đã tạo ra rào cản cho chính mình không đồng nghĩa với việc chúng ta nên từ bỏ ý định đạt được một thỏa thuận toàn cầu. Ngược lại, một thỏa thuận toàn cầu là vô cùng cấp thiết, vấn đề ở đây là nội dung của Nghị định thư.

Tại sao một thỏa thuận quốc tế ràng buộc về mặt pháp lí là cần thiết?

Biến đổi khí hậu khác với tất cả các thách thức khác mà thế giới đã và đang phải đối mặt bởi nó là một vấn đề mang tính toàn cầu ở mọi khía cạnh: tất cả mọi người đều tham gia phát thải khí nhà kính, không bằng cách này thì bằng cách khác và ở các mức độ khác nhau, mọi người đều chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như một hệ quả của sự phát thải quá mức.

Khí thải của một nước sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước khác trên thế giới, nhưng việc giảm khí thải cũng dựa trên nguyên lý: nếu một nước giảm lượng phát thải, tất cả đều có lợi.

Những đặc điểm nêu trên khiến cho cuộc chiến khí hậu đặc biệt trở nên khó khăn vì nó khuyến khích các nước ỉ lại vào nhau. Ví dụ, nước A có thể nghĩ “tại sao tôi lại phải đầu tư hàng triệu USD để giảm phát thải trong khi nước B đang làm điều đó hộ tôi? Tôi hoàn toàn có thể hưởng lợi từ việc lượng khí thải toàn cầu sẽ được hạn chế và vẫn tiếp tục phát thải như bình thường để phát triển kinh tế.” Tương tự, nước B sẽ nghĩ “tại sao tôi lại phải là nước đầu tiên giảm phát thải khi các nước khác sẽ không làm theo?”

Những lý luận như vậy có thể thấy rõ trong các vòng đàm phán quốc tế ngay từ khi vấn đề khí hậu bắt đầu được đề cập trên thế giới. Các nước đã đưa ra những lời hứa sẽ giảm phát thải nhưng hành động thì gần như chưa có. Điển hình là phần lớn lượng phát thải EU giảm được trong khuôn khổ Cơ chế Buôn bán Khí thải của EU trong thời gian vừa qua là nhờ khủng khoảng kinh tế!

Cho nên, nếu không có một thể chế đáng tin cậy nào quy định và giám sát các cam kết (giả dụ như một nhà nước thế giới) thì thế giới khó có thể mà đạt được điều gì. Vì thế lời đề nghị của Hoa Kỳ rằng các vòng đàm phán khí hậu chỉ nên bao gồm những nước phải thải nhiều nhất như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi có vẻ là một bước chuyển tiếp tốt. Quả thực, việc đi đến một quyết định chắc chắn sẽ dễ dàng hơn khi có ít nước tham gia hơn. Tuy nhiên, điều đáng nói là “chính phủ toàn cầu” do Hoa Kỳ gợi ý lại bao gồm những nước có quá nhiều quan điểm chung. Họ đều là những nước phát thải nhiều và đều muốn trở thành những cường quốc kinh tế của thế giới. Liệu thế giới có trông chờ được một thỏa thuận khí hậu tốt hơn Kyoto từ họ không?

Câu trả lời gần như chắc chắn là không trừ phi trọng tâm của các vòng đàm phán, tức là gốc gác của vấn đề thay đổi.

Vấn đề nằm ở Nghị định thư Kyoto

Mọi người đã đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo về sự thất bại của COP15. Hàng trăm cuộc biểu tình trên toàn thế giới đã không thay đổi được quyết định của họ. Lí do là để đạt được điều đó, bản chất của các vòng đàm phán về khí hậu, tạm coi như một “trò chơi” này, cần phải được thay đổi. Quyết định và/hay chiến lược của một quốc gia (người chơi) phụ thuộc vào: 1/ Luật chơi: đàm phán theo kiểu của Liên Hợp Quốc hay chuyển việc đàm phán cho các nước G20; 2/ Bản chất của “trò chơi”: những điều kiện – trọng tâm của các vòng đàm phán, những lựa chọn cho mỗi người chơi, ví dụ như nước A nên cam kết giảm bao nhiêu lượng phát thải

Một luật chơi “tồi” có thể khiến việc đạt được một thỏa thuận trở nên khó khăn hơn, nhưng nếu luật chơi lại tạo điều kiện cho lợi ích của một nước dẫn đến nước sự thiệt thòi của nước khác thì không thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng.

Đây chính là những gì đã và đang xảy ra với các vòng đàm phán về khí hậu. Nói cách khác, luật chơi chính là điều kiện cần để đạt được một thỏa thuận khí hậu còn bản chất “phù hợp và có lí” của trò chơi là điều kiện cần và đủ.

Cho nên, chúng ta cần phải thay đổi bản chất của “trò chơi khí hậu” và những yếu tố then chốt khiến trò chơi này không đi được đến một kết quả khả quan là: Chỉ tiêu giảm phát thải và Cơ chế phát triển sạch (CDM)

Vai trò của chỉ tiêu giảm phát thải

Những chỉ tiêu này dẫn các nước đến một ngõ cụt. Một thỏa thuận khí hậu toàn cầu cần phải có những đặc điểm sau: công bằng và hiệu quả. Khoa học đã cho biết thế giới này cần giảm bao nhiêu khí thải để tránh được những thảm họa khí hậu trong tương lai. Sự công bằng cũng chỉ ra rằng các nước giàu cần phải có chỉ tiêu giảm phát thải vì họ đã gây ra biến đổi khí hậu trong khi các nước nghèo/đang phát triển có quyền phát thải để xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, các nước đang phát triển lại là những nước có tốc độ gia tăng lượng khí thải cao nhất (Trung Quốc đã và đang là nước phát thải nhiều nhất thế giới), trong khi họ lại không hề bị ràng buộc bằng một cam kết cắt giảm nào.

