Giải quyết triệt để việc công ty thép gây ô nhiễm

ThienNhien.Net – Nhiều năm qua, người dân sống quanh khu vực Công ty Cổ phần thép Hưng Thịnh, thuộc Khu Công nghiệp Đồng Văn, Duy Tiên (Hà Nam) bức xúc vì cho rằng cơ sở sản xuất này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Họ đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cấp, các ngành hữu quan về tình trạng ô nhiễm, thậm chí dựng lều, mắc võng trước cổng Công ty nhằm phản đối hoạt động gây ô nhiễm của Công ty, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tại khu vực ngõ 134, phố Nguyễn Hữu Tiến, thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, một con ngõ nằm sát tường rào xưởng sản xuất thép của Công ty Cổ phần thép Hưng Thịnh, có 27 hộ dân cùng sinh sống. Toàn bộ các hộ này đều cho rằng quá trình sản xuất phôi thép của nhà máy đã ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Từ đó họ đã có những phản ứng gay gắt, từ việc tập trung đông người, đến làm đơn kiến nghị gửi tới các cấp, ngành chức năng.

Bà Nguyễn Thị Loan cầm trên tay hàng chục chiếc khẩu trang, bức xúc cho biết, nhà có 4 người mà phải có ngần này cái khẩu trang để đeo vào mỗi khi nhà máy sản xuất, bởi khói bụi và mùi nồng nặc. Cũng với tâm trạng bức xúc, bà Nguyễn Thị Chiến, một công dân của ngõ 134 cho biết, có những đêm đang ngủ nghe tiếng rầm rầm như sấm khiến cả ngõ tỉnh giấc. Những người trong độ tuổi lao động đều đi làm suốt ngày, nên đối tượng phải chịu đựng sự ô nhiễm thường xuyên chính là những người lớn tuổi và trẻ nhỏ.

Ảnh minh họa: avc-crane.com
Ảnh minh họa: avc-crane.com

Công ty Cổ phần thép Hưng Thịnh đưa nhà máy sản xuất phôi thép vào hoạt động từ năm 2005. Người dân tại ngõ 134 cho biết, kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động, cuộc sống của họ gần như bị đảo lộn do tiếng ồn và khói bụi. Trước thực trạng này, chính quyền và ngành chức năng, cụ thể là Ban Quản lý Khu công nghiệp (BQLKCN) tỉnh Hà Nam cùng Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nam đã nhiều lần vào cuộc, đo kiểm và đánh giá tác động môi trường của nhà máy.

Cuối năm 2010, UBND tỉnh Hà Nam đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất, lấy mẫu đo các chỉ tiêu môi trường. Kết quả cho thấy công ty đã vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, cụ thể các tiêu chí về tiếng ồn, bụi đều vượt các quy định bảo vệ môi trường từ 1,2 đến 1,56 lần. UBND tỉnh Hà Nam đã yêu cầu Công ty Cổ phần thép Hưng Thịnh cam kết các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường với các biện pháp đề ra như: Quản lý nghiêm túc, chặt chẽ các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vận hành liên tục các công trình, thiết bị xử lý môi trường, trồng thêm dải cây xanh, nghiêm túc giám sát môi trường…

Ông Trần Xuân Dưỡng, Trưởng BQLKCN Hà Nam cho biết, để thực hiện những cam kết về bảo vệ môi trường, cuối năm 2011 Công ty Cổ phần Thép Hưng Thịnh đã đưa vào hoạt động hệ thống thu gom bụi, hệ thống quạt trị giá gần 5 tỷ đồng, do đó tình trạng ô nhiễm môi trường đã được cải thiện đáng kể. Ông Dưỡng cũng cho biết, trong các lần đo kiểm các chỉ tiêu bảo vệ môi trường theo quy định gần đây, các chỉ tiêu đều đảm bảo thấp hơn mức quy định.

Trước sự phản ứng gay gắt của người dân, UBND tỉnh Hà Nam cũng đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành những quy định của pháp luật và thực hiện các văn bản của địa phương về phát triển công nghiệp, giám sát quá trình sản xuất, quá trình bảo vệ môi trường của Công ty Cổ phần thép Hưng Thịnh.

Ông Đỗ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Văn cho biết, chính quyền thị trấn liên tục nhận được các kiến nghị của người dân ngõ 134 phố Nguyễn Hữu Tiến về tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty Cổ phần thép Hưng Thịnh gây ra. Bất kể ngày cũng như đêm, khi có ý kiến của người dân, chính quyền địa phương đều khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng có mặt để giải quyết.

Gần đây nhất, 8 giờ sáng ngày 9/5, nhận được ý kiến phản ánh của người dân, UBND thị trấn đã cùng với cán bộ Phòng TN&MT huyện Duy Tiên, Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, BQLKCN tỉnh Hà Nam tiến hành đo kiểm môi trường. Tuy nhiên, thời điểm đoàn công tác có mặt tại hiện trường thì không ghi nhận được sự ô nhiễm nào. Trong khi đó đại diện người dân ngõ 134 lại cho rằng, thời điểm đoàn công tác có mặt, Công ty không hoạt động hết công suất, hoặc không xả bụi nên việc đo kiểm không chính xác.

Người dân còn phản ánh, mặc dù Công ty đã cam kết không hoạt động vào ban đêm, chỉ hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày nhưng từ 4 giờ sáng đã nghe những tiếng rầm rầm trong nhà máy, khiến người dân không thể ngủ được. Người dân nhiều lần kiến nghị di dời nhà máy đến địa điểm khác, hoặc tạo điều kiện cho người dân đến nơi khác ở.

Trước thực tế này, BQLKCN tỉnh Hà Nam đã cử cán bộ thường trực tại KCN Đồng Văn nhằm giám sát chặt chẽ hoạt động cũng như việc thực hiện cam kết của Công ty Cổ phần thép Hưng Thịnh trong việc bảo vệ môi trường. Nhưng Công ty Cổ phần thép Hưng Thịnh cho rằng, việc sản xuất vào ban ngày rơi vào thời gian cao điểm sử dụng điện nên gây nhiều khó khăn, cũng như đội chi phí sản xuất của nhà máy lên rất nhiều.

Nhằm tìm ra hướng giải quyết vụ việc, BQLKCN tỉnh Hà Nam kiên trì vận động doanh nghiệp di dời đến địa điểm khác và tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách, về quỹ đất, tiền thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng… Công ty Cổ phần thép Hưng Thịnh cũng đã tính đến phương án di dời nhà máy đến địa điểm khác, tuy nhiên để di dời nhà máy chi phí lên đến 20 tỷ đồng, cũng là một khó khăn không nhỏ đối với tình hình tài chính hiện tại của công ty. Do đó, việc di dời nhà máy mới chỉ là chủ trương còn để thực hiện cần phải có thời gian.

Như vậy, người dân tại ngõ 134 phố Nguyễn Hữu Tiến vẫn còn phải sống trong cảnh ô nhiễm mà chưa có lời giải thỏa đáng.