Truyền thông đúng cách, đúng đối tượng để giảm tiêu thụ ĐVHD

ThienNhien.Net – Thật đáng hổ thẹn khi Việt Nam được biết đến là nước tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc*. Trước khi có nhiều hơn các loài động vật rơi vào bờ vực tuyệt chủng, hoạt động truyền thông được kêu gọi phải đi đúng hướng, nhằm vào đúng đối tượng để nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi thái độ và hành vi của cộng đồng trong việc tiêu thụ ĐVHD.

Đây cũng là một phần nội dung cuộc họp chia sẻ ý tưởng xây dựng chiến lược truyền thông giảm tiêu thụ các loài ĐVHD nguy cấp do Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học chủ trì tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) chiều ngày 19/7.

Ảnh: E. Bennett/WCS
Ảnh: E. Bennett/WCS

Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất phải dùng truyền thông để tác động tới những đối tượng chủ yếu trong đường dây săn bắn và buôn bán ĐVHD, từ những tên săn trộm, buôn bán đến những người tiêu thụ và những bên liên quan khác. Tuy nhiên, phương pháp truyền thông và cách thức tiếp cận với mỗi loại đối tượng không giống nhau.

Chẳng hạn, với đối tượng săn bắn và buôn bán ĐVHD, trong đó có một số lượng không nhỏ là người nghèo, cần phải tiến hành truyền thông “kép”, nghĩa là vừa vận động cộng đồng, truyền thông khẩu hiệu, vừa kêu gọi cơ quan chức năng tìm và giải quyết triệt để động cơ săn bắn hoặc buôn bán của họ.

Hay với đối tượng tiêu thụ, đa phần là người giàu, có thể dựa vào những kết quả nghiên cứu khoa học uy tín để truyền thông về mặt trái của tiêu thụ ĐVHD, nhất là các loài nguy cấp.

Trong đó, hai đối tượng tiêu thụ chính cần đẩy mạnh truyền thông là quan chức nhà nước và doanh nghiệp mà theo khảo sát của Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động Thực vật Hoang dã (TRAFFIC) và Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) chiếm tới 80% lượng tiêu thụ ĐVHD ở Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phùng Quang Chính thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho rằng muốn truyền thông giảm tiêu thụ ĐVHD phải bắt đầu truyền thông đúng và trúng cho chính các cơ quan truyền thông. Bởi là những người truyền tải, đưa thông tin đến với cộng đồng, họ cần có kiến thức chuyên ngành và các kỹ năng truyền thông về nó.

Ngoài ra, cuộc họp cũng ghi nhận thành quả của chiến dịch “i think” – với điểm nhấn là dựa vào những nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng để truyền đi thông điệp ý nghĩa kêu gọi cộng đồng bảo vệ ĐVHD – mà tổ chức Freeland đã tổ chức tại Thái Lan; đồng thời hé mở triển vọng sẽ sớm áp dụng chiến dịch này tại Việt Nam.


*Theo tài liệu Dự án Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loài động vật hoang dã ở Việt Nam (WLC) do Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học chủ trì thực hiện.