Thêm giả thuyết mới về khoáng chất trên Mặt Trăng

ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Geoscience ngày 26/5, những khoáng chất tìm thấy trong các hố trên Mặt Trăng có thể là phần sót lại của các tiểu hành tinh đâm vào Mặt Trăng, chứ không phải là các thành phần thuộc cấu trúc bên trong của Mặt Trăng, bị phát lộ do các vụ va chạm này gây ra, như giả thuyết trước đây.

Ảnh minh họa: lanew.org
Ảnh minh họa: lanew.org

Những khoáng chất như spinel và oviline, là thành phần chủ yếu của các thiên thạch và các tiểu hành tinh, đã được tìm thấy trên bề mặt và xung quanh vùng trung tâm của các miệng hố có đường kính khoảng 100km trên Mặt Trăng, như các hố Copernicus, Theophilus và Tycho. Các hố này hình thành do những va chạm giữa Mặt Trăng với các tiểu hành tinh hoặc sao chổi.

Tuy nhiên, trước đây, giới khoa học cho rằng những khoáng chất này chính là thành phần nằm sâu trong các lớp dưới bề mặt Mặt Trăng, bị xới lên do những vụ va chạm giữa Mặt Trăng và các tiểu hành tinh.

Trong nghiên cứu mới nhất, sau khi tiến hành mô phỏng sự hình thành các hố trên Mặt Trăng, nhóm các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ đã phát hiện ra rằng khi va chạm với tốc độ dưới 12km/giây, thì vật được phóng đi (cụ thể ở đây là cách thiên thạch hoặc tiểu hành tinh đâm vào Mặt Trăng) có thể vẫn tồn tại, mặc dù bị vỡ thành nhiều mảnh hay biến dạng.

Từ đó, nhóm nhà khoa học này kết luận rằng, một số khoáng chất lạ tìm được trong các hố trên Mặt Trăng, có thể là các mảnh vụn thiên thạch vỡ ra do vụ va chạm, và không phải là những chất có nguồn gốc từ Mặt Trăng.

Theo nhà khoa học Erik Asphaug thuộc trường đại học Arizona, nếu kết luận của nghiên cứu trên là đúng, thì có một giả thuyết khác về sự tồn tại của chất spinel trên Mặt Trăng, đó là chúng đến từ Trái Đất.

Điều này cũng dẫn đến một giả thuyết khác, rằng một ngày nào đó, chúng ta có thể tìm thấy trên Mặt Trăng những mẫu sinh vật nguyên thủy – hiện không còn tồn tại trên Trái Đất, vốn có hoạt động địa chất tích cực và tái tạo liên tục.

Khả năng tiềm tàng tìm thấy các vật chất đầu tiên của Trái Đất sẽ tạo động lực để các phi hành gia quay trở lại Mặt Trăng trong nghiên cứu đi tìm nguồn gốc của sự sống.

Không giống như vỏ Trái Đất, được tái tạo liên tục thông qua các quá trình kiến tạo bề mặt, lớp vỏ cứng của Mặt Trăng có tuổi đời hàng tỷ năm, có thể cung cấp manh mối về sự hình thành của Hệ Mặt Trời, trong đó có Trái Đất.