Thái Nguyên vẫn còn nhiều cơ sở khai thác khoáng sản gây ô nhiễm

ThienNhien.Net – Tỉnh Thái Nguyên hiện có 143 mỏ khoáng sản được cấp giấy phép khai thác còn hiệu lực; trong đó, có 69 mỏ đang tiến hành khai thác.

Theo khảo sát của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh, tại các mỏ khoáng sản, nhiều doanh nghiệp sử dụng thiết bị khai thác lạc hậu, chưa đồng bộ nên hiệu quả khai thác, chế biến thấp, đầu tư thực hiện biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường còn hạn chế. Qua khảo sát tại các mỏ than và mỏ kim loại, môi trường nước mặt xung quanh các mỏ đã có dấu hiệu ô nhiễm, có nơi ô nhiễm trầm trọng. Điển hình như tại khu vực suối Thác Lạc (huyện Đồng Hỷ) đã bị ô nhiễm chất rắn lơ lửng; suối Nghinh Tường – Sảng Mộc (huyện Võ Nhai) cũng bị ô nhiễm chất rắn lơ lửng và ô nhiễm các yếu tố kim loại; suối Cốc (thành phố Thái Nguyên) ngoài ô nhiễm chất rắn còn bị ô nhiễm dầu mỡ.

Khai thác khoáng sản với công nghệ lạc hậu tại nhiều mỏ đã tác động xấu đến môi trường (Ảnh: ThienNhien.Net)
Khai thác khoáng sản với công nghệ lạc hậu tại nhiều mỏ gây tác động xấu đến môi trường (Ảnh: ThienNhien.Net)

Tại khu vực mỏ than Khánh Hòa (Phú Lương), Núi Hồng (Đại Từ), mỏ đá Tân Long, Quang Sơn (Đồng Hỷ), 20% số mẫu khí có hàm lượng bụi vượt quy chuẩn. Ở các mỏ sắt Trại Cau (Đồng Hỷ), An Khánh (Đại Từ), mỏ than Phấn Mễ (Phú Lương)…, ngoài những tác động xấu đến môi trường còn gây ra tình trạng sụt lún đất, mất nước, sạt lở bãi đổ thải, hư hỏng đường giao thông do vận chuyển quá tải trọng, ô nhiễm bụi do rơi vãi đất đá, bùn thải xuống đường trong quá trình vận chuyển.

Một số điểm mỏ, nhất là các điểm mỏ vàng không quản lý tốt để xảy ra khai thác trái phép thường có tình trạng sử dụng một số loại hóa chất độc hại, xả trực tiếp ra môi trường…

Qua kiểm tra của Sở Tài nguyên – Môi trường, từ năm 2008 đến nay, 100% các dự án đầu tư khai thác khoáng sản đều được lập thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như cam kết bảo vệ môi trường và dự án cải tạo, phục hồi môi trường. Tuy vậy, trong số 143 giấy phép, mới có 65 mỏ có báo cáo tác động môi trường được phê duyệt, 78 mỏ có cam kết bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền được phê duyệt, 82 mỏ thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường. Đáng lưu ý, trong số 65 mỏ được phê duyệt báo cáo tác động môi trường hiện chí có 6 mỏ được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; trong số 30 mỏ có phát sinh nước thải trong quá trình khai thác, chế biến nhưng chỉ có 11 mỏ kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải…

Trước thực tế này, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại các cơ sở, doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, xử lý vi phạm ở 145 lượt cơ sở, doanh nghiệp với số tiền thu phạt trên 2,2 tỷ đồng; đôn đốc các mở xây dựng kho lưu trữ và đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại ở khu vực mỏ than Khánh Hòa, mỏ than Núi Hồng, mỏ sắt Trại Cau, qua đó, một số chỉ tiêu ô nhiễm đã được kiểm soát. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp chưa khắc phục những tồn tại về bảo vệ môi trường như tại mỏ Titan Cây Châm (Phú Lương).

Do vậy, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các ngành chức năng tập trung kiểm tra chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các mỏ khai thác khoáng sản có nguy cơ gây ô nhiễm lớn; chỉ cho phép các doanh nghiệp chính thức khai thác khi đã hoàn thành đầy đủ các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường; đôn đốc các mỏ nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý ô nhiễm; lập dự án khắc phục ô nhiễm môi trường xung quanh các mỏ bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó ưu tiên khu vực có nhiều mỏ kim loại, mỏ than khu vực huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương và Đại Từ.