Đổ thuốc trừ sâu dẹp “vàng tặc”

ThienNhien.Net – Bất lực trước nạn đào đãi vàng trái phép, UBND xã Xuân Chinh (Thường Xuân, Thanh Hóa) bèn mua thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu đổ xuống hầm vàng để xua “vàng tặc”!

Tôi đến các bãi đào đãi vàng ở đại ngàn Cụt Ặc và Tú Tạo (xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) khi nắng nóng đang vào mùa đỉnh điểm. Sau gần 20 km chạy xe máy cộng thêm khoảng 6 km cuốc bộ, tôi vào đến khu vực đào đãi vàng ở Hón Chuối, Hón Lẹ (giáp với Nghệ An). Nhưng ở đây không một bóng người, chỉ thấy vài ngôi nhà sàn lụp xụp vắng tanh của người Thái làm nương. Tìm đến một nhà sàn ven sông, tôi gặp được một người đàn ông chừng 50 tuổi, răng đen như than, mặt mày dữ tợn, nói ông ổng: “Muốn đi làm vàng thì quay lại Tú Tạo, ở đây không nhận người lạ”.

Đột nhập hầm vàng 

Trở lại Cụt Ặc, tôi được ông Vi Văn Tường, Bí thư chi bộ thôn Cụt Ặc, dẫn tôi vượt sông, qua những cung đường đất đá lởm chởm rồi ngược lên rừng nứa, tre ngút ngàn. Ông Tường cho biết hiện “vàng tặc” vẫn đang ngày đêm tìm cách qua mắt chính quyền để đào đãi vàng trái phép. “Dân “vàng tặc” từ Nghệ An, Ninh Bình, Thái Nguyên đến Cụt Ặc, Tú Tạo thuê người địa phương đào đãi vàng, làm phu cho các “đầu nậu”. Đã có thời dân ở đây ăn ngủ gì cũng nghĩ tới vàng, gặp nhau là hỏi chuyện đi đào vàng, thậm chí họ đánh nhau chí chóe vì tranh giành bãi đào đãi vàng” – ông Tường kể.

Sau gần 2 tiếng đồng hồ lội bộ qua những rừng nứa u tịch, hoang vu, những hầm đào vàng hiện ra trước mắt. Thấy có người lạ, những người đào đãi vàng ngừng tay nhìn chằm chằm. Do thấy người lạ đi cùng với ông Tường nên dường như mọi người yên tâm và tiếp tục công việc dưới cái nắng hầm hập trên 40 độ. Mồ hôi nhễ nhại, quần áo ướt đẫm, một người gằn giọng: “Vào đây làm gì? Có bao nhiêu vàng bị lấy đi hết rồi, chúng tôi chỉ đi mót lại thôi”.

Ông Vi Văn Tường, Bí thư chi bộ thôn Cụt Ặc (xã Xuân Chinh), nói có thể phu vàng vẫn đang khai thác dưới hầm vàng này
Ông Vi Văn Tường, Bí thư chi bộ thôn Cụt Ặc (xã Xuân Chinh), nói có thể phu vàng vẫn đang khai thác dưới hầm vàng này
Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh Cầm Bá Nhang với những lọ thuốc trừ sâu dùng để dẹp “vàng tặc”
Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh Cầm Bá Nhang với những lọ thuốc trừ sâu dùng để dẹp “vàng tặc” 

Đi ngược lên phía trên, sau những cung đường được che chắn rất kỹ bằng hàng trăm cây nứa, cây luồng, một hầm vàng xuất hiện với những vết tích đào bới, vận chuyển còn mới nguyên. Cửa hầm rộng khoảng 2 m2, được che chắn bằng những tấm đan và lấp đất phía ngoài. Ông Tường cho biết ở Tú Tạo có khoảng bốn hầm đã bị lực lượng chức năng dùng mìn đánh sập cách đây chưa lâu, còn hầm vàng này có lẽ mới phát sinh.

Biện pháp cuối cùng 

Theo ông Tường, để qua mắt cơ quan chức năng, dân đào vàng đào hầm dài khoảng 70-80 m theo hình xương cá. Sau đó một số người lấp đất phía ngoài, chỉ để hở cửa hang rộng chừng vòng tay. Nhìn thấy miệng hầm như vậy, cơ quan chức năng sẽ không ngờ dưới hang sâu phía trong vẫn đang có người khoét núi tìm vàng. Nếu phát hiện có người lạ, “tai mắt” của họ sẽ thông tin và “vàng tặc” sẽ thoát trong nháy mắt. Quả thật, khi chúng tôi có mặt tại đây, những “đầu nậu”, phu vàng sừng sỏ đã biến mất. Ông Tường khẳng định qua những vết tích còn để lại.

