Đập kiểm soát lũ – chỉ là lời hứa suông

ThienNhien.Net –  Lâu nay các con đập vẫn khoác lên mình chức năng “điều tiết dòng chảy”, “kiểm soát lũ” nhưng trong nhiều trường hợp thực tế lại chứng minh điều ngược lại: đập không thể kiểm soát lũ mà thậm chí còn có thể làm trầm trọng thêm tác động của lũ. Trích đoạn chương 5 của cuốn sách Silenced Rivers: The Ecology and Politics of Large Dams dưới đây của tác giả Patrick McCully, nhà môi trường học người Mỹ, giám đốc điều hành Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, sẽ lý giải điều này.

Hoa Kỳ đã tiêu tốn hàng tỷ USD vào việc xây đê, đập chống lũ. Tuy nhiên tổn thất do lũ lụt ở Hoa Kỳ từ năm 1937, khi Đạo luật liên bang đầu tiên về kiểm soát lũ lụt được thông qua, còn lớn lơn gấp đôi khoản tài chính đầu tư kiểm soát lũ. Số người chết do lũ lụt mỗi năm không hề giảm trong khi thiệt hại tài sản do lũ nửa đầu thập niên 1990 trung bình khoảng 3 tỷ USD/năm.

Điều đáng nói là đây không phải câu chuyện của riêng Hoa Kỳ. Xu hướng gia tăng đầu tư vào kiểm soát lũ lụt đi kèm với thực tế gia tăng tổn thất do lũ lụt có thể thấy ở khắp nơi trên thế giới. Ấn Độ đã tiêu tốn gần 1 tỷ USD vào xây đê, kè và nhiều tỷ USD vào xây đập trong giai đoạn 1953-1980. Tuy nhiên diện tích đất trồng trọt bị ảnh hưởng và tổn thất do lũ lụt của Ấn Độ cũng gia tăng đáng kể trong giai đoạn này.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến tổn thất từ lũ lụt ngày càng gia tăng như phá rừng, sự suy thoái và đô thị hóa của các lưu vực sông, biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nguyên nhân chính đằng sau những thiệt hại gia tăng khắp nơi trên thế giới là do đập và đê kè đã tạo ra cảm giác an toàn giả tạo.

[quote]“Mỗi luận điệu mà người ủng hộ đập lớn đưa ra để tô hồng cho nó luôn tồn tại song song một sự phản bác rõ ràng, thực tế và đầy tính minh họa.”Elmer T.Peterson trong Big Dam Foolishness[/quote]

Trong khi đó, người dân vẫn được khuyến khích định cư trên các đồng bằng ven sông, gánh chịu nhiều rủi ro lũ lụt nếu không có biện pháp kiểm soát lũ và khu vực đồng bằng chưa phát triển. Hơn nữa, khi lượng trầm tích tích tụ trong thân đập ngày càng nhiều thì khả năng trữ nước lũ của đập cũng giảm theo thời gian và nguy cơ các đồng bằng ven sông phải chịu thiệt hại do lũ cũng theo đó gia tăng.

Các giải pháp công trình trong kiểm soát lũ như đê, đập mặc dù có thể “hóa giải” các cơn lũ “bình thường” hàng năm song lại cũng có thể làm trầm trọng mức độ tàn phá của những cơn lũ lớn. Bởi lẽ, việc ngăn sông và nắn dòng của các bờ đê khiến lưu lượng và tốc độ dòng chảy của con sông tăng, gia tăng khả năng gây thiệt hại cho hạ lưu.

Việc kè bờ, đắp đê cũng khiến lòng sông bị nâng lên do phải trữ thêm trầm tích. Bờ đê kè theo đó cũng phải điều chỉnh cao hơn, không chỉ gây tốn kém mà còn khiến mực nước sông cao hơn vùng đồng bằng xung quanh. Điều này có thể khiến một trận lũ lớn đột ngột có thể trở nên vô cùng nghiêm trọng nếu đê vỡ.

Một hồ chứa có dung lượng phù hợp có thể giảm nhẹ lũ ở hạ nguồn sau những trận mưa lớn. Tuy nhiên các con đập rất lớn có dung lượng ảnh hưởng đến lũ trên một dòng sông lớn lại thường là các dự án đa mục tiêu và các áp lực về kinh tế và chính trị khiến các đập này ưu tiên việc giữ nước trong hồ chứa ở mức phát điện tối đa hơn là dành sức chứa cho nước lũ. Trong trường hợp này, rủi ro cho cộng đồng sống dưới con đập là vô cùng nghiêm trọng khi xảy ra sự cố đập.

