Cần sớm di dời KCN Biên Hòa 1

ThienNhien.Net – Việc di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ giúp sông Đồng Nai, nguồn cung cấp nước quan trọng cho TP.HCM bớt ô nhiễm.

“Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 sẽ được chuyển đổi công năng thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ và trung tâm tài chính” – ông Chu Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển KCN Biên Hòa (Sonadezi), cho biết khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Trước đó, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, thành viên Ủy ban Bảo vệ sông Đồng Nai, đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai sớm triển khai dự án di dời KCN Biên Hòa 1 để giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm cho dòng sông này.

– Sonadezi là đơn vị được tỉnh Đồng Nai giao lập dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. Ông đánh giá thế nào về chủ trương chuyển đổi này?

Ông Chu Thanh Sơn: Biên Hòa 1 là KCN được thành lập sớm nhất cả nước. Do KCN nằm sát bên sông Đồng Nai lại không được quy hoạch tốt nên tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Hiện hệ thống xử lý nước thải của KCN không đáp ứng yêu cầu về công suất cũng như công nghệ xử lý, khiến nước thải không đạt tiêu chuẩn được xả thẳng ra sông Đồng Nai. Chính vì vậy, chủ trương chuyển đổi KCN này thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ và trung tâm tài chính là mơ ước chung của tỉnh Đồng Nai.

Nước thải không đạt chuẩn của KCN Biên Hòa 1 đang xả trực tiếp ra sông Đồng Nai
Nước thải không đạt chuẩn của KCN Biên Hòa 1 đang xả trực tiếp ra sông Đồng Nai

– Thời gian dự kiến triển khai dự án chuyển đổi và tiến độ hiện nay đến đâu, thưa ông?

Ông Chu Thanh Sơn: Chúng tôi đã lập xong dự án và đang xin ý kiến của các bộ ngành. Mọi công việc chỉ có thể bắt đầu sau khi trung ương phê duyệt dự án.

Về tiến độ, chúng tôi chủ trương chuyển đổi phân kỳ. Những công ty nào gây ô nhiễm nặng hoặc có nhu cầu (và đủ điều kiện) sẽ được chuyển đổi trước. Dự kiến đến năm 2022 công việc chuyển đổi mới hoàn tất.

– Những khó khăn trong việc chuyển đổi này là gì, thưa ông?

Ông Chu Thanh Sơn: Việc di dời KCN chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Đến nay chúng ta cũng chưa có chủ trương, chính sách cụ thể để thực hiện công việc này. Theo tôi, khó khăn lớn nhất sẽ là về vấn đề bồi thường (đất đai, máy móc thiết bị), ngoài ra việc di chuyển còn khiến các công ty gặp khó trong sử dụng lao động.

Chúng tôi dự kiến hỗ trợ cho các công ty khoảng 3.700 tỉ đồng tiền di chuyển, thuê đất, phí sử dụng hạ tầng… để họ ổn định sản xuất. Số tiền này nằm trong tổng nguồn vốn thực hiện dự án là 16.990 tỉ đồng.

. Dự kiến KCN Biên Hòa 1 sẽ chuyển về đâu, thưa ông?

Ông Chu Thanh Sơn: KCN này sẽ được di dời về KCN Giang Điền ở huyện Trảng Bom, có diện tích quy hoạch khoảng 500 ha. Với những đơn vị gây ô nhiễm không được KCN Giang Điền tiếp nhận, chúng tôi sẽ chuyển về một số khu vực khác như Long Thành, Nhơn Trạch…

– Xin cảm ơn ông!

Chất lượng nước sông đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai (có tiếp nhận nước thải từ KCN Biên Hòa 1) đạt quy chuẩn cấp nước sinh hoạt sau khi xử lý. Tuy nhiên, đoạn từ giữa làng Cá bè, cống thải nhà máy giấy Tân Mai và bến đò An Hảo đang bị ô nhiễm nặng.

(Theo kết quả quan trắc tháng 3-2013 của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai) 

KCN Biên Hòa 1 có công nghệ sản xuất lạc hậu. Quá trình sản xuất phát sinh nhiều chất thải nhưng KCN không chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại, không chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, gây tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe của nhân dân. Từ năm 2008 đến tháng 7-2012, PC49 Đồng Nai đã phát hiện hơn 100 vụ vi phạm về xả nước thải tại KCN Biên Hòa 1 với tổng số tiền phạt gần 2 tỉ đồng.

(Theo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – PC49 – Công an tỉnh Đồng Nai)

Khang Bách