Thực trạng chuyển đổi rừng ở Tây Nguyên

Bài 2: Xa vời giấc mộng đổi đời


ThienNhien.Net – Các dự án trồng cao su ở Tây Nguyên được triển khai với kỳ vọng: giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nhiều người dân được khá giả từ những dự án cao su, không kể tình hình còn phức tạp hơn khi xuất hiện những tranh chấp đất đai giữa người dân địa phương với doanh nghiệp (DN).

Rất ít người dân địa phương được nhận vào làm tại các dự án trồng cao su ở xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, Gia Lai).
Rất ít người dân địa phương được nhận vào làm tại các dự án trồng cao su ở xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, Gia Lai).

Có dự án là có tranh chấp

Có thể nói, ở Tây Nguyên, nơi nào có dự án chuyển đổi rừng trồng cao su là nơi đó có tranh chấp đất giữa người dân và DN. Từ năm 2008 đến nay, các DN thực hiện dự án chuyển đổi rừng trồng cao su ở huyện Chư Pưh (Gia Lai) liên tục phải đối mặt với “cuộc chiến” tranh chấp đất rừng với người dân địa phương. Công ty TNHH Xây dựng Thương mại 289 (TPHCM) được UBND tỉnh Gia Lai cho phép chuyển đổi trên 548ha đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Ia Phang (huyện Chư Pưh) sang trồng cao su vào năm 2008. Nhưng khi dự án triển khai, người dân xã Ia Phang, Ia Le đã vào khu vực này lấn chiếm đất canh tác, cản trở DN khai hoang. Đến nay, có hơn 146ha đất rừng tại các tiểu khu 1114, 1117 của công ty đã bị 63 hộ dân lấn chiếm trái phép.

Chung cảnh ngộ, Công ty CP Tập đoàn Đức Long cũng đang loay hoay tìm cách đòi lại 78ha đất rừng trong dự án trồng cao su tại xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) bị dân lấn chiếm canh tác; Công ty CP Trồng rừng công nghiệp Gia Lai thì phải nhượng bộ cho các hộ dân canh tác trên diện tích 24ha đã lấn chiếm trước đó. Dẫu thế, người dân địa phương vẫn lấn chiếm thêm 44ha đất dự án của công ty. Qua kiểm tra của huyện Chư Pưh, trong tổng số khoảng 300ha đất rừng người dân lấn chiếm các dự án, có hơn 50% diện tích người dân canh tác trước thời điểm triển khai dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su (trước năm 2008).

Người dân địa phương cho rằng, diện tích đất trên đã được họ canh tác từ trước nên không chấp nhận trả cho DN. Để tìm lối thoát, một số DN chấp nhận để người dân xen canh cây ngắn ngày trên diện tích đất trồng cao su, đồng thời thỏa thuận đền bù công khai hoang và tạo điều kiện cho người dân vào làm công nhân cho các công ty, nhưng giải pháp đó cũng không hiệu quả. Ông Lưu Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, cho biết: “Trong quá trình tư vấn, lập hồ sơ dự án của một số DN chưa khớp với thực tế, không phản ánh đúng thực trạng sử dụng đất của người dân. Một số dự án không đầu tư đúng theo cam kết, năng lực tổ chức sản xuất của DN chậm. Thậm chí một số DN không lập phương án đền bù công khai hoang và hoa màu trên đất cho người dân”.

Tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk), nhiều DN đang đối mặt với nguy cơ mất đất dự án vì bị người dân địa phương và cả người dân di cư tự do đua nhau xâm chiếm. Ngày 7-7-2009, Công ty TNHH Xây dựng Gia Huy được UBND tỉnh Đắk Lắk giao 698ha đất tại tiểu khu 248 và 264 tại xã Ea Lê (huyện Ea Súp) để trồng rừng, trồng cao su. Nhưng trên diện tích này đã có hơn 200ha đất bị người dân địa phương xâm chiếm. Không những thế, họ còn chặt phá, lấn chiếm đất rừng trong vùng dự án của Công ty Gia Huy. Đỉnh điểm cuộc tranh chấp xảy ra vào ngày 29-4-2011, khi cả bảo vệ công ty lẫn cán bộ xã Ea Lê đều bị khoảng 30 người dân địa phương xông vào đánh ngay trên khu vực đất dự án. Trong số 20 dự án được giao đất cho DN trồng rừng và trồng cao su ở huyện Ea Súp với tổng diện tích hơn 16.784ha, hầu hết đều bị người dân xâm canh đất rừng trái phép.

