Rừng Yok Đôn chảy máu (Kỳ 1)

Với diện tích rộng 115.545ha, Yok Đôn hiện là vườn quốc gia lớn nhất nước. Hệ động thực vật vườn cũng rất phong phú với nhiều chủng loài quí hiếm như cẩm lai, giáng hương, trắc, voi, bò tót, báo, hổ… Tuy nhiên, gần đây khu vườn nổi tiếng này đang chảy máu từng ngày bởi sự tàn phá ồ ạt của cả dân địa phương lẫn lâm tặc các nơi đổ về.

Kỳ 1: Thâm nhập rừng Yok Đôn

Trời mới tờ mờ sáng, người dẫn đường đã giục tôi nhanh chóng vượt sông Sêrêpôk để bí mật thâm nhập vườn quốc gia Yok Đôn: “Tai mắt dân phá rừng bủa giăng dày đặc ở đây. Nếu bị phát hiện, mình khó an toàn vào sâu được!”. Vừa nói anh vừa mím môi chèo chiếc thuyền gỗ vượt sông ngay đoạn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Trận mưa hồi đêm làm nước sông dâng cuồn cuộn chảy xiết. Chiếc thuyền nhỏ như chiếc lá nhiều lúc bị xoay ngang, chòng chành tưởng chừng sắp chìm trong xoáy nước, nhưng rồi cũng vượt qua được bờ bên kia sông.

Rừng xanh hoang tàn

Mặt trời đỏ còn thấp sau cánh rừng. Dòng sông Sêrêpôk vắng bóng người. Cặp theo bờ lác đác những súc gỗ nửa chìm nửa nổi lập lờ trên mặt nước. Người dẫn đường nói lâm tặc không kịp đưa hết gỗ qua sông trước khi trời sáng nên đã ém lại đây. Theo chân người “thổ công” khỏe mạnh trùi trũi như trâu rừng này để thâm nhập rừng Yok Đôn, tôi cũng phần nào yên tâm.

Trước đó, tôi đã được “tay trong” quen biết ở Đắk Lắk khuyên nên tự vào rừng theo cách này. Nếu đi theo lực lượng bảo vệ rừng thì an toàn hơn nhưng dễ lộ và chưa chắc đã phát hiện được gì bất ngờ.

Vừa bước lên mé rừng sát bờ sông ở tiểu khu 521, tôi đụng ngay một gốc cây căm xe lớn gần hai vòng tay người ôm mới bị hạ trộm trong đêm. Vết cưa máy cắt ngang phẳng lì. Nhựa đỏ như máu vẫn đang rỉ giọt xuống gốc cây. Người dẫn đường săm soi đường kính và chất lượng gỗ ở gốc cây còn sót lại rồi chặc lưỡi: “Ít nhất phải mất hơn 100 năm rừng mới có được cây gỗ lớn cỡ này”. Theo anh, phần lớn diện tích rừng Yok Đôn phát triển trên nền đất đỏ pha cát nên cây chậm lớn. Tuy nhiên, chính nhờ vậy mà gỗ rừng này rất cứng, đặc biệt là có lõi to nên hấp dẫn các tay phá rừng bán lại cho những người làm đồ gỗ cao cấp, đắt tiền.

Đầu mùa mưa, rừng khộp Yok Đôn tái sinh một màu xanh mơn mởn nhưng vẫn hầm hập nóng. Để tránh bị lâm tặc phát hiện, người dẫn đường không đi theo lối mòn mà cứ dẫn tôi băng rừng để tiến vào sâu bên trong. Rừng xanh vắng bóng cây cổ thụ, nhưng lại đầy lùm bụi gai cào rách quần áo và xước da thịt. Tôi càng đi càng phải chứng kiến nhiều cảnh rừng bị phá hoang tàn. Các gốc cây cụt ngủn với vết cắt cũ, mới cứ nối tiếp nhau hiện ra trước mắt. Nhiều cây sau khi bị cưa hạ lâm tặc mới phát hiện lõi gỗ sâu bọng, nên cứ để nằm đổ mục ra đó với gốc thân lìa nhau như trêu ngươi lực lượng bảo vệ rừng. Có cây lại bị cưa trước phần ngọn, sau đó mới cưa tiếp gốc để lấy ngang đoạn thân cho gọn. Tuy nhiên sau khi cưa ngọn, chúng phát hiện chất lượng gỗ ruột không tốt nên bỏ đứng chơ vơ như người cụt đầu chết khô giữa rừng.

