Lận đận mưu sinh dưới những tán rừng – Kỳ cuối

Bài 4: Hướng đi nào cho rừng, biển và người?

ThienNhien.Net – Vốn đầu tư ít, cụm tuyến dân cư không đồng bộ, thiếu đất sản xuất… là những lý do khiến người dân nghèo vốn đã quen bám rừng, bám biển “ngại” vào khu tái định cư. Trong khi đó, mô hình quản lý cộng đồng gắn với bảo vệ tài nguyên rừng, biển lại phát huy hiệu quả, và trong mô hình này, người dân vừa đóng vai trò là đối tượng khai thác có sự kiểm soát, vừa là chủ thể bảo vệ nguồn tài nguyên.

Căn nhà chót cửa biển Cái Cám, Tân Hải, Phú Tân, Cà Mau (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng)
Căn nhà chót cửa biển Cái Cám, Tân Hải, Phú Tân, Cà Mau (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng)

Nan giải câu chuyện di dời

Khu tái định cư Hải Ngư (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) hiện đang gặp nhiều khó khăn, người dân vẫn chưa an cư và lo chuyện làm ăn. Ông Trần Nghĩa Sỹ, Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố khóm 6, phường 1, TX Vĩnh Châu thở dài: “Trên giấy tờ, khu tái định Hải Ngư rộng khoảng 7 ha, có hơn 650 nhân khẩu nhưng người có mặt chưa tới một phần ba. Khoảng 90% hộ dân đều có người đi làm ăn xa, nhiều gia đình chỉ để lại người mất sức lao động trông nhà, một số hộ khóa trái cửa bỏ đi đâu không rõ”.

Ông Sỹ nhẩm tính, trong số 211 hộ, hiện 32 hộ có sổ nghèo, nhưng trên thực tế số hộ nghèo cao hơn gấp nhiều lần vì người dân đều không đất canh tác, không nghề nghiệp, trình độ văn hóa thấp. Cuộc sống của họ quanh năm bấp bênh do không thể tìm được việc làm cho thu nhập ổn định, trong khi hằng ngày phát sinh thêm đủ thứ cần phải chi tiêu. Đời sống khó khăn quá nên trẻ con ở đây biết phụ giúp cha mẹ kiếm cái ăn từ rất sớm. Chúng đi làm thuê, bán vé số hoặc ra bãi bồi ven biển tìm bắt con giống hải sản bán lấy tiền, nhiều em không còn tâm trí để theo đuổi việc học. Cả khu tái định cư chỉ duy nhất một em học tới lớp 12, được gia đình và địa phương động viên, em đã tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quân sự”.

Ngư dân thị xã Vĩnh Châu thường đánh bắt theo mùa. Những tháng đầu và cuối năm, bà con đánh bắt cá khoai, cá lù đù. Giữa năm bà con giăng lưới bắt tôm, cá chỉ… Ông Lưu Văn Chiêu, Chủ tịch UBND phường 1, TX Vĩnh Châu cho biết: “Vấn đề cuộc sống, việc làm ở khu tái định cư Hải Ngư rất nan giải. Đây là chương trình thuộc dự án bảo vệ và phát triển những vùng đất ngập nước ven biển tỉnh Sóc Trăng, địa phương không nắm được gì cả vì chưa được bàn giao. Thực tế, chúng tôi chỉ quản lý địa bàn về mặt hành chính, nhiều lần đề nghị ngành chức năng của huyện có chính sách cho bà con vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống nhưng chưa có kết quả”.

Trong tình trạng tương tự, khu tái định cư xã Tân Thuận (Đầm Dơi, Cà Mau) có sức chứa 144 hộ, mỗi hộ được nhận 80 m2 đất ở nhưng không có đất sản xuất. Chính quyền phân loại, hộ bị sạt lở được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ, hộ có nguy cơ sạt lở hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, nhưng tiền hỗ trợ người nhận được, người chưa; nhiều người chưa nhận được đã phải vay nóng cất nhà để ở. Ông Phạm Văn Tươi, 71 tuổi, ở ven biển, thuộc ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận (Đầm Dơi, Cà Mau) nói: “Tôi chưa dám di dời vô, các con tôi di dời trước đã mắc nợ vì chưa nhận được tiền hỗ trợ, cất nhà đổ nợ tùm lum”.

