Bát nháo khai thác vàng ở Bắc Kạn (Kỳ 4)

Chảy máu tài nguyên

ThienNhien.Net – Những cánh đồng lúa trổ bông mà không thể chắc hạt. Dòng sông Bắc Giang vốn xanh tươi giờ đã đỏ quạch, cạn khô. Cả cánh rừng nghiến Kim Hỷ được coi là rừng bảo tồn có tuổi đời hàng trăm năm cũng tan nát trong cơn bão vàng.

Phá nát rừng Kim Hỷ

Trước khi vào rừng Kim Hỷ, ông Nguyễn Đình Lai, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Na Rì thẳng thắn: “Chưa bao giờ rừng bảo tồn Kim Hỷ rơi vào vòng nguy hiểm đến thế. Không chỉ lâm tặc hoành hoành mà vàng tặc cũng thi nhau phá. Nguy cơ mất từng khoảng lớn rừng bảo tồn ngày một lớn”.

Một người dân bản địa dẫn chúng tôi băng rừng, xuyên qua những “con đường vàng” vào hai xã Kim Hỷ, Lương Thượng – điểm nóng khai thác vàng trái phép ngay trong khu bảo tồn Kim Hỷ.

Trên đường đi, cảnh tượng đập ngay vào mắt chúng tôi là những gốc đinh, nghiến, trai có lẽ tới vài trăm năm tuổi bị phạt ngang gốc. Có những gốc nghiến có đường kính tới 0,8m. Ngay cạnh những gốc nghiến là những “ao vàng” sâu hoắm rộng hàng ngàn m2 như một vực sâu.

Khi đang cắt ngang rừng tại xã Lương Thượng, bất ngờ chúng tôi gặp một nhóm 6 người. Trên tay những người này, xen lẫn với đồ đào đãi là cả những cưa máy và búa lớn. “Vàng tặc đang đi thăm dò mảnh rừng có vàng để phá rừng lấy đất trống đãi vàng đấy”- Người dân bản địa vội dẫn chúng tôi núp vào sau những tán cây rậm rạp.

Một số nơi trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã bị "vàng tặc" cạo hết cây cỏ. Ảnh: ThienNhien.Net

“Đối với vàng tặc chỉ thì phá rừng chỉ để đào vàng. Sau khi đào xong, họ quay lại tận thu ngay những thân cây gỗ để bù vào tiền xăng, dầu đào đãi vàng. Nói là tận thu nhưng mỗi cây gỗ nghiến, đốn hạ, vàng tặc cũng bán được mấy triệu đồng” –Người dẫn đường nói.

Ông Nguyễn Đình Lai thẳng thắn thừa nhận việc quản lý rừng bảo tồn Kim Hỷ trở nên cực kì phức tạp khi vàng tặc tham gia phá rừng. “Chúng tôi đã dẹp nhiều lần trong những năm gần đây, nhưng do người khai thác vàng trái phép đa phần là dân địa phương, địa hình hiểm trở, nên cứ dẹp xong lại tái vi phạm”. Cũng theo ông Lai, từ tháng 7 đến hết tháng 10/2011, chỉ riêng ở hai xã Kim Hỷ và Lương Thượng, lực lượng truy quét đã tổ chức truy quét tại 20 lũng, dỡ bỏ gần 300 lán trại, tiêu huỷ 288 máy móc các loại, trên 37.000 mét vòi dẫn nước; giải tỏa, trục xuất 550 lượt người.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Khu Bảo tồn, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kim Hỷ, các đối tượng khai thác vàng sa khoáng hoạt động ngày một rầm rộ, có một số đối tượng còn chống đối, chửi bới, đe doạ, không chấp hành khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. “Đặc biệt, vẫn còn một số đối tượng cầm đầu, đứng sau thu mua, điều hành các hoạt động rất tinh vi, manh động, liều lĩnh, chúng điều hành với nhau qua điện thoại nên khó bắt quả tang” – Ông Dũng cho biết thêm.

 Con sông, cánh đồng cùng chết

Sáng 10/11, qua mặt được những chốt gác “chim lợn” trên đường 279 , chúng tôi bất ngờ đến bãi vàng Nà Diệc thuộc địa phận  giáp ranh hai xã Lạng San và Lương Thành (huyện Na Rì), 6 máy xúc vàng đang ầm ầm khai thác. Bãi vàng trên thuộc sự quản lý khai thác của Công ty TNHH Hải Điệp với giấy phép được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp “khai thác cát tận thu khoáng sản”.

Tuy nhiên, dọc sông Bắc Giang, suốt một đoạn dài 7 km do công ty Hải Điệp khai thác đều chỉ có hoạt động đào, đãi chứ không có một xe cát nào. Cũng tại đây, dòng sông Bắc Giang bị chặn đứng. Những máy xúc đã ngoặm thành hố sâu hai bên bờ sông để tìm vàng. “Con sông trước kia trong xanh nhưng giờ trở nên đỏ quạch. Khổ nhất là không có nước để dẫn vào làm nương, trồng màu” – ông Hoàng Đức Thịnh, người dân xã Lạng San than.

