Phơi nhiễm chất độc da cam tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt

ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới tại Mỹ đã phát hiện ra rằng những cựu chiến binh từng tiếp xúc với chất độc màu da cam được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn những cựu chiến binh khác.

Theo nghiên cứu trên thì trung bình những người từng làm nhiệm vụ tại khu vực nhiễm loại thuốc diệt cỏ này bị chẩn đoán mắc ung thư sớm hơn 5 năm so với những người khác.

Chất độc da cam mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam để lại hậu quả không chỉ cho người Việt Nam mà còn cho cả những cựu chiến binh Mỹ (Ảnh: Combat Monsanto)
Chất độc da cam mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam để lại hậu quả không chỉ cho người Việt Nam mà còn cho cả những cựu chiến binh Mỹ (Ảnh: Combat Monsanto)

Để tìm ra mối liên hệ giữa chất độc màu da cam với căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt, nhóm nghiên cứu gồm nhà niệu học TS. Mark Garzotto và các đồng nghiệp thuộc Trung tâm Y tế Cựu chiến binh Portland (Oregon, Mỹ) đã tiến hành phân tích bệnh án của 2.720 cựu chiến binh từng làm xét nghiệm sinh thiết tuyến tiền liệt tại đây.

Qua tìm hiểu của nhóm nghiên cứu, cứ 13 người trong số này lại có 1 người từng tiếp xúc với chất độc màu da cam trong chiến tranh Việt Nam. 1/3 số cựu chiến binh này bị chuẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt, trong đó khoảng một nửa mắc ung thư tiền liệt tuyến tăng triển (aggressive) và tiến triển nhanh (fast-growing).

Sau khi xem xét về độ tuổi, chủng tộc, cân nặng và tiền sử mắc ung thư của gia đình các cựu chiến binh, nhóm kết luận những người từng tiếp xúc với chất độc màu da cam có nguy cơ mắc các dạng ung thư tiền liệt tuyến cao hơn 52% so với những người không bị phơi nhiễm.

Xét riêng từng loại ung thư, nghiên cứu cho thấy loại thuốc diệt cỏ này không có liên hệ với nguy cơ gia tăng các dạng ung thư tiến triển chậm, cấp độ thấp (slower-growing, low-grade). Song, nó lại gây nguy cơ mắc các bệnh ung thư tăng triển cao hơn 75% .

Tuy nhiên, TS. Arnold Schecter thuộc trường Đại học Y tế Cộng đồng Texas (Dallas, Mỹ) cho rằng nghiên có thiếu xót  khi chỉ hỏi các cựu binh xem họ có tiếp xúc với chất độc da cam hoặc có phục vụ trong vùng chất diệt cỏ này được rải xuống hay không, trong khi chỉ một tỷ lệ tương đối nhỏ những người tiếp xúc nhiều với chất độc màu da cam được xét nghiệm có nồng độ đi-ô-xin trong máu.

TS. Gregory Merrick, Giám đốc Trung tâm Ung thư Schiffler – Bệnh viện Wheeling (Tây Virginia, Mỹ) cũng đồng ý đây là một hạn chế của nghiên cứu, tuy nhiên cũng cho biết kết quả nghiên cứu phù hợp với các nghiên cứu trước đó và nhận định chung về tác động của loại hóa chất này.

Chất độc màu da cam là loại thuốc diệt cỏ quân đội Mỹ sử dụng để rải lên những cánh rừng, chủ yếu ở miền Nam, trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Theo ước tính của Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, loại hóa chất độc hại này đã làm tổn thương sức khỏe của khoảng 1 triệu người Việt Nam, thậm chí những tổn thương ấy còn di truyền qua nhiều thế hệ mà không cách nào ngăn chặn được.