Ông Cầm Bá Nhang, Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh, thở dài: “Nhiều năm nay tôi đã kiến nghị lên cấp trên tìm biện pháp để dẹp nạn này. Riêng ở xã cứ xử lý điểm này thì điểm khác lại chòi ra nên không kiểm soát hết được. Hễ vắng bóng lực lượng canh giữ là người dân ở các nơi lại kéo đến khoét núi tìm vàng”.

Ông Nhang kể ở Tú Tạo có hai hầm dài 80 m, khi vào bên trong không hề có một giá đỡ nào. “Nếu sập xuống thì chết cả lũ, mình lại phải chịu trách nhiệm kiểm điểm. Mới đây, chúng tôi đã phối hợp với các cấp đánh sập hai hầm vàng nhưng xem ra tình trạng đào đãi vàng vẫn xảy ra, có lúc lén lút, có lúc gần như công khai. Tôi thật sự đã quá mệt mỏi vì vàng rồi. Cứ lo đi dẹp “vàng tặc” quanh năm suốt tháng không làm được việc khác”.

Hy vọng một ngày đổi đời với vàng
Hy vọng một ngày đổi đời với vàng
Một phu vàng đang tranh thủ ngủ lấy sức
Một phu vàng đang tranh thủ ngủ lấy sức

Khi đã hết cách đối phó với “vàng tặc”, UBND xã Xuân Chinh bèn mua thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu về… đổ vào hầm vàng để dẹp nạn “vàng tặc”. “Tôi cho người đổ thuốc vào bên trong hầm vàng, mùi thuốc sâu bốc lên nồng nặc. Hy vọng dân đào vàng sẽ sợ mà không dám vào. Đây là cách đối phó cuối cùng, không biết cách này có dẹp nổi nạn “vàng tặc” nữa hay không!” – ông Nhang nói.

Khi chúng tôi đến UBND xã Xuân Chinh, ông Nhang cho biết xã vừa mới mua thêm năm lọ thuốc trừ sâu để… đổ vào các hầm vàng!

“Nên khảo sát để khai thác” 

Bà Lê Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, khẳng định: “Hiện nay tình hình đào đãi vàng trái phép ở địa phương diễn ra rất phức tạp, không chỉ có người trong bản mà có cả những người ngoài tỉnh vào khai thác. Chúng tôi chỉ có thể hạn chế tình trạng đến mức thấp nhất”.

Theo báo cáo của UBND huyện Thường Xuân, huyện này đã cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đánh sập hầm khai thác vàng sa khoáng trái phép tại khu vực Hón Chuối (thôn Tú Tạo, xã Xuân Chinh); đến nay việc khai thác vàng trái phép đã được ngăn chặn. Tuy nhiên, với những gì chứng kiến ở xã Xuân Chinh, rõ ràng tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn chưa hề chấm dứt như báo cáo của huyện. Khi được chất vấn, bà Hường nói: “Nếu có tình trạng đó chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay. Còn việc báo cáo lên UBND tỉnh là đúng ở thời điểm đó, không phải chúng tôi báo cáo sai sự thật”.

Cũng theo bà Hường, để dẹp được nạn vàng tặc, UBND tỉnh Thanh Hóa nên cho khảo sát, đánh giá cụ thể trữ lượng vàng để cho khai thác theo quy định pháp luật. “Đây là cách tốt nhất để tránh tình trạng khai thác trái phép diễn ra phức tạp, gây áp lực nặng nề lên địa phương” – bà Hường nói.

Người Trung Quốc lai vãng dò vàng

Ông Vi Văn Tường, Bí thư chi bộ thôn Tú Tạo, xã Xuân Chinh (Thường Xuân, Thanh Hóa), kể: “Trước đây có một số người Trung Quốc lén lút đến Xuân Chinh để thăm dò khai thác vàng, thậm chí họ còn vẽ bản đồ mô tả hẳn hoi nơi nào có vàng. Năm 2010, chính quyền địa phương đã thu được bản “báo cáo thăm dò sơ bộ mỏ vàng Tú Tạo” được viết bằng chữ Trung Quốc”.

Bà Lê Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, xác nhận trước đây huyện từng tìm thấy và thu giữ tấm bản đồ, báo cáo bằng tiếng Trung Quốc như thế.