Ca cao và vòng lẩn quẩn: Trồng – chặt

ThienNhien.Net – Được xác định là cây “mũi nhọn” thoát nghèo tại Đắk Lắk nhưng hơn 6 năm triển khai dự án, diện tích cây ca cao không tiến triển mà thụt lùi trong vòng luẩn quẩn “trồng – chặt”.

Cây kén người, không kén đất 

190413_KT_Cacao (1)
Cây ca cao chưa giúp dân thoát được nghèo (Ảnh: Lê Kiến)

Năm 2007, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 2678/2007/QĐ-BNN-KH nhằm thúc đẩy phát triển diện tích trồng cây ca cao, mục tiêu đến năm 2015 phải đạt 60.000 ha. Theo đó, hàng chục ngàn hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) mong chờ cơ hội thoát nghèo từ cây trồng hứa hẹn nhiều tiềm năng này. Tuy nhiên, tại các tỉnh Tây Nguyên tình hình không khả quan như dự tính ban đầu. Riêng tại Đắk Lắk theo quy hoạch đến năm 2010, diện tích ca cao phải đạt 6.000ha nhưng đến nay chỉ đạt xấp xỉ 1/3 mặc dù được dự án Success Alliance (của Hoa Kỳ) tài trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc giai đoạn đầu.

Tại huyện Ea Kar, mô hình trồng cây ca cao được xem là khá thành công cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, từ 1.200ha nay chỉ còn 450ha. Toàn tỉnh Đắk Lắk đã có hàng trăm ha ca cao bị phá bỏ và phần lớn các hộ này là hộ nghèo, hộ DTTS. Tiến sĩ Vũ Hồng Phong, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh Tế và Môi trường (ISEE) cho biết: “Tôi đã đi nhiều nơi, thấy thành công cũng có mà thất bại cũng nhiều. Thường những hộ thất bại là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi họ không có vốn để đầu tư nên vườn cây thường bị chết, không phát triển trong 2 năm đầu nên đâm ra chán nản mà phá bỏ. Nói đúng hơn, cây ca cao không kén đất mà kén người. Mặt khác, nhiều hộ nghe nói được hỗ trợ miễn phí nên trồng chứ không quan tâm đến hiệu quả”.

Anh Nguyễn Đình Thiên, thôn Quảng Cư (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) cho rằng: “Trồng ca cao tốn không nhiều chi phí nhưng về kỹ thuật chăm sóc, tạo tán, lên men phơi khô… rất phức tạp. Hơn nữa, ca cao không giống như các lại cây khác thu hoạch một lần mà cứ thu hái lắt nhắt quanh năm, bán lai rai khiến số tiền thu vào nhỏ lẻ, khó tích lũy để đầu tư vào việc khác. Nếu trồng ít thì cuối năm chẳng dư ra được đồng nào”.

Theo thống kê của ISEE, trên cùng một diện tích thì việc trồng cây cà phê đem lại lợi nhuận gấp đôi so với ca cao. Và đối với một số cây ngắn ngày như mì, ngô… giá như hiện nay thì thu nhập đều cao hơn cây ca cao nhiều lần trong khi không cầu kỳ về kỹ thuật. Và ngoài các lý do: thiếu vốn, diện tích nhỏ, thiếu đầu ra… khiến người dân phá bỏ cây ca cao thì ở nhiều thôn, buôn tình trạng trẻ con trộm vặt, hái trái ăn làm bà con thất thu, nản không muốn trồng. Và cây ca cao phù hợp là một cây công nghiệp thứ cấp hơn là cây ưu tiên đầu tiên.

Ca cao không giúp dân thoát nghèo 

Cây ca cao chết – nhiều hộ nghèo chưa mặn mà
Cây ca cao chết – nhiều hộ nghèo chưa mặn mà (Ảnh: Lê Kiến)

Từ những năm 1980, cây ca cao đã có mặt ở Đắk Lắk nhưng sau đó thất bại vì không có đầu ra khiến cả nghìn ha ca cao phải chặt bỏ để thay thế cho cây trồng khác. Đến khi có dự án, nhiều người dân cũng không mấy mặn mà vì giá bấp bênh và mục tiêu thoát nghèo từ ca cao vẫn xa vời. Tại xã Ea Sar (huyện Ea Kar), sau khi nhận cây trồng theo dự án đã có không ít DTTS phá bỏ ca cao trồng cây khác hoặc phó mặc cho trời. Anh Y Think Byã, Buôn trưởng buôn Ea Sar nhận 300 cây trồng chưa được năm thì “đổ lỗi” do mưa chết cây nên phá bỏ ca cao chuyển sang trồng mía. Cách đó không xa, hộ anh Ama Ro cũng bỏ lửng, vườn ca cao chỉ còn lèo tèo 4-5 cây.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Ea Sar (huyện Ea Kar) than: “Đến nay, diện tích cây ca cao tại địa bàn chỉ còn 139ha, khi giá cao thì người dân đổ xô đi trồng, khi giá xuống thì phá bỏ. Dựa vào thực tế, chúng tôi không kỳ vọng nhiều vào ca cao vì giá bấp bênh, hơn nữa việc thoát nghèo từ ca cao thì tôi chưa thấy. Hiện, địa phương tạm dừng, không có kế hoạch trồng thêm.”

Theo anh Niê Hoàng, chuyên viên Phòng nông nghiệp huyện Lắk, ở địa phương, số hộ trồng cây ca cao thành công và thất bại là 50-50 và mấy năm nay diện tích ca cao liên tục giảm từ 1.200ha còn 502ha. Tại hộ ông Y Krông Du (xã Yang Tao), vườn cây ca cao xơ xác, cành lá queo quắp vì nắng hạn. Năm 2009, Y Krông trồng 150 cây ca cao theo dự án nay chỉ còn vài chục cây và gia đình không còn mặn mà với ca cao mà chuyển hướng sang trồng mì, lúa nước.

Ông Nguyễn Xuân Diệp – Phó Trưởng ban quản lý dự án Phát triển ca cao bền vững các nông hộ cho biết mục tiêu chính của dự án là truyền nghề trồng ca cao cho người dân, mở ra cho họ một cơ hội. Nếu dự án hỗ trợ 200 cây ca cao nói để thoát nghèo là không tưởng, nó chỉ góp phần nào để thoát nghèo. Để thoát nghèo thì người dân cần trồng hàng nghìn cây. Cây gì cũng có lúc thăng lúc trầm, có nhiều hộ cũng chưa tin tưởng vào ca cao mà lao vào một số cây kinh tế khác như hồ tiêu, cao su. Năm 2011, HĐND tỉnh đã ra nghị quyết 40 hỗ trợ vốn cho người trồng ca cao nhưng đến nay vẫn còn trên giấy vì chưa có vốn.