Do đó, chính sách khí hậu toàn cầu sẽ không hiệu quả, đặc biệt là trước tình hình các nước phát triển không có dấu hiệu tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, liệu Hoa Kỳ có thể hài lòng không nếu họ phải giảm phát thải để cho những nước như Trung Quốc phát thải thỏa thích và trở thành một cường quốc kinh tế mới?

CDM chỉ làm mọi điều tồi tệ hơn

CDM tưởng chừng là một sáng kiến tuyệt vời để khuyến khích các nước đang phát triển giảm phát thải trong phạm vi khả năng của họ bằng cách cấp Chứng nhận Giảm Phát thải (CER). Những chứng nhận này sau đó có thể bán được cho các nước giàu đang gặp khó khăn trong việc đạt chỉ tiêu giảm thải. Tuy nhiên, trên thực tế, CDM không hề hiệu quả mà lại dẫn đến việc lãng phí rất nhiều tiền của.

Trước hết, CDM khiến cho việc đàm phán về chỉ tiêu giảm phát thải khó hơn. Chỉ tiêu đối với các nước giàu càng khắt khe thì nhu cầu cho CER càng cao, dẫn đến giá của CER tăng. Do vậy, CDM không những khuyến khích các nước nghèo đòi hỏi những chỉ tiêu hết sức khắt khe đối với các nước giàu mà còn khiến cho các nước nghèo không chấp nhận bất cứ chỉ tiêu giảm phát thải nào cho chính họ. Một cơ hội tuyệt vời để bán được CER với giá rất cao mà không cần phải giảm lượng khí CO2 một cách đáng kể!

Theo một nghiên cứu của hai nhà kinh tế thuộc đại học Stanford, David G. Victor và Michale W. Wara, “các nhà đầu tư đã phải trả 4,7 Euro cho CER của Trung Quốc trong khi chi phí giảm phát thải lại rẻ hơn thế gấp 50 lần” (Stoft, 2009). Cho nên không có gì là lạ khi Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự minh bạch.

Thứ hai, những người tham gia CDM rất dễ “chơi” lại cơ chế này, khi đó CDM còn có thể khuyến khích việc ứng dụng công nghệ bẩn. Một ví dụ từ Nam Phi: một nhà máy điện đã cảnh báo rằng họ sẽ không chuyển từ việc dùng than sang gas tự nhiên trừ phi nhận được CER để mua gas. Tuy nhiên, các nhà chức trách sau đó lại phát hiện ra rằng nhà máy điện đó đã ký hợp đồng mua gas trước khi CER bắt đầu được áp dụng.

Nói cách khác, nếu không có CER thì họ cũng sẽ mua gas. CER chỉ cho họ thêm cơ hội để kiếm lời. May là vụ việc đó được phát hiện kịp thời, nhưng hãy thử hình dung xem, làm sao mà có thể chứng minh được các nhà máy sẽ làm gì nếu không có CER (Stoft, 2009)?

Việc trả tiền cho ai đó để họ không làm một điều gì đó xem ra có vẻ thật ngớ ngẩn. Không ai trả tiền cho những người nghiện hút hay nghiện rượu để họ cai nghiện cả. Thay vì đó, heroin thì bị cấm còn rượu thì chịu một mức thuế cao.

Dưới đây là một ví dụ điển hình khác được nhắc đến trong cuốn sách Beyond Kyoto: Flexible Carbon Pricing for Global Cooperation của S. Stoft: “Một số nhà máy hóa học trên thế giới phát thải một loại khí nhà kính vô cùng có hại. Khí HFC-23 có hại hơn khí CO2 gấp 11.700 lần. Nhưng một công ty châu Âu có thể trả tiền cho nhà máy hóa học ở Trung Quốc để họ ngừng thải khí đó. Quá trình thiêu hủy khí đó rất rẻ và cho mỗi tấn HFC-23 đốt được, nhà máy đó kiếm được lượng CER tương ứng với 11.700 tấn khí CO2 để bán cho công ty ở châu Âu. Đầu năm 2008, CER có giá là 2USD/tấn nên việc thiêu hủy một tấn HFC-23 có thể thu được xấp xỉ 300.000USD trong khi giá thiêu hủy chỉ có khoảng 5.000USD. Đa số CER bán được trong những năm đầu của chương trình CER là cho việc thiêu hủy HFC-23. Có tin đồn nói rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đã xây các nhà máy hóa học chủ yếu để bán CER.”

Những ví dụ trên không nhằm tố cáo rằng tất cả các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển đều chạy theo lợi nhuận. Chúng chỉ cho thấy rõ sự nguy hiểm của việc áp dụng những cơ chế như CDM nhưng lại thiếu sự kiểm soát hiệu quả, bởi vì khi đó, những cơ chế này rõ ràng đã khuyến khích những hành vi trên.

Cho nên việc các nước không đi đến được một thỏa thuận về chỉ tiêu giảm phát thải không có gì là đáng ngạc nhiên bởi vì bài toán “mỗi nước nên giảm bao nhiêu lượng khí thải” là vô nghiệm. Nó dẫn chúng ta đến một ngõ cụt. Các nhà kinh tế khuyên rằng đáng lẽ các nước phải đàm phán về giá carbon toàn cầu. Theo họ, việc đặt ra một biểu giá chung không những sẽ được nhiều nước chấp nhận hơn mà còn hiệu quả hơn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua hạn chế khí thải.