Mô hình quy hoạch khu công nghiệp sau hơn 20 năm hoạt động

ThienNhien.Net – Từ khi bắt đầu hình thành vào năm 1991 đến nay, các khu công nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sau hơn 20 năm phát triển, mô hình quy hoạch khu công nghiệp đã có những những đóng góp gì và cần thay đổi ra sao để phù hợp với thực tế phát triển hiện tại, và sau khoảng thời gian 50 năm hoạt động, các khu công nghiệp sẽ đi về đâu?

Những câu hỏi tưởng chừng xa xôi nhưng thiết thực và tất yếu nếu xem xét khu công nghiệp dưới góc độ là một thực thể, một bộ phận cấu thành không thể thiếu trong các đô thị ở Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. KTS Nguyễn Cao Lãnh, Giảng viên, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Kiến trúc Công nghiệp, Khoa Kiến trúc Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng để tìm hiểu sâu hơn về chủ đề thú vị này.

– Thưa Tiến sĩ, dưới góc độ nghiên cứu về lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của các khu công nghiệp trong tiến trình hoạt động?

TS. KTS Nguyễn Cao Lãnh: Đầu tiên chúng ta phải khẳng định xây dựng khu công nghiệp là giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế xã hội, giúp thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, gia tăng giá trị sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập…

Riêng về khía cạnh quy hoạch – kiến trúc, khu công nghiệp là một trong những tiền đề để phát triển các đô thị mới và khu đô thị mới ở Việt Nam. Có hai tác động rõ rệt nhất của khu công nghiệp tới lĩnh vực này: Thứ nhất là việc thay đổi lối sống hay cách sống của người lao động, cả trong và xung quanh khu công nghiệp theo kiểu công nghiệp và đô thị – sự thay đổi của con người. Thứ hai là việc phát triển các khu dân cư, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật theo kiểu đô thị xung quanh khu công nghiệp – sự đô thị hóa hay sự thay đổi của không gian và chức năng sử dụng.

Khu công nghiệp càng phát triển hiệu quả bao nhiêu thì những thay đổi, tác động này càng mạnh và càng đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân bấy nhiêu.

– “Chiếc áo” đô thị ngày càng trở nên chật chội và tất yếu có nhu cầu mở rộng trước sức ép gia tăng về dân số, nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Lúc này, các khu công nghiệp ven đô thị hay ngoài đô thị sẽ dần bị bao chiếm bởi đô thị. Vậy làm sao có thể đảm bảo hài hòa lợi ích giữa việc phát triển đô thị và phát triển khu công nghiệp mà không làm ảnh hưởng tới môi trường cũng như đời sống người dân, thưa Tiến sĩ?

TS. KTS Nguyễn Cao Lãnh: Theo quy hoạch và thực tế phát triển đô thị ở Việt Nam, có thể khẳng định khu công nghiệp là một bộ phận chức năng cấu thành của đô thị nhưng là bộ phận chức năng đặc biệt, không có mối tương tác về chức năng với các bộ phận khác của đô thị. Nó là nơi chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống. Đây cũng là tình trạng phổ biến của các khu công nghiệp trên thế giới trong giai đoạn đầu khi không gian và giá trị cộng đồng, nhân văn chưa được coi là trọng tâm của sự phát triển.

Trên thế giới, khu công nghiệp nói chung và loại hình khu công nghiệp theo kiểu Business Park (tạm dịch: công viên thương mại) nói riêng đã trải qua bốn thế hệ phát triển với chất lượng không gian, sự quan tâm tới con người và cộng đồng ngày một gia tăng. Các khu công nghiệp của chúng ta hầu hết mới ở thế hệ thứ nhất. Các khu công nghệ cao như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đang phát triển ở thế hệ thứ hai và thứ ba. Như vậy, tất yếu trong thời gian tới, chúng ta phải phát triển các khu công nghiệp đô thị ở thế hệ thứ hai và thứ ba để có thể hài hòa giữa việc phát triển đô thị và khu công nghiệp.

