EITI thông qua tiêu chuẩn báo cáo mới

ThienNhien.Net – Hội đồng quản trị Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI) quốc tế đã thông qua tiêu chuẩn sửa đổi đối với báo cáo EITI. Theo đó, 39 nước tham gia EITI sẽ phải công khai nhiều thông tin hơn về ngành công nghiệp dầu khí và khoáng sản.

Không dừng lại ở việc giải trình nguồn thu từ các ngành trên, các nước tham gia EITI giờ đây sẽ phải công khai các thông tin liên quan tới giấy phép đăng ký hoạt động và chủ sở hữu giấy phép, sản lượng, phân bổ nguồn thu dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản từ trung ương đến địa phương, giao dịch giữa các công ty nhà nước và chính phủ cùng các khoản chi cho an sinh xã hội thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp.

Trước hết, giấy phép đăng ký cần liệt kê chi tiết tên công ty, địa điểm và thời gian có hiệu lực. Đặc biệt, đối với tiêu chuẩn báo cáo sửa đổi, các nước còn phải lý giải rõ trình tự cấp phép hoặc chuyển nhượng giấy phép trong thời hạn quy định và những điều khoản được áp dụng khi đấu giá giấy phép.

Tiêu chuẩn mới cũng đòi hỏi các các công ty nhà nước báo cáo nhiều thông tin hơn. Cụ thể, khi bán cổ phiếu, công ty phải công khai khối lượng bán ra và nguồn thu nhận về, các khoản chi ngân sách bất thường, việc bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước và các giao dịch tài chính với chính phủ.

Bên cạnh đó, báo cáo EITI cần bao gồm cả dữ liệu về sản lượng, yêu cầu các doanh nghiệp ở mỗi nước tham gia Sáng kiến công khai tổng khối lượng sản xuất và giá trị sản lượng hàng hóa tương ứng cũng như tổng sản lượng xuất khẩu và tương ứng là giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Chưa hết, khi áp dụng tiêu chuẩn sửa đổi, các quốc gia được khuyến khích công khai thêm thông tin liên quan đến hợp đồng và chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp. Việc công khai minh bạch hai nguồn tin này có phải yêu cầu bắt buộc trong tiến trình EITI hay không sẽ được quyết định trong vài tháng tới.

Ảnh: Shutterstock

Về những thay đổi này, ông Daniel Kaufmann, Chủ tịch Viện Giám sát Nguồn thu (RWI), bình luận: “EITI cuối cùng đã thừa nhận một thực tế: sẽ là không đủ nếu các nước chỉ tiến hành báo cáo nguồn thu đối với các ngành phức tạp như dầu mỏ, khí đốt hay khoáng sản. Việc thông qua tiêu chuẩn mới sẽ làm tăng tính hiệu quả của EITI trong giải quyết những thách thức quản trị mà các nước giàu tài nguyên đang phải đối mặt”.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 39 nước tự nguyện tham gia EITI, trong đó 23 nước đã đạt được trạng thái tuân thủ. Mới đây, Vương quốc Anh và Pháp cũng tiết lộ ý định tham gia Sáng kiến này.