Đi dọc quốc lộ 279 qua địa bàn hai huyện Ngân Sơn và Na Rì chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều đoạn sông bị và đồng ruộng bị đào xới tan hoang. Ảnh: Trần Phong

Tại bãi vàng thuộc bản Nà Láng, xã Lương Thượng (Na Rì) do Công ty TNHH Đồng Vàng (trước kia có tên Công ty TNHH Hùng Dũng, trực thuộc Tổng công ty cổ phần khoáng sản Na Rì – HAMICO) khai thác, tình trạng con sông Bắc Giang cũng tương tự. Ven sông và giữa lòng sông Bắc Giang là những đống đất đá lù lù như núi, chặn đứng dòng chảy. Tại đây, lòng sông chỉ là khe nước hẹp rộng chừng 2m với nhiều đoạn nghẹn ứ.

Ông Nguyễn Công Tiệu, người dân xã Lương Thượng bức xúc: “Họ khai thác bất kể ngày đêm. Lúc nào tiếng máy xúc, tiếng đào đãi cũng rầm rầm. Dân mất ngủ, con cái chúng tôi cũng không học được”.

Như ông Tiệu bảo, đau lòng nhất là những người dân có đồng lúa xung quanh bãi vàng Nà Láng: “Vụ mùa năm nay, thiếu nước là một phần, tệ nhất là không hiểu tại sao lúa ra bông nhưng không thể chắc hạt. Nhiều nhà bị mất trắng”.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, trên địa bàn hai huyện Ngân Sơn và Na Rì, tỉnh chỉ cấp phép khai thác tại một số điểm mỏ thuộc thẩm quyền từ năm 2009. Mặc dù có kiến nghị từ phía người dân nhưng tỉnh chưa có một đánh giá tổng thể về tác động môi trường tại những khu vực này.

Khó ngăn chặn

“Vàng tặc lộng hành. Người dân cũng bắt tay với vàng tặc. Từ cấp tỉnh, huyện, xã đều thành lập các tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vẫn không làm tình hình dịu đi” – ông Trần Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bắc Kạn bày tỏ.

Theo ông Nguyên, trước tình trạng trên, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cuộc họp khẩn cấp để ngăn chặn. “Một trong những biện pháp tình thế và mạnh tay nhất là Quyết định 2693 được tỉnh ban hành tháng 10/2011” – ông Nguyên nói.

Điểm quan trọng nhất của quyết định là “xử lý tang vật, phương tiện trong việc khai thác trái phép vàng”. Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho rằng Quyết định đã hạn chế một phần việc khai thác vàng trái phép.

Để lấy ví dụ, ông Du cho biết: “Từ đầu tháng 7/2011 đến nay, tỉnh đã tịch thu 13 máy xúc, máy cuốc và nhiều phương tiện khác như máy bơm, sàng vàng, xử phạt hành chính hàng chục đối tượng là vàng tặc, đồng thời tiếp tục tạo hành lang pháp lý để mạnh tay với vàng tặc”.

Mọi hoạt động khai thác vàng đều diễn ra công khai, sao lại khó ngăn chặn?. Ảnh: Trần Phong

Tuy nhiên, theo một cán bộ chủ chốt của huyện Na Rì, việc tịch thu phương tiện cũng không ăn thua. “Ngay sau khi bắt máy này họ đi mua ngay máy khác dù có máy trị giá cả tỉ đồng nhưng lợi nhuận từ khai thác vàng quá lớn. Khi bắt máy có trường hợp đã để cả máy và khoáng sản khai thác trái phép tẩu tán” – ông này nói.

Đơn cử trường hợp bắt máy xúc trên địa bàn Cốc Đán, huyện Ngân Sơn tháng 6/2011. Khi tỉnh giao cho huyện và xã trông  máy và tang vật, thì ngay đêm hôm đó, máy đã bị lấy đi cùng hơn 1.000 tấn quặng khai thác trái phép.

Ở cấp cơ sở, ông Đào Việt Hưng, chủ tịch UBND xã Thuần Mang, Ngân Sơn cho rằng tịch thu máy và tang vật của vàng tặc là đúng. Nhưng với biện pháp này thì gánh nặng lại “đè lên đầu cơ sở”, mà lại chưa dứt khoát và quyết liệt. Ông Hưng lấy ví dụ từ việc phải trông tang vật bao gồm máy xúc, máy bơm và sang vàng thu giữ được ở bản Nà Chúa, xã đã phải cắt cử người trông tại hiện trường với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người/tháng.

“Một điểm dễ thấy nữa trong “con át chủ bài” 2693 (Quyết định 2693/2011/QĐ-UB – PV) không có quy định cụ thể về việc xử phạt ô nhiễm môi trường với các công ty khai thác có phép” – ông Hưng nói.