Phú Thọ: Tái diễn nạn cát tặc phá hoại đất canh tác

ThienNhien.Net – Sau một thời gian có thể gọi là “tạm lắng” nạn khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lô đoạn qua tỉnh Phú Thọ, thì đến nay tình trạng này lại tái diễn với quy mô không lớn, nhưng cũng đủ để phá hoại hàng chục hécta đất canh tác của người dân.

Tại xã Tiên Du, huyện Phù Ninh, nhiều tháng nay đã liên tục diễn ra các hoạt động khai thác cát trái phép, đặc biệt là tại khu vực soi Dây của xã, bình quân mỗi ngày có tới ba đến năm tàu chở và tàu cuốc liên tục khai thác, khiến hàng chục hécta đất hoa màu ven sông của xã bị sạt lở do tàu cuốc đào sâu cả chục mét dưới lòng sông, thậm chí múc áp sát bãi đất màu. Trong khi đó, huyện Phù Ninh xác nhận, tại xã này không có một đơn vị nào được cấp phép khai thác cát sỏi.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngôn – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiên Du thừa nhận, việc “cát tặc” ngang nhiên hoành hành trên địa bàn trong vài tháng nay là có thật. Xã đã nhiều lần lập biên bản xử lý hành chính đồng thời gửi các cơ quan cấp trên để xử lý, nhưng xem ra không mấy hiệu quả.

“Lực lượng Công an xã đã lập biên bản, mà nạn ‘cát tặc’ vẫn ngang nhiên khai thác. Hôm nay có thể dừng, nhưng ngày mai, ‘cát tặc’ lại tiếp tục lộng hành như chốn không người” – bà Ngôn cho biết.

Tàu, thuyền, tập trung khai thác vận chuyển cát sỏi trên sông Lô, đoạn qua xã Chí Đám Đoan Hùng (Ảnh: Báo Phú Thọ)
Tàu, thuyền, tập trung khai thác vận chuyển cát sỏi trên sông Lô, đoạn qua xã Chí Đám Đoan Hùng (Ảnh: Báo Phú Thọ)

Trong khi Luật Khoáng sản năm 2012 ghi rõ: “Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khoáng sản trái phép; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn”.

Nếu áp dụng đúng khung Luật này thì chính quyền xã Tiên Du đã thực sự “bó tay,” mặc nhiên để cho “cát tặc” lộng hành bởi lẽ đã nhiều lần lập biên bản, báo cáo cấp trên, nhưng nạn “cát tặc” vẫn ngang nhiên khai thác, thậm chí người dân còn tiếp tay bằng cách là bán đất cho “cát tặc.”

Lý giải về việc có hay không người dân bán đất cho “cát tặc,” bà Nguyễn Thị Bích Ngôn cho biết: “Đúng là người dân có bán đất màu ven sông cho doanh nghiệp khai thác cát, nhưng đó là ngày trước còn hiện tại không có.”

Trái ngược với những gì bà Chủ tịch xã Tiên Du nói, anh Dương Đình Chắc ở khu 1 nhà liền kề soi Dây cho biết: Những chiếc cọc đánh dấu ở khu vực soi Dây đã được các hộ âm thầm thỏa thuận bán cho các doanh nghiệp khai thác cát sỏi với giá hiện nay khoảng 45 triệu/sào.

Theo quan sát của phóng viên mới đây, tại khu vực soi Dây có khoảng năm đến bảy chiếc cọc đã được cắm mốc. Những chiếc cọc này, có cọc đã sát bờ vở bị sạt lở, có cọc chỉ cách bờ vở vài mét. Phía dưới sông có ba đến năm tàu đang neo đậu. Ở khu vực khu 5, khu 6 cũng có hai chiếc tàu neo đậu đang chờ thời cơ “tận diệt” lòng sông, hủy hoại hoa màu, uy hiếp tính mạng nhiều người dân…

Trước tình trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã có văn bản yêu cầu các ngành liên quan thực hiện công tác chấn chỉnh nạn khai thác cát, sỏi trái phép trên lòng sông Lô. Theo đó, lãnh đạo thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh, Đoan Hùng chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực khoáng sản theo thẩm quyền; nghiêm cấm các hộ dân tự ý thỏa thuận bán đất ven sông Lô cho các tổ chức, cá nhân để hoạt động khai thác trái phép.

Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức công khai cho nhân dân trên địa bàn đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác cát, sỏi như: Giấy phép khai thác, bản đồ vị trí khu vực khai thác, thời hạn cấp giấy phép và tiến hành công khai mốc giới, vị trí tại thực địa ở các xã Tử Đà, Bình Bộ (huyện Phù Ninh)… Thời gian thực hiện xong trong tháng 6/2013.

Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với đoạn quản lý đường sông số 1, Công an tỉnh công khai phương tiện khai thác đã đăng ký và nghiên cứu, bố trí các vị trí neo đậu tàu cuốc cố định trên tuyến sông Lô để tránh việc lợi dụng neo đậu tàu thực hiện hành vi khai thác cát, sỏi trái phép…