– Tiến sĩ có thể giải thích rõ hơn về các thế hệ Business Park?

TS. KTS Nguyễn Cao Lãnh: Business Park, trong đó có một bộ phận là khu công nghiệp, là mô hình phát triển tiên tiến của các đô thị trên cơ sở các hoạt động dịch vụ và công nghiệp với mục tiêu thỏa mãn tốt nhất nhu cầu sống, làm việc và nghỉ ngơi của con người và phát triển bền vững. Dựa trên quy mô, tính chất và đặc trưng phát triển, các Business Park đến nay đã phát triển qua bốn thế hệ từ thấp đến cao.

Business Park thế hệ thứ nhất bắt nguồn từ mô hình khu công nghiệp với chức năng chủ yếu là sản xuất công nghiệp và kho tàng, thiếu các chức năng phục vụ công cộng, cảnh quan môi trường ít, luôn biệt lập vào ban ngày, vắng vẻ vào ban đêm và khó có thể đạt được một chất lượng tổng thể cao.

Rút kinh nghiệm từ thế hệ thứ nhất, các Business Park thuộc thế hệ thứ hai là sự kết hợp bước đầu giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội thông qua việc sử dụng các hình thức không gian nổi bật của cuộc sống cộng đồng (cửa hàng, câu lạc bộ, sân thể thao, trường học,…) và cảnh quan môi trường đẹp. Đây được coi là chìa khóa thành công cho các ý tưởng thiết kế và đã xoá bỏ đi được các ấn tượng xấu về kiến trúc cảnh quan các khu công nghiệp. Các khu công nghiệp loại này đã được xây dựng tại Việt Nam như: Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore VSIP (Bình Dương), Khu công nghiệp MegaStar Business Park (Hưng Yên).

Hưng Yên (Ảnh: megastarbusinesspark.blogspot.com/)
Khu công nghiệp MegaStar Business Park, Hưng Yên (Ảnh: megastarbusinesspark.blogspot.com/)

Business Park thế hệ thứ ba là một mô hình thu nhỏ của một đô thị hoàn chỉnh, tuân thủ các nguyên tắc quy hoạch tổng thể và xây dựng cơ sở hạ tầng của một đô thị nhỏ mới (đô thị mà trước đây coi các Business Park thế hệ thứ nhất là một thành phần của nó). Quy mô từ 100-200 ha, gần đường cao tốc hay sân bay, mật độ xây dựng thấp 25-30% là những yếu tố để phân biệt các Business Park thuộc thế hệ thứ ba với những cái trước đó. Các công trình phục vụ công cộng được hợp thành một địa điểm nổi bật hay một trung tâm đô thị nhỏ phục vụ các đơn vị phát triển. Ví dụ các khu công nghệ cao ở Việt Nam.

Các khu vực sản xuất và nghiên cứu công nghệ cao cần thu hút ngày càng nhiều chuyên gia và lao động trình độ cao. Một mô hình phát triển toàn diện, bao gồm cả sản xuất, văn phòng và cả nhà ở, của hàng, trường học, các khu giải trí… đã tất yếu ra đời. Đó là các Business Park thuộc thế hệ thứ tư mà tổng thể của nó tương tự như một đô thị nhỏ có ranh giới riêng biệt, trình độ tổ chức kỹ thuật, xã hội rất cao và có thể trở thành địa điểm nổi bật, có giá trị và quan trọng của toàn vùng. Tại Việt Nam, Business Park thế hệ thứ tư chưa được phát triển.

– Với các loại hình nêu trên, ông có đề xuất gì cho mô hình phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam ngay từ bây giờ?