Tại những vùng dự án chuyện đổi rừng ở xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) cũng xảy ra tình trạng người dân và DN xô xát với nhau khi tranh chấp đất rừng. DNTN Phạm Quốc được tỉnh cho thuê 318,7ha đất rừng tại xã Đắk Ngo, phần lớn đã bị người dân xâm canh trước đó. Nhưng DN này chỉ mới thỏa thuận giải quyết được 174ha, còn với 145ha chưa thỏa thuận được thì ông Phạm Quốc Chiến (chủ DNTN Phạm Quốc) đã tự ý bán 126ha sắn của dân, chiếm đoạt số tiền hơn 3,1 tỷ đồng. Vào ngày 12-11-2011, lực lượng bảo vệ của DNTN Phạm Quốc (trụ sở tại xã Đắk Ngo) đã đánh nhau với người dân tại vùng đất rừng tranh chấp. Một bảo vệ công ty là Dương Viết Hoài (25 tuổi, ở huyện Chơn Thành, Bình Phước) đã lấy súng quân dụng bắn vào những người dân đang thu hoạch sắn tại tiểu khu 1536 làm anh Điểu MRú (ở xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, Bình Phước) chết tại chỗ. Tại đây, Công ty TNHH Hoàng Khang Thịnh cũng đã chặt phá 1.358 cây cà phê đang thu hoạch và đốt phá nhà tạm của bà Nguyễn Thị Xuyến. Các DN khác có dự án ở đây như: Lê Gia, Hoàng Thiên, Lâm Phát Đạt, Kiến Trúc Mới… cũng hành xử tương tự và xảy ra những xô xát đáng tiếc với người dân.

Dân chưa giàu từ cao su

Mục tiêu của việc chuyển đổi rừng trồng mới 100.000ha cao su ở Tây Nguyên của Chính phủ là để xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao đời sống người dân địa phương, nhưng mục tiêu này xem ra khó đạt được. Trên những con đường đi vào các dự án chuyển đổi rừng trồng cao su ở Tây Nguyên, phần lớn vẫn là những con đường đất; cũng rất ít lao động địa phương (nhất là người DTTS) được các DN nhận vào làm công nhân. Tại 9 DN thực hiện dự án chuyển đổi rừng trồng cao su ở xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, Kon Tum), những lao động địa phương chỉ được nhận vào làm thời vụ, ít người được ký hợp đồng dài hạn. Ông Lê Tuấn Tuân, Chủ tịch UBND xã Mô Rai, lý giải: Phần lớn người dân địa phương là người đồng bào dân tộc tại chỗ, trình độ thấp cùng với các phong tục tập quán lạc hậu và thói quen làm việc tự do, vì thế các DN không mấy mặn mà với việc tiếp nhận họ vào làm công nhân. Mặc dù vẫn cam kết tuyển dụng lao động địa phương nhưng DN vẫn phải đảm bảo mục tiêu lợi nhuận, vì thế họ buộc phải tuyển dụng lao động từ nơi khác với tay nghề cao hơn.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, đến cuối năm 2012, các DN trồng cao su ở tỉnh Kon Tum đã xây dựng được 352km đường giao thông, thu hút 1.794 lao động địa phương. Tại Gia Lai, các DN đầu tư 153 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút 809 lao động địa phương. Ở Đắk Lắk, các DN đầu tư hơn 585 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút 1.775 lao động địa phương. Nhưng thực chất số tiền DN bỏ ra chủ yếu đầu tư cho dự án mình chứ chưa đầu tư nhiều vào xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương. Các DN cũng không thu hút được nhiều lao động địa phương vào làm việc tại các dự án như kỳ vọng của Chính phủ. Vì thế, đời sống người dân chưa giàu lên nhờ các dự án chuyển đổi rừng trồng cao su.