Ông Ngô Minh Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận xác nhận: “Bức xúc của bà con là đúng. Chủ trương vận động bà con vào khu tái định cư cho an toàn nhưng vốn hỗ trợ thì rất chậm nên bà con lỡ vay tiền làm nhà, rồi nợ mẹ đẻ nợ con. Chúng tôi đã báo cáo nhưng chưa được tháo gỡ khó khăn”.

Khu dân cư Hương Mai, xã Khánh Tiến (U Minh, Cà Mau) lưa thưa vì điều kiện sống không đất đai sản xuất
Khu dân cư Hương Mai, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau lưa thưa vì điều kiện sống không đất đai sản xuất (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng)

Với dự án tái định cư trong đất liền tại huyện Đông Hải, Hòa Bình, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, người dân cũng chưa thực sự yên tâm. Theo ông Tô Văn Điền, ở ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hậu (Hòa Bình, Bạc Liêu), ông rất lo sợ khi “vào khu tái định cư, mỗi người vài chục mét vuông đất chỉ để ở nhưng vô rừng, xuống biển gặp khó khăn nhiều. Bà con chúng tôi ở đây, sóng biển làm ngập hết nhà nhưng còn có cái ăn. Khi ở trong đất liền, quần áo khô ráo chắc cái bụng cũng đói meo!”.

Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết: “Hiện chúng tôi đang lập dự án, di dời người dân cư trú trái phép, dân sống ngoài đê và dân nhận khoán đất rừng vào khu tái định cư, tổng vốn cần khoảng hơn 360 tỷ đồng. Mặc dù việc tái định cư cho dân được triển khai đã lâu, song do thiếu vốn nên đành ngồi chờ”.

Ven rừng phòng hộ tuyến ven biển Đông, biển Tây, tỉnh Cà Mau cũng đang dự kiến xây dựng 14 khu tái định cư, tuy nhiên do thiếu vốn nên dự án vẫn giậm chân tại chỗ!?

… và hướng đi từ mô hình quản lý cộng đồng gắn với bảo vệ tài nguyên

Ở phía cuối bìa rừng, ông Thạch Soal, nhóm trưởng đồng quản lý GTZ ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) đang hì hụi cào cua biển con trên bãi bồi ven biển. Bãi cát trụi lũi ngày nào giờ đã được phủ xanh bằng rừng mắm, rừng đước. Ông Thạch Soal nói: “Có rừng, rừng giữ đất và sinh sôi, lấn ra biển cả chục mét mỗi năm”.

Bây giờ, người dân ở xóm Âu Thọ B không còn sợ triều cường, sóng biển nữa. Con đê yếu ớt, xuống cấp, cũ kỹ đã có thêm tấm lá chắn xanh thật vững chắc. Ông Tư Soal, người dân cố cựu ở Âu Thọ B cho biết, hơn 15 năm về trước, rừng tự nhiên ven biển Vĩnh Hải rất nhiều, thủy sản dưới tán rừng có nhiều chủng loài đa dạng. Bà con trong xóm thiếu cây làm nhà, thiếu củi đốt, hoặc cần mồi nhậu… thì chỉ cần lội vào rừng một chút là có đủ.

Năm 1997, sau bão số 5 (Linda), triều cường mạnh cuốn gần hết dãy rừng phòng hộ ra biển, sóng biển tràn vào khu dân cư ven đê biển Sóc Trăng. Từ ngày không còn rừng, sóng biển dội trực tiếp vô bờ, tràn qua đê phòng hộ. Rau màu của bà con sắp thu hoạch, chỉ 1 đợt sóng là tan tành hết. Ông Thạch Sươl, ở ấp Âu Thọ B kể: “Tôi có 5 công đất trồng màu và căn nhà bị sóng biển nuốt chửng, san bằng cả nền. Có ít nhất 60 hộ đồng bào Khmer xóm này bị sóng biển cuốn trôi đất đai, nhà cửa”.

