Chiến lược gia tăng giá trị ngành khai khoáng

ThienNhien.Net – Sự không nhất quán trong thực thi chủ trương, chính sách về ngành khai thác khoáng sản đã mở ra cơ hội, nhưng cũng tạo rủi ro lớn đối với doanh nghiệp hoạt động trong nghề khai thác mỏ. Chính vì vậy, rất cần một chiến lược dài hơi, đồng bộ cho ngành này để hài hòa lợi ích quốc gia và lợi ích nhà đầu tư.

Đầu năm 2013, Fraser Institute, một think-tank (tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách, chiến lược) hàng đầu thế giới từ Canada, ra báo cáo về cuộc điều tra môi trường đầu tư nghề mỏ tại 96 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới dựa trên kết quả khảo sát quan điểm của 742 doanh nghiệp (DN) mỏ lớn nhất thế giới. Theo đó, Việt Nam được đánh giá là nước có môi trường đầu tư ngành mỏ tệ thứ hai toàn cầu, chỉ sau Indonesia. Hơn nữa, trong 3 năm vừa qua, Việt Nam đã tụt hạng lần lượt từ vị trí 55 xuống 84 và 95.

Việc quản lý thị trường và cấp phép mỏ đang bị phân tán và có tính cát cứ ở từng địa phương
Việc quản lý thị trường và cấp phép mỏ đang bị phân tán
và có tính cát cứ ở từng địa phương

Thực tế cũng cho thấy, các DN trong nghề mỏ tại Việt Nam đang rất khó khăn trong những năm qua.

Theo Vietstock, trong số 17 DN khoáng sản niêm yết trên cả 2 sàn đến quý I/2011, bắt đầu có 2 DN báo lỗ và đến quý IV/2011 có đến 9 DN thua lỗ. Trong 9 tháng đầu năm 2012, có 7/8 DN ngành than (niêm yết) báo cáo sụt giảm lợi nhuận, trong đó 3 DN sụt giảm trên 70%.

Ngành khoáng sản kim loại cũng chung cảnh ngộ: 4/9 DN báo cáo lỗ trong 9 tháng đầu năm 2012 và chỉ có 2 DN có tăng trưởng lợi nhuận. Đến nay, lợi nhuận của 14 DN niêm yết ngành khoáng sản, theo báo cáo tài chính quý I/2013, đã giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.

Mức đầu tư của ngành khai thác khoáng sản thô thường không lớn, song tỷ suất lợi nhuận cao, chi phí khai thác thấp (khoảng 20% giá bán), nhu cầu khoáng sản thô khá cao. Ngược lại, DN đầu tư vào chế biến sâu phải đối mặt với hàng loạt rào cản, như phải có vốn lớn, quá trình đầu tư lâu dài; rủi ro về công nghệ, rủi ro về thị trường, rủi ro tỷ giá cao. Thêm vào đó, các DN Việt Nam hầu như không có kinh nghiệm trong việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm tinh chế, đặc biệt là đối với các DN nhỏ và vừa. Do đó, lựa chọn hợp lý của DN là khai thác và xuất khẩu khoáng sản thô chừng nào còn có thể.

Vì đâu nên nỗi?

Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành ban hành ngay các quy định ngưng xuất khẩu thô một số khoáng sản, như titan, quặng sắt… Thủ tướng cũng tạm ngưng cấp phép khai thác tận thu một số khoáng sản, trong đó có titan, cấm xuất khẩu thô các loại khoáng sản này vào năm 2008.

Ngày 17/11/2010, Quốc hội thông qua Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2010, có hiệu lực từ ngày 01/7/2011, trong đó có các quy định khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngày 25/4/2011, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 02/NQ-TW về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đề cập các vấn đề hạn chế xuất khẩu thô và tăng cường chế biến sâu khoáng sản.

Ngày 09/01/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 02/CT-TTg, cấm hoàn toàn xuất khẩu nhiều loại quặng thô và yêu cầu phải có công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường trong việc chế biến khoáng sản.

