Khu công nghiệp Cái Mép – Bến đỗ nguồn nguyên liệu chiến lược

ThienNhien.Net – Ngày 5-6, tại Khu công nghiệp (KCN) Cái Mép thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã diễn ra lễ khởi công công trình Nhà máy sản xuất hợp chất Zirconium Việt Nam do Công ty CP Hóa chất hiếm Việt Nam (VRec) làm chủ đầu tư. Đây là dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên đầu tư vào KCN Cái Mép và là dự án sản xuất đất hiếm đầu tiên tại Việt Nam.

VRec là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản, công ty có vốn điều lệ 206 tỷ đồng. Dự án Nhà máy sản xuất hợp chất Zirconium có quy mô 4ha, tổng mức đầu tư 1.030 tỷ đồng. Đây là nhà máy chuyên sản xuất, chế biến sâu quặng Zircon để sản xuất Metasilicate và các loại hợp chất Zirconium. Trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ sản xuất Zirconium Oxychloride và Sodium Metasilicate, công suất 13.300 tấn Zirconium Oxychloride/năm và 8.500 tấn Sodium Metasilicate/năm.

Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động sau 12 tháng khởi công xây dựng. Zirconium là nguyên liệu cần thiết trong sản xuất các sản phẩm chịu nhiệt, nguyên liệu cho ngành công nghiệp điện nguyên tử hạt nhân; ngoài ra còn được sử dụng để sản xuất điện thoại di động, tivi, vỏ phi thuyền, thắng đĩa xe đua…

Lợi thế cảng biển của KCN Cái Mép là một trong những nguyên nhân mà doanh nghiệp Nhật Bản quyết định đầu tư. Ảnh: LONG THANH
Lợi thế cảng biển của KCN Cái Mép là một trong những nguyên nhân mà doanh nghiệp Nhật Bản quyết định đầu tư. Ảnh: LONG THANH

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Khởi, Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn, chủ đầu tư KCN Cái Mép, cho biết việc một nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn, đặc biệt các nhà đầu tư Nhật Bản thuê đất tại KCN Cái Mép để xây dựng nhà máy theo chủ trương thu hút nhà đầu tư nước ngoài của địa phương, là một minh chứng cho thấy nơi đây hội đủ những thuận lợi về chính sách cũng như vị trí địa lý.

Các nhà đầu tư đến Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và KCN Cái Mép nói riêng sẽ được chính quyền địa phương và chủ đầu tư tạo mọi thuận lợi về thủ tục, minh bạch về chính sách, tức một môi trường đầu tư hấp dẫn. Cụ thể, dự án Nhà máy sản xuất hợp chất Zirconium được ưu đãi với mức thuế suất 20% thu nhập chịu thuế trong 10 năm, kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động và 25% cho các năm tiếp theo. Dự án được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong 2 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 4 năm tiếp theo. Doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định của Luật Thuế nhập khẩu…

KCN Cái Mép có tổng diện tích 670ha, trong đó diện tích đất cho thuê chiếm 414ha. KCN này nằm tiếp giáp với hệ thống cảng nước sâu quốc gia có thể tiếp nhận tàu có tải trọng đến 80.000 DWT. Khoảng cách từ KCN đến một số bến cảng (cảng Tân Cảng Cái Mép, cảng Interflour, cảng Sài Gòn mới, cảng ODA Nhật Bản) chưa đến 2km; cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 80km, sân bay quốc tế Long Thành 40km. Trong KCN có bố trí ga đường sắt TPHCM – Biên Hòa – TP Vũng Tàu cùng nhiều tiện ích khác như hệ thống viễn thông, điện, nước, khí ga… đảm bảo ở mức cao nhất cho nhà đầu tư. Hệ thống cấp thoát nước, xử lý môi trường đều tuân theo các chuẩn mực, quy định nghiêm ngặt của cơ quan chức năng. Giá thuê đất là 70 USD/m² (chưa bao gồm thuế VAT)…

Đặc biệt, khu vực Tây Nam KCN Cái Mép giáp sông Cái Mép và sông Thị Vải, nối liền với biển. Đây là nơi đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu lưu thông hàng hóa, là những yếu tố mà các nhà đầu tư không thể bỏ qua. Cách quốc lộ 51 khoảng 3km với hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh và mạng lưới dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp, KCN Cái Mép có thể tiếp nhận nhiều dự án đầu tư khác nhau trong mọi lĩnh vực: các ngành công nghiệp nặng cần có cảng chuyên dụng như xăng dầu, khí đốt, hóa chất, luyện kim; công nghiệp nhẹ, cơ khí chế tạo, sửa chữa tàu thuyền, chế biến nông sản và thực phẩm…

Đến với KCN cái Mép, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội tận dụng tối ưu cấu trúc hạ tầng phát triển, chi phí cạnh tranh và đặc biệt là vị trí cảng nước sâu. KCN Cái Mép với thế mạnh là vị trí địa lý tốt nhất, là sự lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp. Đến nay đã có khoảng 10 nhà đầu tư thuê đất tại KCN Cái Mép, như Nhà máy Xay xát bột mì Interflour Việt Nam (28,1 ha), Nhà máy Khí hóa lỏng LPG và Dự án Condensate (40,8 ha), với tổng diện tích gần 150ha.

Với những thuận lợi về địa lý, tiềm năng phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Nguyễn Văn Khởi hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư đến với KCN Cái Mép. Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn cam kết sẽ tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư về thủ tục cũng như trong quá trình phát triển dự án.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Sugii, Tổng giám đốc VRec, cho biết KCN Cái Mép thuận lợi cho việc giao thông về đường bộ, hàng không và đường thủy. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại nằm gần tỉnh Bình Thuận, một địa phương giàu tiềm năng về đất hiếm. Đó là lý do VRec chọn KCN Cái Mép để xây dựng Nhà máy sản xuất hợp chất Zirconium với hy vọng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm Zirconium của thế giới trong tương lai gần.

Tầm quan trọng của đất hiếm đối với Trung Quốc được phản ánh qua câu nói của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình: “Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm”. Trong những năm qua, Trung Quốc tìm nhiều biện pháp thắt chặt ngành công nghiệp đất hiếm. Vào tháng 7-2010, Bộ Thương mại Trung Quốc khiến thế giới sốc khi giảm tới 40% lượng xuất khẩu đất hiếm. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ước tính các loại đất hiếm tăng giá 4 – 49 lần so với năm 2001. Nhưng giá đã giảm trong những năm gần đây khi các nước tìm cách giảm bớt phụ thuộc vào đất hiếm cũng như tìm kiếm nguồn đầu tư ngoài Trung Quốc. Chính vì vậy các nhà đầu tư Nhật Bản chọn Việt Nam để sản xuất đất hiếm.