TS. KTS Nguyễn Cao Lãnh: Theo tôi, điều đầu tiên là cần thay đổi quan điểm phát triển. Khu công nghiệp không thể là một thực thể biệt lập mà phải hòa nhập khu công nghiệp vào các chức năng khác xung quang. Các công trình công cộng, công viên cây xanh trong khu công nghiệp cần được sử dụng chung cho cộng đồng. Các khu văn phòng, thương mại của đô thị và khu công nghiệp cần được quy hoạch tập trung và mở cho cộng đồng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao của khu công nghiệp (cấp điện, cấp nước) cũng cần đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Về mặt môi trường, chúng ta cần có quy định chặt chẽ hơn về loại hình công nghiệp, mức độ xả thải cho từng xí nghiệp công nghiệp, khu công nghiệp, từng khu vực của đô thị và phải nâng cao ý thức tự giác của doanh nghiệp khi “sống” trong một cộng đồng. Quan trọng nhất là đội ngũ quản lý phải có trình độ, công tâm giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh do sản xuất công nghiệp tới cộng đồng, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường.

Về mặt kiến trúc – cảnh quan, khu công nghiệp cần được phát triển theo đúng kiểu “công viên” công nghiệp. Tỷ lệ đất công nghiệp trong khu công nghiệp cần giảm xuống dưới 50%, dành nhiều diện tích cho cây xanh (15 – 20%) và phát triển văn phòng, thương mại, dịch vụ (tùy nhu cầu phát triển). Mật độ xây dựng trong từng lô đất cũng cần giảm xuống dưới 50%. Chiều cao công trình, màu sắc, vật liệu hoàn thiện bề mặt và các chi tiết kiến trúc khác cũng cần có quy định thống nhất, cụ thể trong quy hoạch và thiết kế đô thị để đảm bảo sự hòa nhập với khu vực dân dụng xung quanh. Hệ thống cảnh quan chung trong khu công nghiệp như: cây xanh dọc các tuyến đường, hàng rào xí nghiệp công nghiệp, vườn hoa, tiểu cảnh, chỗ nghỉ chân… cần được thiết kế như trong các khu vực dân dụng để tăng cảm giác gần gũi, thân thuộc với người dân.

– Sau thời gian hoạt động khoảng 50 năm, cần có bước chuyển đổi hoặc định hướng như thế nào đối với các khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp hoạt động kém hiệu quả?

TS. KTS Nguyễn Cao Lãnh: Đây là vấn đề mới đối với Việt Nam nhưng trên thế giới đã làm nhiều. Thậm chí, khi chưa hết thời hạn hoạt động khu công nghiệp đã phải chuyển đổi chức năng vì không còn phù hợp với sự phát triển của đô thị. Điển hình là Khu công nghiệp Sài Đồng ở Hà Nội. Hiện nay có hai xu hướng chính là cải tạo nâng cấp và tái phát triển.

Nếu vẫn phù hợp với quy hoạch chung của đô thị, khu công nghiệp cần được cải tạo, nâng cấp lên các thế hệ cao hơn như thế hệ thứ hai, thậm chí thế hệ thứ ba. Điều này sẽ không gây xáo trộn nhiều tới việc làm, chỗ ở của người lao động cũng như các khu vực chức năng khác của đô thị.

Nếu không còn phù hợp với đô thị, khu công nghiệp cần chuyển đổi sang chức năng khác (tái phát triển). Tuy nhiên, chuyển đổi khu công nghiệp sang chức năng gì là công việc cần có một hoạch định chiến lược và quy hoạch chi tiết từ trước nhằm đảm bảo không gây sức ép về dân số, hạ tầng và các vấn đề xã hội khác lên đô thị hiện hữu.

Xét về quy mô, khoảng từ 50 – 300 ha, diện tích một khu công nghiệp tương ứng với diện tích một đơn vị ở hoặc một khu đô thị có 4-6 đơn vị ở.  Xu thế hiện nay là tận dụng triệt để hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công trình xây dựng hiện có, chuyển đổi thành các khu văn phòng, trung tâm thương mại, giao lưu hàng hóa, triển lãm và các công trình công cộng khác như trường học, bệnh viện tại những vị trí thích hợp. Đặc biệt, dành nhiều diện tích cho cây xanh, cảnh quan và các không gian mở khác. Phần còn lại tái phát triển thành các khu nhà ở chất lượng cao.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!