Như vậy, chủ trương hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô và khuyến khích chế biến sâu đã có khá lâu, nhưng việc thực hiện chủ trương này trên thực tế lại là câu chuyện khác.

Ngay từ cuối năm 2009, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu thêm 400.000 tấn quặng sắt, 84.000 tấn tinh quặng magnetit, 18.000 tấn mangan… với những lý do như dư thừa sau khi chế biến, trong nước chưa có cơ sở chế biến sâu, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong 3 năm 2008 – 2010, Công ty Apatit đã xuất khẩu 1.504.131,85 tấn quặng, vượt gấp 3 lần cho phép xuất khẩu tối đa được quy định tại Thông tư 08/2008/TT-BCT, ngày 18/6/2008 của Bộ Công Thương.

Có thể thấy, các chủ trương, chính sách về hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô đã không được thực hiện một cách nhất quán và quyết liệt. Điều này gửi đến thị trường một tín hiệu là “vẫn luôn có cửa để xuất khẩu khoáng sản thô”. Do đó, khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg và thực thi quyết liệt thì các DN bị bất ngờ bởi sự quyết liệt trong quá trình thực thi.

Nhọc nhằn nghề mỏ

Sự không nhất quán trong thực thi chủ trương, chính sách về ngành khai thác khoáng sản đã mở ra một cơ hội, nhưng cũng tạo rủi ro lớn đối với DN hoạt động trong nghề này.

Đơn cử, Hoàng Anh Gia Lai phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Sunway, một tập đoàn dày kinh nghiệm về nghề mỏ của Malaysia, với hơn 10 năm làm mỏ ở Việt Nam, cũng đã phải bán mỏ của mình ở Hà Tây cho một đối tác nội địa và đang tìm cách bán nốt mỏ còn lại ở Núi Dinh (Vũng Tàu).

Việc tăng thuế (nhiều khi là bất thình lình) cũng là rủi ro lớn. Khi Bộ Tài chính nâng thuế suất thuế xuất khẩu xỉ titan lên 15% (năm 2010), nhiều DN trong ngành, như Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn (SQC), Công ty cổ phần Khoáng sản Biotan và Công ty cổ phần Thương mại khoáng sản Bình Định (BMC) đã phải tạm ngừng sản xuất vì bị lỗ. Mãi đến năm 2011, khi thuế suất được điều chỉnh xuống 10%, thì SQC mới mở cửa tiếp tục sản xuất.

Trong bối cảnh tín dụng thắt chặt, DN khoáng sản lại càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn do các khoản vay dài hạn, trong khi các ngân hàng trong nước thường rất hạn chế trong việc cấp các khoản vay dài hạn lớn cho DN. Huy động vốn cổ phần cũng không dễ. Trong năm 2012, 3 DN khoáng sản niêm yết là Tổng công ty cổ phần Xuất khẩu Đông Nam Á Hamico (KSD), Tổng công ty cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS) và Công ty cổ phần Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA) rất nỗ lực huy động vốn qua phát hành riêng lẻ, nhưng đều bất thành.

Việc quản lý thị trường và cấp phép mỏ đang bị phân tán và có tính cát cứ ở từng địa phương. Các DN có năng lực mạnh, đầu tư bài bản rất khó cạnh tranh với những DN tại địa phương trong việc tiếp cận mỏ. Trong khi đó, các DN địa phương chỉ khai thác nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thường không tuân thủ nghiêm các quy định về khai thác và bảo vệ môi trường vẫn dễ dàng có giấy phép khai mỏ. Sự thất bại của Tập đoàn Sunway là minh chứng cho hình thức cạnh tranh này.

Thêm vào đó, Việt Nam không phải là quốc gia có ảnh hưởng lớn trên thị trường khoáng sản thế giới, nên không thể tác động vào giá khoáng sản. Rủi ro biến động giá cả trên thị trường thế giới có thể làm suy sụp DN khoáng sản trong nước, kể cả những DN có tiềm lực mạnh.