Đến năm 2007, huyện Vĩnh Châu (nay là thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) được CHLB Đức hỗ trợ thực hiện Chương trình đồng quản lý bảo vệ rừng, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên (gọi tắt là Dự án GTZ, sau này đổi tên là GIZ). Mục đích của dự án nhằm khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ, khai thác hợp lí nguồn lợi thiên nhiên từ rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Ông Lê Hoàng Nhịn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết: “Theo dự án, người dân ấp Âu Thọ B được thuê trồng và bảo vệ diện tích rừng có chiều dài hơn 2,8 km, rộng trên 700 m, dọc theo bờ biển xã Vĩnh Hải. Chú Tư Soal là một trong số hàng trăm thành viên được thuê. Cộng đồng quản lý và khai thác tài nguyên dưới tán rừng và ven biển có khoa học, lịch thời vụ nên bảo vệ tốt khu rừng được giao. Đến nay, dải rừng nơi dày nhất hơn 800 m, mỏng nhất cũng 600 m. Ngoài bần ổi, mắm, phần nhiều là cây đước, có cây giờ to hơn bắp chân người”.

Dự án GIZ triển khai ở Bạc Liêu, Kiên Giang hiện đã ổn định được vấn đề về dân cư và khai thác tài nguyên rừng, ven biển. Ông Nguyễn Tiến Hưng, Điều phối viên GIZ tại Bạc Liêu, cho biết: “Về khôi phục rừng ven biển và tăng cường đa dạng sinh học, đến nay, dự án đã trồng thử nghiệm thành công hơn 7 ha rừng hỗn giao gồm: cóc, gõ biển, su và cây vẹt tại vùng ven biển xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu); trồng mới gần 30 ha rừng đưng, dà vôi nhằm tăng độ che phủ cho đất vuông tôm lâm ngư kết hợp và khu vực rừng phòng hộ ven biển; trồng mới 25.000 cây phi lao trên bờ đê và bờ bao vuông tôm, tăng độ che phủ chung cho khu vực ven biển”.

Tại Kiên Giang, từ năm 2008 đến nay, Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) cũng triển khai dự án Kết hợp bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển tỉnh Kiên Giang, trong đó dự án tiến hành khôi phục dãy rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển, dân cư tại Vàm Rầy, xã Bình Sơn (Hòn Đất), Xẻo Bần, xã Thuận Hòa (An Minh) và tại Thứ Năm, xã Nam Thái (An Biên) với khoảng 3 km ven biển có hàng rào bằng cừ tràm chắn sóng, tạo bãi bồi, tái sinh rừng phòng hộ.

Gia đình tôi được đo đạc để bồi thường rất lâu rồi. Nay nghe tin xây bờ kè, tạo bãi, trồng rừng để bảo vệ tuyến đê cũ sau khi nâng cấp là rất mừng. Bà con vui lắm, yên ổn chỗ ở, lo làm ăn không phải di dời nơi khác…

Bà Đỗ Kim Thu, 55 tuổi, ở tổ 10, ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn (Hòn Đất, Kiên Giang), người đến vùng đất phía sau đê biển Tây để làm nông nghiệp từ năm 1996 – kể rằng: “Vùng đất phía trong đê tốt lắm, còn mầu mỡ, trồng cây gì cũng có trái ăn. Bà con chúng tôi yên tâm sống trong đê, làm ăn khấm khá, không sợ sóng biển nữa”.

Nhấn mạnh lợi ích của rừng, vợ chồng ông Võ Văn Sáng và Trần Thị Bé Bảy ở cửa biển Cái Cám, xã Tân Hải (Phú Tân, Cà Mau) cùng cho hay: Khi rừng không còn che chắn bờ biển, sóng gây xói lở sâu dưới lòng đất. Cừ tràm, cây dừa, cừ bản nhựa đều khó chống chọi được với sóng biển. Kè bằng rọ đá tuy ngăn được sóng, giảm sức sóng nhưng lâu ngày rọ bằng dây kẽm bị ăn mòn, đá hộc không trụ được, rơi xuống bãi bồi. Ông Sáng quả quyết: “Phải có dải rừng phòng hộ thì mới giảm được sức phá của sóng biển”.

Ông Lê Văn Lạc ở cặp chân đê biển Tây, cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cũng nói: “Gia đình tôi được đo đạc để bồi thường rất lâu rồi. Nay nghe tin xây bờ kè, tạo bãi, trồng rừng để bảo vệ tuyến đê cũ sau khi nâng cấp là rất mừng. Bà con vui lắm, yên ổn chỗ ở, lo làm ăn không phải di dời nơi khác”.

Xem ra trong khi bài toán tái định cư vẫn còn nhiều nan giải thì phần đông bà con đều có nguyện vọng được gắn bó lâu dài với biển, với rừng.