Lũ sau khi sự cố vỡ đập ở Thanh Hóa do ảnh hưởng của cơn bão số 10 (Ảnh: Vietnamnet)
Lũ sau sự cố vỡ đập ở Thanh Hóa do ảnh hưởng của cơn bão số 10 vừa qua (Ảnh: Vietnamnet)

Tình huống xả nước ở mức cao của một số đập thủy điện lớn có thể tăng tổn thất trong mùa lũ thông thường và đồng thời gây ra ngập bất thường. Đơn cử, theo nghiên cứu của Ủy ban Khoa học và Nghiên cứu Kỹ thuật Quốc gia Argentina, đợt xả nước ở đập Itaipú của nước này đã gây ra những trận lụt “đều đặn và đôi khi là khủng khiếp”. Đập Salto Grande với công suất 1890MW trên sông Uruguay giữa hai quốc gia Argentiana và Uruguay cũng được xây dựng với mục đích kiểm soát lũ lụt nhưng từ khi đập vận hành, lũ lại gia tăng gây thiệt hại lớn cho lưu vực hạ nguồn ở Uruguay.

Vô số trường hợp đã ghi nhận lũ lụt thậm chí đã khủng khiếp hơn khi các nhà vận hành đập giữ nước lại khi hồ chứa đầy và sau đó, khi mưa vẫn tiếp tục, họ buộc phải mở cửa xả ở mức tối đa để bảo vệ đập. Chẳng hạn, đập Hirakud của Ấn độ được xây dựng với danh nghĩa kiểm soát lũ song tần xuất những trận lũ lớn ở đồng bằng Mahanadi giai đoạn 1960-1980 trên thực tế đã nhiều hơn gấp 3 lần trước khi con đập được xây dựng. Và tháng 9/1980, con đập này đã khiến hàng trăm người dân phải bỏ mạng sau khi xả nước đột ngột làm vỡ đê ở hạ nguồn.

Rất nhiều trận lũ chết người khác ở Ấn Độ cũng đã xảy ra do đập xả lũ đột ngột. Năm 1978, gần 65.000 người ở Punjab đã bị mất nhà cửa do đập Bhakra xả lũ, làm trầm trọng hóa mức độ tàn phá của lũ lụt.

Nửa triệu người dân sống ở Sacramento, thủ phủ tiểu bang California (Mỹ) đã thoát khỏi thảm họa trong gang tấc vào năm 1986 khi đập Folsom xả nước khiến các con đê bảo vệ thành phố mấp mé tràn bờ. Dữ liệu vận hành đập Folsom sau đó cho thấy các nhà vận hành đập đã bỏ qua quy trình vận hành của chính họ, cho phép nước lũ chảy vào đầy hồ chứa trong 36 giờ sau đó bỗng nghiên tăng lượng xả vượt ngoài công suất thiết kế tối đa khi sự an toàn của đập bị đe dọa.

Trong một số trường hợp, luận điệu cho rằng đập sẽ giúp giảm lũ chỉ đơn thuần là chiến thuật hòng làm sai lệch các phân tích về chi phí và lợi ích. Một báo cáo của tiểu ban Quốc hội Mỹ năm 1980 về con đập Comlubia, chẳng hạn, cho thấy 11.130 ha đất đai nông nghiệp phía dưới con đập có thể bị nhấn chìm hoặc bị ảnh hưởng bởi dự án có chức năng chống lũ này và diện tích chịu ảnh hưởng ở hạ nguồn còn gấp 3 con số đó. Tuy nhiên, văn bản phân tích chi phí và lợi ích của dự án thì không có dòng nào lưu ý về con số nhiều triệu USD thiệt hại do tổn thất về sản lượng nông nghiệp hoặc các ngành kinh doanh liên quan khi đập bắt đầu tích nước.

Tương tự, luận điệu bảo vệ cho khả năng chống lụt của đập Tam Hiệp thì vô cùng phong phú nhưng phổ biến nhất vẫn là đập sẽ cứu 10 triệu người khỏi nguy cơ lũ lụt. Tuy nhiên, trên thực tế thì chỉ có những trận lụt gây ra do mưa ở khu vực thượng nguồn của đập được kiểm soát, trong khi còn có rất nhiều những trận lũ lớn ở trung nguồn và hạ nguồn sông Dương tử do bão gây ra.

Và để có “công cụ chống lũ lụt” này, khoảng 1,3 triệu người sẽ vĩnh viễn bị mất nhà cửa ở khu vực hồ chứa nước, và hơn nửa triệu người khác sống trong khu vực dự kiến chứa lũ khẩn cấp khi mực nước đập dâng cao đột biến. Trong khi đó, ngay cả khi khả năng chứa lũ khẩn cấp của đập được tận dụng, tác động của đập lên một cơn lũ lớn cũng chỉ ở mức hạn chế vì đập chỉ có thể trữ chưa tới 1/10 lượng nước của một cơn lũ lớn dự tính trong 200 năm chỉ có một lần.