Rừng phòng hộ Long Đại vẫn đang bị “chảy máu” – Bài 1

Cận cảnh rừng xanh bị “xẻ thịt”

ThienNhien.Net – Ngay trong lõi rừng phòng hộ được bảo vệ của lực lượng Kiểm lâm và Đội bảo vệ rừng, vậy mà, những cây gỗ có giá trị, hàng chục năm tuổi sống trong rừng Long Đại (Quảng Ninh, Quảng Bình) vẫn không thoát khỏi lưỡi cưa sắc lẹm của bọn lâm tặc phá rừng.

Rừng phòng hộ Long Đại phân bổ đều trên địa bàn hai xã Trường Xuân và Trường Sơn của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Khu rừng này từng được biết đến là một trong những điểm nóng, nhức nhối nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình về nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Dù đã được tăng cường lực lượng bảo vệ rừng, hệ thống chốt trạm Kiểm lâm được bố trí dày đặc nhưng không hiểu sao rừng vẫn bị phá, “máu rừng” vẫn cứ chảy?

Từ trung tâm xã Trường Xuân, một đồng bào người Vân Kiều đã dẫn chúng tôi về với bản Na Lâm – một địa điểm được ví như là một công trường khai thác gỗ vào khoảng 7, 8 tháng trước. Như đã thỏa thuận trước, quay phim chụp ảnh thoải mái nhưng không được mang hình ảnh, tên tuổi của người đưa đường vào bài viết và chúng tôi trả tiền “thù lao” đầy đủ để mua lại sự nhiệt tình của họ.

Lấy bản Na Lâm làm tâm, xoay quanh bán kính khoảng 5 km vào sâu trong rừng Long Đại thì đã không còn hình ảnh của một khu rừng phòng hộ nguyên sinh hàng trăm năm tuổi nữa. Những cây gỗ quý đủ các chủng loại như Sến, Táu, Vàng Chăng, Răng Hom, Choải, Sú… hàng chục, thậm chí hàng trăm năm tuổi bị lâm tặc đốn hạ chỉ còn trơ trọi lại gốc và cành nhỏ không giá trị. Có những gốc cây gỗ Sú không dưới trăm năm tuổi, bán kính ở gốc phải đến 4 người lớn ôm mới tròn vòng cũng không thoát khỏi số phận.

Người chỉ đường cho biết rằng: “Giờ chỉ có ít, còn lại rải rác vài người làm thôi vì họ (lực lượng Kiểm lâm – PV) làm căng quá nên gỗ khó ra lắm. Thời gian tết về trước vào đây chỉ nghe tiếng máy cưa, tiếng cây đổ và tiếng ô tô chạy thôi. Có những ngày, có đến 7, 8 chuyến xe chở gỗ đi ra mà”. “Vậy còn lực lượng Kiểm lâm đâu, họ không bắt sao?” – Tôi hỏi. “Cái đó thì chỉ có Kiểm lâm với các “sếp” mua gỗ biết thôi chứ mình không biết, mà có biết cũng nỏ dám nói bừa à!”(?!).

“Sếp” ở đây là ai? Sao họ lại có uy lực, có ảnh hưởng lớn đến mức có thể bạt núi làm đường cho ô tô vào sâu trong lõi Rừng phòng hộ nguyên sinh để khai thác gỗ mà không bị bắt?. Và mỗi ngày có đến 7,8 xe chở gỗ ra khỏi rừng theo như lời nói của người đưa đường thì còn đâu là rừng xanh, là Rừng phòng hộ nữa?

Khi thực hiện bài viết này, theo ghi nhận của phóng viên thì không chỉ có riêng rừng xanh bị tàn phá, nguồn gỗ quý trong Rừng phòng hộ Long Đại đang bị tận diệt bởi lâm tặc mà cả những loài thú như: Lợn rừng, chồn, khỉ… cũng đang bị săn bắt cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Báo PL&XH sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc rõ hơn về nội dung thông tin vào số báo tới.

Sau đây là một số hình ảnh mà nhóm phóng viên đã ghi lại được tại hiện trường về Rừng phòng hộ Long Đại bị “xẻ thịt”.

Cây gỗ Răng Hom bị đốn hạ và cưa ngắn bán làm một cặp lục bình (Ảnh: Trần Cường)
Cây gỗ Răng Hom bị đốn hạ và cưa ngắn bán làm một cặp lục bình (Ảnh: Trần Cường)
Một phác gỗ được lâm tặc xẻ nhỏ nhưng chưa đưa ra khỏi rừng (Ảnh: Trần Cường)
Một phác gỗ được lâm tặc xẻ nhỏ nhưng chưa đưa ra khỏi rừng (Ảnh: Trần Cường)
Cây gỗ này bán kính khoảng 40cm, có thể dài đến hơn 20m (Ảnh: Trần Cường)
Cây gỗ này bán kính khoảng 40cm, có thể dài đến hơn 20m (Ảnh: Trần Cường)
Những cây gỗ có bán kính lớn bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc. (Ảnh: Trần Cường)
Những cây gỗ có bán kính lớn bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc. (Ảnh: Trần Cường)
Giống như một bãi công trường khai thác ngay trong Rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng Kiểm lâm và Bảo vệ rừng (Ảnh: Trần Cường)
Giống như một bãi công trường khai thác ngay trong Rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng Kiểm lâm và Bảo vệ rừng (Ảnh: Trần Cường)
Một cây gỗ Choải lớn mới bị lâm tặc chặt hạ (Ảnh: Trần Cường)
Một cây gỗ Choải lớn mới bị lâm tặc chặt hạ (Ảnh: Trần Cường)