Ở các khu vực gần bìa rừng, sau một thời gian săn lùng gần như “tuyệt chủng” các cây gỗ quí như giáng hương, cẩm lai, bằng lăng, trắc…, lâm tặc đã tràn sang tàn sát luôn cả các loại cây gỗ thấp giá hơn như dầu, cà te, cà chít vì dễ vận chuyển ra ngoài. Càng vào sâu trong rừng, những nhóm này áp dụng “chiến thuật tìm cưa” và chỉ hạ những cây gỗ quí để đáng công vận chuyển đường xa. Trong này, rừng thường không bị tàn sát luông tuồng thành vạt lớn nữa, nhưng những loại cây gỗ quí lại đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Trước đây, chỉ những cây lớn cỡ vòng tay người ôm trở lên mới bị hạ. Bây giờ, ngay cả những cây nhỏ cũng bị cưa sát gốc, vì dù sao loại gỗ quí này vẫn đắt giá hơn gỗ thông thường.

Tôi quan sát một số gốc cây có dấu kiểm lâm kiểm tra, nhưng nhiều gốc cây không có dấu này, chứng tỏ mới bị cưa hoặc kiểm lâm chưa phát hiện đã bị hạ trộm. Thậm chí có những gốc cây còn bị đốt cháy nham nhở như ai đó muốn xóa dấu vết rừng Yok Đôn đã từng có cây gỗ quí hiếm này. Ngoài những súc gỗ đã bị cắt gọn nằm lăn lóc lộ thiên, nhiều cây còn được ngụy trang cành lá kín mít để chờ cơ hội đưa ra khỏi rừng. Tuy nhiên, khi tôi lật thử lớp lá khô ngụy trang lên thấy nhiều súc gỗ đã mục ruỗng. Có lẽ chúng đã bị lãng quên khi những kẻ cưa nó chuyển hướng sang vạt rừng khác và săn trộm được những cây gỗ quí hơn.

Tiếng thở dài giữa rừng sâu

Càng trưa trời càng nóng gay gắt. Chúng tôi đi trong rừng mà nắng vẫn chang chang đỉnh đầu. Mồ hôi đầm đìa loang vào vết gai rừng cào xước càng làm rát bỏng. Lúc này tôi mới thật sự cảm nhận lời dặn dò quí giá nhớ mang theo nhiều nước uống của người dẫn đường.

Từ mấy đời cha ông đã ở đây, anh thở dài kể rằng mới khoảng hơn mươi năm trước, khu vực rừng Yok Đôn vẫn còn rậm rạp các loại gỗ quí như giáng hương, cẩm lai, trắc, bằng lăng, căm xe. Khi các cánh rừng phòng hộ, rừng đệm bao quanh Yok Đôn bị tàn phá hết, lâm tặc tràn vào tấn công cả vườn quốc gia này. Ở mạn huyện Buôn Đôn, rừng Yok Đôn chỉ cách khu dân cư một con sông Sêrêpôk. Lâm tặc chỉ mất vài phút vượt sông đã đặt chân vào địa phận vườn quốc gia mà khó bị phát hiện…

Trong lúc chúng tôi đang lần mò tránh bẫy thú, bất ngờ phát hiện bóng mấy người đang rảo nhanh phía trước. Họ cũng phát hiện chúng tôi, đứng lại lầm lừ dò xét một lát rồi tiếp tục lẩn nhanh vào rừng sâu. Người dẫn đường gạt mồ hôi ròng ròng trên mặt: “Dân chỉ điểm đó, đi tìm trước khu nào có nhiều gỗ quí để báo cho trùm tổ chức người vào cưa. Họ ăn công mỗi cây vài trăm ngàn đồng, tùy loại gỗ”. Theo anh, những kẻ đi tiền trạm phá rừng này là dân địa phương và cần thiết cho trùm lâm tặc nơi khác đến. Dân phá rừng tại chỗ không cần tới họ. Kiểm lâm dù biết cũng khó bắt khi họ chỉ đi mình không và chẳng trực tiếp hạ cây. Đôi khi họ cũng giả dạng người chăn trâu, chăn bò đi tìm thú lạc trong rừng sâu.

… Đêm xuống, chúng tôi chập chờn khó ngủ giữa rừng sâu lạnh buốt. Người dẫn đường dù rành cách nhen lửa sưởi ấm không để cháy lan rừng nhưng vẫn không dám đốt, vì “sợ chính lâm tặc sẽ săn mình!”. Rừng đêm sâu thẳm, buồn hiu hắt như tiếng thở dài của người dẫn đường.