Quá trình giải phóng mặt cũng là một rủi ro thường trực, mặc dù đã nhìn thấy trước, nhưng đôi khi không thể khắc phục. Việc khung giá đền bù – giải tỏa liên tục thay đổi trong nhiều năm khiến công tác này càng khó khăn hơn, vì người dân có động cơ ngồi chờ khung giá tăng. Tình trạng kiện tụng, khiếu nại liên quan đến công tác này trở thành vấn đề lớn với tất cả địa phương có dự án. Sự thất bại của Tiberon Minerals tại Dự án Núi Pháo đã minh họa cho rủi ro này.

Không hoàn toàn tối tăm

Mặc dù vậy, sự thành công vẫn đến với những DN có tầm nhìn lâu dài, có tiềm lực và dám thực hiện đầu tư chiều sâu để dấn thân lên bậc thang cao hơn của chuỗi giá trị, nhưng đầy thách thức. Điển hình có thể kể đến Dự án Luyện xỉ titan của SQC hay Dự án mỏ đa kim Núi Pháo của Tập đoàn Masan.

Trở lại hoạt động từ đầu năm 2011 sau 1 năm ngừng sản xuất vì thuế xuất khẩu quặng titan tăng cao, SQC đã đón đầu kịp thời các thay đổi của chính sách và thị trường, nhanh chóng mở rộng khai thác, xây dựng thêm các nhà máy luyện xỉ. Kết quả là sau 3 quý hoạt động trong năm 2012, mức lãi của SQC đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2011.

Sự thất bại của Tiberon Minerals tại Dự án Núi Pháo chính là ví dụ điển hình về những khó khăn mà DN khai khoáng đôi khi không thể vượt qua. Các ông chủ Canada đã không thể huy động được nguồn vốn đủ lớn để có thể thực hiện giải phóng mặt bằng, đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, thực hiện chế biến sâu. Được cấp phép từ năm 2004, nhưng đến quý IV/2009, Dự án vẫn chưa giải phóng được mặt bằng và phải cho một nửa số nhân viên nghỉ việc. Chỉ đến khi Masan mua lại dự án này thông qua Dragon Capital, một luồng vốn lớn trên 10.000 tỷ đồng được huy động từ nội lực và từ các định chế tài chính hàng đầu như Mount Kellett, Standard Chartered, đã nhanh chóng làm thay đổi cục diện.

Hiện Dự án đang chạy thử và đến cuối năm 2013 sẽ chính thức sản xuất đại trà. Điều này cho thấy DN trong nước hoàn toàn không lép vế trước các DN sừng sỏ của nước ngoài ngay cả trên các lĩnh vực mà khối này có “sức mạnh truyền thống” về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý, bảo vệ môi trường.

Cải thiện thế nào?

Trước hết, Việt Nam phải kiên trì và quyết liệt với chủ trương đúng đắn về hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản thô. Cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra được thông điệp nhất quán và rõ ràng về chủ trương này. Như vậy, các DN mới dám đầu tư vào chế biến sâu, nâng cao giá trị xuất khẩu.

Đồng thời phải có một chiến lược đồng bộ từ khai thác, chế biến và sử dụng nguồn khoáng sản của đất nước. Việc kiên quyết ngăn chặn xuất khẩu khoáng sản thô sẽ ảnh hưởng đến hầu hết DN khai thác khoáng sản, đặc biệt là DN nhỏ và vừa; xuất khẩu lậu sẽ gia tăng. Do đó, một mặt cần kiên quyết xử lý các hiện tượng xuất khẩu khoáng sản lậu, tăng nặng hình phạt đối với tội phạm này; mặt khác phải có chính sách khuyến khích DN đã đầu tư vào ngành khai khoáng hợp nhất hoặc sáp nhập vào các DN lớn hơn nhằm tăng tiềm lực vốn, công nghệ. Ngoài ra cần có chính sách khuyến khích kết nối giữa các DN đang chế biến thô với các nhà máy chế biến sâu.

TS. Nguyễn Tú Anh, Phó Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)