Pháp luật vụ án “hủy hoại rừng” ở huyện Lâm Hà, Lâm Đồng – Kỳ 1

Kỳ 1: Những con số… nhảy múa!

ThienNhien.Net – Không phải ngẫu nhiên, phiên tòa sơ thẩm vụ án “hủy hoại rừng”diễn ra vào ngày 3.6 vừa qua, tại TAND huyện Lâm Hà, đã buộc phải hoãn xét xử. HĐXX đã trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, bổ sung chứng cứ. Đây là lần thứ 2, cơ quan điều tra phải xác minh bổ sung, nhằm củng cố chứng cứ trong vụ án này. Tuy nhiên, có quá nhiều dấu hiệu bất thường xung quanh vụ án, dường như đặt các cơ quan luật pháp huyện Lâm Hà vào thế khó…

Kích thước đường kính gốc cây mà cơ quan điều tra dùng kết tội bị can luôn biến hóa, không khớp với thực tế, diễn biến sự việc.
Kích thước đường kính gốc cây mà cơ quan điều tra dùng kết tội bị can luôn biến hóa, không khớp với thực tế, diễn biến sự việc.

Số thủ phạm phá rừng biến thiên…

Như báo Lao Động số ra ngày 5.6 đưa tin, các cơ quan luật pháp ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Phạm Văn Tài (SN 1990, thường trú thôn 2, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) về tội “hủy hoại rừng”, theo điều 189 – Bộ Luật Hình sự. Phạm Văn Tài đã bị bắt tạm giam hơn 7 tháng, song, qúa trình thực hiện tố tụng của các cơ quan liên quan đã cho thấy, có quá nhiều bất cập,  không đúng thực tế, xuất hiện nhiều mâu thuẫn giữa các lời khai và tài liệu trong vụ án. Trong đó, dễ thấy nhất là những con số luôn… nhảy múa, biến hóa qua các văn bản một cách vô căn cứ.

Trước hết, con số đương sự tham gia chặt hạ cây rừng mà tổ công tác Ban quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh bắt quả tang lúc 14 giờ 30 ngày 24.4.2015. Ông Hoàng Như Thanh – cán bộ Ban chỉ huy quân sự huyện Lâm Hà – khai “bắt giữ 6 đối tượng; trong đó có 1 người kinh (tức Phạm Văn Tài)  và 5 người là đồng bào dân tộc”.Ông Nông Đức Hạnh – Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) xã Phúc Thọ – khai: “phát hiện bắt quả tang 6 người”. Tương tự, ông Trần Trịnh Minh Đăng – cán bộ tiểu khu – khai bắt quả tang 6 người.

Kết tội bị can dùng dao phát cỏ hoặc cưa tay để hạ những cây rừng có đường kính 45 - 54cm, nhưng hiện trường lại thể hiện vết cưa máy và gốc cây bị cưa đã rất lâu, mục ruỗng, thân cây không còn...
Kết tội bị can dùng dao phát cỏ hoặc cưa tay để hạ những cây rừng có đường kính 45 – 54cm, nhưng hiện trường lại thể hiện vết cưa máy và gốc cây bị cưa đã rất lâu, mục ruỗng, thân cây không còn…

Ông Hồ Nghĩa Nam – cán bộ Trạm QLBVR Phúc Thọ – lúc đầu khai “chúng tôi bắt quả tang 7 người…”, nhưng về sau lại khai chỉ có “ông Tài và 5 người đồng bào dân tộc”. Trong khi đó, quá trình xác minh vụ án, lời khai của những người dân tộc trực tiếp chặt phá rừng đều khai tổng cộng có 9 người tham gia (trong đó có Phạm Văn Tài và 8 người dân tộc).Và cuối cùng, con số này chốt lại tại các văn bản của cơ quan xử lý vụ việc cũng không thống nhất: Hạt Kiểm lâm Lâm Hà (6 người), Cơ quan CSĐT (8 người) và Viện KSND huyện Lâm Hà (9 người).

Vấn đề đặt ra, tại sao vụ vi phạm chặt phá rừng được bắt quả tang, nhưng tổ công tác lại không lập biên bản, không ghi nhận họ tên, tuổi, địa chỉ thường trú, lai lịch nhân thân… của những người vi phạm ? Hệ quả là sau này, con số thủ phạm phá rừng biến thiên… vô chừng. Liệu những cái tên mới bổ sung vào danh sách người phá rừng sau này, đúng là thủ phạm phá rừng, hay nhằm động cơ “hội đồng” đổ tội bằng được cho một người là Phạm Văn Tài ?

