Minh bạch ngành khai khoáng – tên lửa thúc đẩy phát triển

ThienNhien.Net – Bên lề Hội nghị toàn cầu lần thứ Sáu Sáng kiến minh bạch công nghiệp khai khoáng (EITI) với chủ đề Vượt ra ngoài sự minh bạch, Giáo sư Paul Collier – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Châu phi, Đại học Oxford (Anh), người khởi xướng xây dựng Hiến chương Tài nguyên Thiên nhiên đã có những chia sẻ về quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên trên thế giới, những sai lầm, bài học và về điều mà Việt Nam có thể làm để nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể mang lại sự thịnh vượng cho đất nước.

Là tác giả của cuốn sách nổi tiếng Bottom of billions (tạm dịch: Đưới đáy hàng tỷ đô la), nói về bi kịch của việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, xin Giáo sư cho biết quan điểm của mình về việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trên thế giới?

Giáo sư Paul Collier (Ảnh: users.ox.ac.uk/)
Giáo sư Paul Collier (Ảnh: Users.ox.ac.uk)

Trước hết, tôi cho rằng sự giàu có tài nguyên thiên nhiên là cơ hội lớn cho nhiều quốc gia sở hữu nó. Trong 10 năm qua, chúng ta đã khám phá thêm nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiêu quý giá. Tuy nhiên, thật không may, lịch sử quản lý tài nguyên thiên nhiên ở những nước nghèo lại là lịch sử của những sai lầm đáng tiếc. Chỉ một số ít đã lấy mất cơ hội của đại đa số, và hiện tại đã thiêu trụi những lợi ích của tương lai. Vì thế thách thức là chúng ta phải nhìn lại lịch sử để không lặp lại những sai lầm đó.

Vậy tại sao các nước giàu tài nguyên đó lại không thể biến tiềm năng về tài nguyên thành sự thịnh vượng, thưa Giáo sư?

Về nguyên tắc, các nước có thể làm được điều đó, nhưng hiện thực hóa nó lại không phải việc dễ dàng. Trước tiên, để làm được như vậy, các quốc gia cần có các quyết sách tốt về kinh tế.

Trong các chuỗi quyết định đó, trước tiên là cần sử dụng công cụ thuế hợp lý đối với các công ty khai khoáng để đảm bảo chính phủ có được nguồn thu. Tiếp theo là cần có khả năng quản lý và sử dụng các nguồn thu đó hợp lý, đồng thời đảm bảo có dự trữ và đầu tư cho tương lai, chứ không chỉ đơn giản tiêu dùng cho hiện tại. Tất cả các chuỗi quyết sách đó được đưa ra trong Hiến chương về Tài nguyên Thiên nhiên.

Ngoài các quyết sách kinh tế đó, khía cạnh chính trị cũng cần phải được tính đến. Các quốc gia cần xác định những điều kiện chính trị nào là cần thiết để có thể quản lý các tài nguyên hợp lý nhất.

Nhiều quốc gia nghèo chưa thể có được các điều kiện chính trị hợp lý: các chính sách, các thể chế nhằm đảm bảo người dân nắm bắt được vấn đề, và vì thế sẽ ủng hộ các quy định và chính sách của nhà nước. Việc khó khăn nhất là xây dựng được một nhóm công dân chủ đạo và có cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên và cơ hội biến nguồn của cải này thành sự thịnh vượng.

Những quốc gia có khả năng nhanh chóng chấm dứt đói nghèo thường có khả năng đưa ra các quy định đúng đắn, ở đó người dân hiểu rõ các nguyên tắc, xây dựng các chính sách và thể chế. Câu chuyện ở Châu Phi có thể là một ví dụ. 40 năm trước Botswana là một quốc gia rất nghèo, nhưng hiện nay là một quốc gia giàu nhất châu Phi và là nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, cũng một nguồn tài nguyên đã giúp Botswana trở nên thịnh vượng – là vàng – lại không thể khiến Sierra Lione giàu có hơn mà lại đứng ở vị trí cuối bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người của Liên Hiệp Quốc. Lý do là Sierra Lione không thể đưa ra được các quy định, các chính sách nhằm tận dụng hợp lý lợi thế về tài nguyên mà họ có.

Khai thác khoáng sản trong nhiều trường hợp không mang lại lợi ích cho người dân địa phương. (Ảnh: ThienNhien.Net)
Khai thác khoáng sản trong nhiều trường hợp không mang lại lợi ích cho người dân địa phương. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Giáo sư có thể trao đổi những nội dung chính về bản Hiến chương tài nguyên mà Giáo sư hiện đang là một trong những người khởi xướng và điều hành?

Hiến chương về Tài Nguyên Thiên nhiên là bộ quy tắc, là bản hướng dẫn cho các quốc gia sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong suốt chuỗi giá trị của nó. Bản Hiến chương khuyến nghị bắt đầu từ việc thăm dò tài nguyên thiên nhiên và yêu cầu quá trình này cần phải được minh bạch và mang tính cạnh tranh. Quá trình này không nên có những bí mật vì những thỏa thuận ngầm thường không được đánh giá là tốt đẹp. Một quá trình được cho là minh bạch và cạnh tranh nếu các quyền và lợi ích hợp pháp được tính đến, tốt hơn hết là đấu giá công khai.

Sau đó, các quốc gia phải xây dựng được một hệ thống biểu thuế phù hợp nhằm tạo ra các nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Điều đó có nghĩa là các quốc gia cần phải có khả năng quan sát và không bỏ sót các đối tượng chịu thuế.

Một khi đã có được các khoản thu, các quốc gia phải sử dụng hợp lý nguồn thu của mình, và đặc biệt lưu ý đến quyền lợi của các nhóm người dân địa phương tại nơi tài nguyên được khai thác. Thông thường điều này không được đề cập đến và sẽ khiến các quốc gia rơi vào các cuộc chiến xung đột.

Khi có các nguồn thu, các quốc gia cũng cần phải dành một phần đáng kể, có thể là một nửa, cho tương lai. Và sau đó, khoản để dành này cần phải được đầu tư thích đáng, tốt nhất là các khoản đầu tư nội đia, vì như thế sẽ góp phần nâng cao năng lực để đầu tư cho chính quốc gia mình. Như vậy, năng lực quản trị và đầu tư của quốc gia được nâng cao.

Giáo sư có đề cập đến vấn đề minh bạch trong bản Hiến chương tài nguyên thiên nhiên và hôm nay chúng ta đang tham dự hội nghị toàn cầu về sáng kiến minh bạch công nghiệp khai khoáng, ông có tư vấn gì cho Việt Nam không?

Tôi cho rằng để quản lý tốt tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam nên bắt đầu bằng việc thực thi Sáng kiến Minh bạch công nghiệp khai khoáng (EITI) vì nó buộc bạn phải cam kết với minh bạch. Nếu không minh bạch, rõ ràng bạn đã có câu trả lời, đó là sai lầm ngớ ngẩn và đó là tình huống phổ biến hiện nay. Điều đó lí giải tại sao sáng kiến EITI được đưa ra để tránh sự lặp lại của những sai lầm ngớ ngẩn đó trong lịch sử.

Sau đó, Việt Nam nên tham khảo Hiến chương về Tài nguyên Thiên nhiên nếu muốn sử dụng nguồn lực hiện có thành công. Tôi cho rằng nó giống như việc đặt một quả tên lửa dưới nền kinh tế. Botswana là một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, bất chấp những hạn chế của khu vực Châu Phi vì đã biết đặt quả tên lửa đó đúng vị trí để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Nếu Việt Nam muốn đẩy nhanh nền kinh tế của mình, đi đến sự thịnh vượng, hãy nên tận dụng nguồn lực theo cách đó. Tuy nhiên, nếu bạn không đi theo các chuỗi quyết định và thực thi đúng thì quả tên lửa mà bạn đặt sẽ đẩy nền kinh tế đi chệch hướng và sau đó Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng giống như Sierra Leone. Tôi cho rằng Việt Nam nên sớm bắt tay vào việc này vì còn nhiều việc cần phải làm để có thể thành công trong vấn đề này.

Xin cảm ơn Giáo sư!