Bốn KCN ở Thái Bình chưa có hệ thống xử lý nước thải

ThienNhien.Net – Sản xuất phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, tuy nhiên, ở tỉnh Thái Bình vẫn còn bốn khu công nghiệp (KCN) chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đó là KCN Gia Lễ (nằm trên địa bàn TP Thái Bình và một phần huyện Đông Hưng); KCN Cầu Nghìn (huyện Quỳnh Phụ); KCN sông Trà (TP Thái Bình) và KCN huyện Tiền Hải.

Một góc KCN Gia Lễ (Ảnh: baothaibinh.com.vn)

Ông Hoàng Văn Ngoạn, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình cho biết: Tại KCN Tiền Hải đã có 34 doanh nghiệp hoạt động, đây là nơi tập trung một số cơ sở sản xuất sành, sứ. Chất thải chứa cặn lơ lửng lắng đọng dòng chảy, ảnh hưởng đến quá trình tiêu, thoát nước trong khu vực.

Tại một số thời điểm sản xuất, nhân dân có ý kiến phản ánh về việc gây ô nhiễm này. Không chỉ có các cơ sở làm sành, sứ mà các cơ sở sản xuất giấy, nước khoáng, chanh leo tại KCN Tiền Hải cũng xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Để chấm dứt hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường, ông Ngoạn cho biết: UBND tỉnh Thái Bình đang có hai phương án, một là mời nhà đầu tư hạ tầng xây dựng trạm xử lý nước thải, hai là tỉnh sẽ bỏ tiền Ngân sách, giao Ban quản lý các KCN thực hiện.

Đối với KCN sông Trà, Cầu Nghìn đã có nhà đầu tư hạ tầng, tỉnh sẽ giao Ban quản lý các KCN yêu cầu nhà đầu tư có văn bản cam kết thời hạn hoàn thành trạm xử lý nước thải.

KCN Gia Lễ hiện đang xây dựng khu xử lý nước thải tập trung công suất 500 mét khối/ngày đêm theo công nghệ hóa lý sinh, dự kiến trong tháng 8 năm nay sẽ đưa vào sử dụng.

Trước đó, từ năm 2010, UBND tỉnh Thái Bình đã quyết định không cấp phép đầu tư cho các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tẩy, nhuộm vào địa bàn. Đối với một số làng nghề dệt, nhuộm truyền thống, tỉnh Thái Bình yêu cầu các địa phương, các cơ quan chức năng xiết chặt quản lý, thực hiện đúng quy định hiện hành trong hoạt động sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường.

Hiện nay, UBND tỉnh đang triển khai kế hoạch cưỡng chế năm cơ sở tẩy nhuộm thuộc làng Mẹo, huyện Hưng Hà do vi phạm kéo dài bằng biện pháp ngừng cung cấp điện; tháo dỡ, niêm phong thiết bị nấu, giặt, tẩy, nhuộm và giao Sở Tài nguyên Môi trường, huyện Hưng Hà, xã Thái Phương giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất này.