 Thực tế cho thấy, dao phát cỏ chỉ chặt được những cây chồi nhỏ như thế này... 
Thực tế cho thấy, dao phát cỏ chỉ chặt được những cây chồi nhỏ như thế này…

Số diện tích rừng, số lâm sản “thiệt hại” cũng…biến hóa

Về con số diện tích rừng, số lâm sản bị thiệt hại cũng hết sức… đa dạng! Tại “Bản mô tả chi tiết” số 05417/MTCT-VP, do Trạm QLBVR Phúc Thọ lập ngày 24.4.2015, thể hiện  diện tích rừng bị thiệt hại là 5.800 m2. Khối lượng lâm sản bị thiệt hại là 5,57 m3; trong đó, khối lượng gỗ tròn còn lại tại hiện trường là 2,92 m3 và khối lượng gỗ bị mất là 2,65 m3.

Sau này, khi Công an huyện Lâm Hà vào cuộc xác minh, những con số trên đã đột ngột tăng vọt. Cụ thể: Diện tích rừng bị thiệt hại là 6.742 m2, thiệt hại lâm sản 119,33 m3 và giá trị thiệt hại hơn 245,2 triệu đồng (?). Cáo trạng của Viện KSND huyện Lâm Hà thì giảm khối lượng lâm sản bị thiệt hại xuống còn 97,08 m3 và giá trị thiệt hại là 151,5 triệu đồng. Vậy đâu là con số phản ảnh đúng thực tế ?

Ngoài ra, con số thể hiện đường kính cây rừng tại hồ sơ vụ án, nhằm làm chứng cứ kết tội Phạm Văn Tài cưa, chặt hạ cây rừng cũng … biến hóa, giảm – tăng chóng mặt. Các đối tượng dân tộc khai, họ chỉ chặt những cây nhỏ từ 7 – 10 cm, Tài dùng cưa tay cưa cây khoảng 15 – 20 cm. Tuy nhiên, tại các biên bản xác định vị trí, khám nghiệm hiện trường, con số gốc cây bị đưa vào thuộc diện bị nhóm của Tài chặt hạ, ngoài những gốc cây có số đường kính trên, còn có những gốc cây mà đường kính lên tới 17 cm, 27cm, 45,5cm và thậm chí là 54cm.v.v…

 Một góc tiểu khu 253, Ban quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh, nơi xảy ra vụ án "hủy hoại rừng" 
Một góc tiểu khu 253, Ban quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh, nơi xảy ra vụ án “hủy hoại rừng”

Mặc dù cuối cùng, cáo trạng kết luận “Tài đã chỉ cho những người đồng bao dân tộc chặt hạ những cây rừng có đường kính khoảng từ 15cm đến 20cm, cao khoảng 6m, Tài cũng cầm cưa tay để cưa hạ cây rừng”; tuy nhiên, trong “Bảng tính khối lượng lâm sản thiệt hại…” (97,08m3) – chi tiết hết sức quan trọng để kết tội bị can “hủy hoại rừng” –  Ban quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh lại đưa cả những cây rừng “khủng”, có đường kính vượt con số mà Viện KSND huyện Lâm Hà kết luận, gồm các loại cây có đường kính 25cm, 27cm và 45,5cm, với chiều dài không còn 6m mà tăng vọt lên 6,8m, 9,1m, 10,84m và 14,7m.

Chính những con số biến hóa theo chiều hướng tăng vọt này, không biết vô tình hay có chủ ý, người ta đã gia tăng khối lượng và giá trị lâm sản bị thiệt hại lên rất nhiều, để khép tội bị can Phạm Văn Tài vào khung “hủy hoại rừng”. Thế nhưng, sự xuất hiện những gốc cây “khủng”có đường kính 27 – 45,5cm lại cho thấy dấu hiệu bất thường, phi lý; bởi để chặt hạ những gốc cây ấy, thì cưa tay và dao phát cỏ là không thể chặt hạ được.v.v…

Vụ án “hủy hoại rừng” tưởng rằng đơn giản; thế nhưng, như Hạt Kiểm lâm Lâm Hà thừa nhận tại văn bản số 60/KL-TTPC, ngày 22.5.2015: “Quá trình phát hiện và lập hồ sơ vi phạm ban đầu về hành vi phá rừng… thiếu chặt chẽ, không kịp thời và đầy đủ theo quy định, trong đó có 5 đối tượng là đồng bào dân tộc…cùng tham gia…, nhưng không lập hồ sơ vi phạm, tự ý cho về, không xác định họ, tên, tuổi, nơi thường trú, từ đó gây khó khăn cho việc điều tra, xác định làm rõ đối tượng vi phạm”.