Đến mùa lễ hội, rác thải lại hoành hành nơi công cộng

ThienNhien.Net – Cứ đến hẹn lại lên, hễ sau một sự kiện hay lễ hội thì tình trạng quá tải rác thải lại xuất hiện. Không chỉ gây ra cảnh nhếch nhác tại các tụ điểm công cộng, công trình văn hóa mà còn khiến lực lượng công nhân vệ sinh môi trường phải toát mồ hôi để dọn dẹp.

Tổ chức ăn uống rồi xả rác ngay trên phố đi bộ Nguyễn Huệ vào đêm 24.12. Ảnh: Trường Sơn

Vô tư xả rác, phóng uế nơi công cộng

Đêm 24.12, hàng vạn người đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) để mừng Giáng sinh. Lượng người quá đông khiến con đường này trở nên quá tải. Phía cuối đường có chương trình ca nhạc nên hàng nghìn người đứng xem, phần còn lại rất đông người cũng đang ngồi bệt, tụ tập ăn uống. Nhóm này vừa đứng lên thì nhóm khác thế chỗ, một phần con đường vốn dành cho đi bộ bị biến thành những “bàn tiệc” bất đắc dĩ.

Chúng tôi tiếp cận một nhóm khoảng hơn chục thanh niên đang ngồi vòng tròn cạnh một bồn hoa. Do vừa thế chỗ nên xung quanh họ là rất nhiều vỏ chai, lon nước, hộp đựng thức ăn mà nhóm kia để lại. Những tưởng họ sẽ cho số rác này vào thùng rác gần đó nhưng không, hai bạn nam dùng chân gạt ra xa, cốt chỉ lấy chỗ trống để bày biện số thức ăn nhanh mà họ mang theo xuống đường. Sau hơn một tiếng đồng hồ vừa ăn vừa trò chuyện, khi chương trình ca nhạc kết thúc thì họ đứng dậy đi về và để lại rất nhiều rác tại chỗ mình vừa ngồi. Xả rác là vậy nhưng không ai trong số nhóm thanh niên này có ý thức mang rác bỏ vào thùng. Không riêng gì nhóm này, nhiều nhóm khác cũng không hề để ý đến việc xử lý số rác mà mình xả ra trên phố. Trong suốt nhiều giờ đồng hồ quan sát, chúng tôi ghi nhận có nhiều bạn trẻ vứt cả tàn thuốc lá, vỏ bình tuyết nhân tạo, cả thức ăn thừa vào các bồn hoa.

Chứng kiến cảnh nhếch nhác, bạn Long – ngụ quận 2 – lắc đầu ngao ngán. “Anh xem đi, có chút rác mà không chịu bỏ vào thùng thì ai bỏ vào cho họ, không lẽ lại trông chờ cả vào mấy cô chú lao công. Thật hết biết với ý thức của các bạn trẻ này” – Long than thở rồi cho mấy túi rác vào thùng. Khi túi rác vừa yên vị thì có một người đàn ông đi đến. Tất cả các túi nilon bên trong thùng được người này kéo ra để lượm các vỏ lon bằng nhôm, nhựa, cho vào chiếc bao tải cỡ lớn màu đen. Sau khi ông này rời khỏi, thùng rác vốn đã đầy lại bị xáo tung, những mẩu thức ăn thừa, túi nilon, hộp đựng bằng xốp lại rơi tung tóe ra bên ngoài. Vài phút sau, hai vợ chồng kéo một em nhỏ đứng phía sau rồi cho bé tè vào thành chiếc thùng rác bằng thép. Đợi con “xả” xong, họ vội vã đưa bé trai về phía bãi giữ xe mặc kệ cảm giác khó chịu của hàng chục người xung quanh.

Không riêng gì tại phố đi bộ,  tại các tụ điểm tập trung đông người như Nhà thờ Đức Bà, tình trạng xả rác vô tội vạ cũng xảy ra. Dọc các tuyến đường xung quanh hay thậm chí là trong công viên nhỏ trước nhà thờ, chi chít rác bị người ta xả ra, gió thổi bay tràn ra đường.

Thùng rác bị một người nhặt ve chai móc ra để lượm chai nhựa rồi bỏ đi. Ảnh: Trường Sơn

Thùng rác nhỏ,  ý thức tệ

Nói về tình trạng xả rác tại nơi công cộng, nhiều người cho rằng người Việt có thói quen ăn uống. Đi đâu họ cũng mang theo hoặc mua thức ăn được bày bán gần đó. Nhu cầu ăn uống là thiết yếu và việc thỏa mãn nhu cầu này tại các nơi cộng cộng là chính đáng. Không khó để nhận ra một đặc trưng là hầu hết các khu vực công cộng đều có hàng quán phục vụ thức ăn, nước uống cho người dân và du khách. Tuy nhiên, việc xuất hiện các xe bán hàng rong, đồ ăn vặt tại các khu vực này mới là điều đáng bàn. “Xe bán hàng rong đa phần bán thức ăn nhanh như cá viên chiên, bánh, hoa quả chế biến sẵn…cộng với thói quen lạm dụng hộp xốp và bao nilon đã gây ra tình trạng ăn xong rồi vứt rác ra đường, thậm chí là ngay dưới chân mình. Để hạn chế tình trạng buôn bán mất trật tự này, chúng tôi thường xuyên tổ chức đẩy đuổi, thậm chí xử phạt rất nặng những người bán hàng rong nhưng số lượng quá đông, lực lượng lại mỏng nên cứ vào mùa lễ hội thì tình trạng này quả thực là sự ám ảnh với chúng tôi” – một cán bộ quản lý đô thị than thở.

Bên cạnh một bộ phận người dân vẫn chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường thì việc bố trí quá ít hoặc thùng rác quá nhỏ tại các điểm công cộng cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải rác thải sau các lễ hội, sự kiện. Tại vườn hoa trước Nhà thờ Đức Bà, PV ghi nhận tại đây chỉ có 4 thùng rác nhỏ được bố trí 4 góc. Với kích cỡ quá khiêm tốn, những thùng rác này khó đáp ứng được nhu cầu. Trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, số thùng rác được bố trí dày hơn, cứ khoảng 50m thì có một thùng rác lớn, bên cạnh đó là các thùng bằng nhựa được tăng cường. Tuy nhiên, trong các dịp như Giáng sinh vừa qua, tình trạng quá tải rác xảy ra khiến nhiều thùng không thể chứa hết, rác tràn cả ra ngoài. Theo lời của một công nhân vệ sinh tại đây thì cứ vào dịp Tết, Giáng sinh, ngày lễ lớn thì số rác tăng một cách đột biến. Cá biệt, vào lễ đón giao thừa năm 2016 vừa rồi, số rác thu gom tại khu vực trung tâm quận 1 lên đến hàng chục tấn, công nhân phải quét dọn đến tận sáng mới xong. “Nhiều bạn trẻ rất có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định nhưng cũng có một số bạn vứt rác lung tung. Có người treo rác lên cành cây, vứt vào bồn hoa, thậm chí là nhét vào kẽ hở kết cấu gang bảo vệ cây xanh khiến việc thu dọn rất mất thời gian và vất vả” – một công nhân kể.

Chính quyền và người dân TPHCM đang hướng đến xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại nên việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống là một quá trình lâu dài. Bên cạnh việc nâng cao ý thức của người dân thì việc tăng cường nhiều thùng rác, phương tiện thu gom là biện pháp quan trọng thúc đẩy mục tiêu này sớm được hoàn thành.