UNODC hỗ trợ Việt Nam nâng cấp phòng thí nghiệm pháp y động vật hoang dã

Bất chấp các hạn chế đi lại do Covid-19, phòng thí nghiệm pháp y động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn thúc đẩy các nỗ lực của cảnh sát nhằm truy quét tội phạm buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Năm 2021, phòng đã xử lý mẫu vật gần 250 vụ án hình sự, đại diện cho hàng trăm mẫu cá thể từ các vụ án quy mô liên quan đến sừng tê giác, vảy tê tê, ngà voi, mèo lớn, cá, các bộ phận của gấu, rùa và xương sư tử.

Cũng trong năm ngoái, Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) đã hỗ trợ Việt Nam nâng cấp một phòng thí nghiệm pháp y về động vật hoang dã để xác định xương tê giác trắng và tê giác đen của một lô hàng bất hợp pháp bị thu giữ.

Hoạt động bảo quản mẫu vật động vật hoang dã tại một buổi tập huấn ở Việt Nam (Ảnh: © UNODC / Piotr Zarovski)

Phòng được đặt tại Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (IEBR), hiện là một trong những phòng thí nghiệm pháp y về động vật hoang dã đạt tiêu chuẩn quốc tế dưới sự tài trợ ban đầu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và gần đây là UNODC.

Giovanni Broussard, Điều phối viên khu vực Chương trình toàn cầu về chống tội phạm rừng và động vật hoang dã của Liên hợp quốc cho biết hoạt động tài trợ cho phòng thí nghiệm sẽ tiếp tục đến tháng 9/2022. Ông cho biết: “Bất chấp những thách thức từ đại dịch, phòng thí nghiệm pháp y tại Việt Nam vẫn hoạt động hiệu quả và được cho phép hoạt động ngay trong cả thời gian giãn cách, thể hiện rõ cam kết của chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã”.

Phòng có 6 nhân viên tận tụy, làm việc xuyên đại dịch để đảm bảo các vụ án hình sự được xử lý và báo cáo một cách hiệu quả. Tháng 7/2021, cơ quan hải quan tại cảng Đà Nẵng thu giữ một lô hàng gửi từ Durban, Nam Phi. Lô hàng được khai báo là gỗ nhưng thực tế chứa hơn 3 tấn xương động vật, bao gồm hộp sọ và 52 chiếc sừng. Các nhân viên pháp y tuy không thể tới hiện trường nhưng đã hướng dẫn nhân viên hải quan thu thập mẫu xương và trích xuất các mẫu sừng để gửi về IEBR phân tích.

Hiện phòng thí nghiệm đang trải qua cuộc kiểm toán của Hiệp hội khoa học pháp y động vật hoang dã, Hoa Kỳ để đảm bảo các hoạt động thực hành phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Dự án do UNODC tài trợ và được thực hiện bởi Mạng lưới pháp y động vật hoang dã TRACE – đơn vị đã hỗ trợ trực tiếp hơn 70 vụ án hình sự thông qua hệ thống quản lý chất lượng chuyên biệt.

Ý Nhi (Theo UN News)

Nguồn: