Phát triển nghề rừng kết hợp chăn nuôi và trồng cây ăn quả

ThienNhien.Net – Cũng như nhiều địa phương khác ở Quảng Bình, việc phát triển nghề rừng một cách bài bản ở huyện Tuyên Hóa trong những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, năm 2012, với thu nhập gần 30 tỷ đồng từ nghề trồng rừng, bằng số thu ngân sách cả năm của huyện miền núi này, người dân nơi đây đã có thể sống được nhờ rừng.

Chủ tịch UBND xã Thanh Thạch Nguyễn Văn Nguyên dẫn chúng tôi đi vào một đường mòn, băng qua một con suối để đến trang trại ông Nguyễn Hồng Thơ, người sở hữu nhiều khu rừng trồng có giá trị tiền tỷ ở xứ đạo Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Thật may, chủ khu rừng keo lai đang có nhà.

Bên bàn nước, ông Thơ bộc bạch: “Năm 2000, xuất ngũ, trở về địa phương với số vốn tự có ít ỏi, tôi mạnh dạn phá khu vườn tạp để trồng rừng, lập chuồng trại chăn nuôi. Lấy ngắn nuôi dài, thu được đồng nào tôi lại đầu tư mở rộng việc chăn nuôi và trồng rừng. Năm 2005, tôi được nhận 2,5 ha đất trống đồi núi trọc để lập trang trại. Hầu hết diện tích ấy chỉ trồng các loại cây ăn quả, số còn lại trồng cây trầm dó.

Tiếp đó, gia đình mua hơn bốn ha đất đã giao khoán cho các hộ gia đình khác để trồng rừng trong thời hạn 50 năm. Sau đó tôi chuyển đổi hầu hết diện tích đất rừng sang trồng cây keo lai”. Hiện trang trại của gia đình ông có 23 con lợn nái sinh sản, 60 con lợn thịt và đàn gia cầm hơn 200 con, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Nhưng tài sản lớn nhất vẫn là bảy ha rừng trồng. Hai năm nữa khi rừng keo lai cho thu hoạch, ông sẽ có lãi khoảng 600 triệu đồng.

Ở xứ đạo Thanh Thạch, những người như ông Thơ không phải hiếm. Anh Võ Ðức Thuận, ở thôn 1 cũng là hộ điển hình. Không khoanh tay trước cuộc sống khó khăn của một gia đình đông con nhưng thiếu ruộng, năm 2000, vợ chồng anh Thuận nhận đất trồng rừng kinh tế. Những ngày đầu gian khó, thiếu thốn trăm bề, đã có lúc họ nản lòng. Nhưng rồi nghĩ đến cuộc sống túng quẫn, họ lại quyết tâm cao hơn, bền lòng hơn.

Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà gỗ khang trang, thoáng mát, anh nói vừa thu hoạch hơn 4 ha keo, thu hơn 400 triệu đồng. Ðể “chuyên nghiệp hóa” trồng rừng và khai thác rừng trồng, anh mua xe ô-tô vận chuyển, máy cắt cỏ và đầu tư mở tuyến đường vận chuyển dài hơn hai cây số từ đường cái vào tận nơi khai thác. Bây giờ, anh vận chuyển và bán gỗ rừng trồng của mình cho nhà máy tại Khu kinh tế Hòn La chứ không như ngày trước thương lái đến tận nơi thu mua với giá rẻ nữa. Bốn người con của anh chị đều được học hành tử tế. Hai cô con gái đầu đang học THPT, cô thứ ba học THCS tại trường làng.

Chị Hoàng Thị Nghĩa (vợ anh Võ Ðức Thuận) chăm sóc khu rừng trồng bốn năm tuổi của gia đình
Chị Hoàng Thị Nghĩa (vợ anh Võ Ðức Thuận) chăm sóc khu rừng trồng bốn năm tuổi của gia đình

Chúng tôi thăm trang trại của anh Ðặng Thành Văn ở thị trấn Ðồng Lê. Với bản chất cần cù, từ hơn 10 năm trước, anh Văn cùng với gia đình khai hoang 20 ha đồi hoang, vay vốn lập trang trại kết hợp chăn nuôi và trồng rừng, cây ăn quả. Ðến nay trang trại của anh có ba ha cây ăn quả với gần 500 gốc vải thiều Bắc Giang xen lẫn bưởi và cam, khu rừng keo, tràm rộng 17 ha. Anh còn đào hai ao nuôi cá, nuôi bò, dê và gia cầm. Mảnh đất hoang cằn cỗi năm nào giờ bạt ngàn mầu xanh của rừng, vườn cây ăn quả. Dưới tán cây, âm thanh rộn rã phát ra từ lục lạc của đàn bò, dê.

Anh Văn cho biết: Từ năm 2010 đến nay, trang trại đạt doanh thu 200 triệu đồng/năm, riêng năm 2012 thu từ việc khai thác rừng hơn 400 triệu đồng. Vào thời vụ, trang trại của anh giải quyết việc làm cho hơn mười nhân công với thu nhập hơn ba triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ người Kinh mà đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Hóa cũng thấy rõ lợi ích từ việc trồng rừng. Già Hồ Viên ở bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, là người đầu tiên trong bản ngăn khe, đắp suối dẫn nước về trồng lúa và nuôi cá đồng thời mạnh dạn đầu tư trồng rừng và làm giàu từ rừng.

Già Hồ Viên nói: “Thấy người dưới xuôi lên nhận đất trồng rừng mà miềng (mình) ở rừng không biết trồng cây thì buồn lắm. Làm lúa nước, nuôi con trâu, con bò và trồng rừng cây thì mới khá lên được cán bộ à!”… Nghĩ sao làm vậy nên bây giờ ông Hồ Viên được xem là người giàu nhất bản người Liềng ở miền tây Tuyên Hóa. Gia đình ông có sáu ha rừng bắt đầu thu hoạch, hơn chục con trâu, gần trăm con gà, hai ao cá rộng chừng 1.000 m2. Ông bán rừng cây, trâu bò, mua máy cày, máy xay xát phục vụ bà con. Bình quân thu nhập hằng năm của gia đình cả trăm triệu đồng.

Theo thống kê của UBND huyện Tuyên Hóa, trên địa bàn hiện có 6.655 ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai, riêng năm 2012 trồng thêm 580 ha rừng. Từ việc bán gỗ rừng trồng trong năm 2012, người dân thu được gần 30 tỷ đồng, tương đương với tổng thu ngân sách cả năm của huyện.

Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Hoàng Minh Ðề cho biết, là địa phương có thế mạnh về đất lâm nghiệp, huyện động viên và tạo điều kiện cho người dân nhận đất trồng rừng. Chủ trương này được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Những năm qua, diện tích rừng trồng tăng đáng kể, hiệu quả thu được từ trồng rừng cũng rất rõ rệt. Nhiều hộ nghèo, nay được giao đất trồng rừng đã từng bước thoát nghèo và có thu nhập khá. Về mặt xã hội, việc trồng rừng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là những hộ sống gần rừng, từ đó khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trồng rừng giúp cân bằng môi trường sinh thái, điều có ý nghĩa rất lớn đối với một địa phương vốn phải chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai như Tuyên Hóa.

Hiện nay huyện đang rà soát lại toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp để bổ sung quy hoạch phát triển trồng rừng kinh tế từ nay đến năm 2020. Trọng tâm của quy hoạch là chuyển dần diện tích đất lâm nghiệp hoang hóa, rừng nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế. Khi đó, diện tích đất trồng rừng được mở rộng, số hộ dân được giao đất trồng rừng, kết hợp chăn nuôi và trồng các loại cây ngắn ngày khác sẽ tăng lên. Ðó là giải pháp hợp lý và hiệu quả để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và làm giảm những tác động tiêu cực của người dân đối với rừng tự nhiên trên địa bàn.

Tỉnh Quảng Bình hiện có năm nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu công suất gần một triệu sản phẩm/năm. Nhiều doanh nghiệp đã có các chính sách khuyến khích người trồng rừng, tạo nguồn nguyên liệu ổn định thông qua hỗ trợ cây giống, vận chuyển… Từ đó người dân Quảng Bình nói chung, Tuyên Hóa nói riêng đã yên tâm hơn với nghề trồng rừng kinh tế, nhiều hộ đã vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu.